Share on facebook

Lời nói đầu

Có thể bạn quan tâm

Năm 2016 là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Ở tuổi 35, lần đầu tiên tôi trở thành cha. Tôi vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc chính tay mình đón lấy bé Andi từ tay cô y tá. Đó là một khoảnh khắc thiêng liêng và đặc biệt khó có thể diễn tả được bằng lời. Và đó là phút giây tôi hiểu được rằng, giờ phút con tôi được sinh ra, một người cha cũng được sinh ra với đầy đủ nhận thức về trách nhiệm của mình. Lúc còn nhỏ, tôi luôn cảm thấy thắc mắc khó hiểu về sự “ngược đời” của câu ca dao: “Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.” Tại sao “sinh con” rồi mới “sinh cha”? Phải có cha rồi mới có con chứ? Nhưng từ khi bé Andi chào đời, tôi mới thực sự hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của câu ca dao này. Đúng là trước khi có con, khái niệm làm cha như thế nào đối với tôi thật sự hết sức mơ hồ. Trong thời gian chờ đợi sự ra đời của đứa con đầu lòng, trong đầu tôi luôn chất chứa rất nhiều câu hỏi về việc làm cha nhưng chưa bao giờ tìm được một câu trả lời cho thỏa đáng. Đúng là tôi đã học rất nhiều thứ trên đời nhưng chưa bao giờ học cách làm cha của một đứa trẻ.

Từ khi có Andi, mỗi ngày tôi đều học được một điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn mới mẻ mà không có trường lớp nào trước kia dạy tôi. Tôi đã học cách pha sữa, canh nhiệt độ sữa, cách cầm bình sữa cho con bú, cách bế bé ra ngoài tắm nắng và cách thay tã cho bé. Tôi đã học cách đi đứng và làm mọi việc mà không phát ra tiếng động để không đánh thức con dậy. Tôi học cách nhận biết tiếng khóc của con để đoán được nhu cầu của bé: đói bụng, buồn ngủ, khó chịu trong người… Đó là những điều mà khi còn độc thân, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ làm mà còn làm một cách thuần thục nữa chứ. Khi chưa có con, ý nghĩ bế một đứa trẻ sơ sinh trong tay, đút từng muỗng sữa cho bé hoặc dỗ cho bé ngủ cũng đủ khiến tôi hoảng sợ và bối rối. Tôi thật sự không dám tin rằng mình sẽ có thể làm tốt những điều đó. Nhưng đến khi Andi ra đời, tôi lại có thể làm chúng một cách tự nhiên thoải mái như thể chúng vốn dĩ được dành cho mình vậy. Và tôi hiểu rằng mình đang trưởng thành một lần nữa.

Mỗi ngày tôi đều quan sát sự phát triển và thay đổi của Andi và tưởng tượng ra sự phát triển và thay đổi của bản thân mình khi còn là một đứa trẻ, giai đoạn mà tôi hoàn toàn không có một ký ức nào. Nhìn Andi tập lật, tập bò, tập ngồi, tập đi những bước đầu tiên và tập nói những từ đầu tiên…tất cả những điều đó đều thật sự rất mới mẻ với tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu niềm vui khi chơi đùa với con lại tuyệt vời như thế nào và sự lo lắng mỗi khi con ốm đau lại đáng sợ như thế nào. Những người đàn ông nào vì bất cứ một lý do nào đó mà không chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái với vợ mình thật đáng tiếc vì họ đã đánh mất những cơ hội vô giá để trưởng thành. Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi có thời gian chăm sóc con mình và thấy bé lớn lên mỗi ngày.

Andi mang lại cho tôi những cơ hội được trở về tuổi thơ một lần nữa qua những bài hát thiếu nhi, những bộ phim hoạt hình và những câu chuyện cổ tích…những thứ mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thời gian hay hứng thú dành cho chúng. Khi Andi bắt đầu quan tâm tới những chú khủng long, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về những loài vật tiền sử này để có thể trả lời những thắc mắc của con. Nếu như trước đây tôi chỉ biết được cái tên Tyrannosaurus Rex (khủng long bạo chúa) thì bây giờ tôi có thể nhận diện và đọc tên khoa học của hơn 40 loài khủng long khác nhau. Đây là những điều mà tôi không nghĩ rằng mình sẽ làm được nếu không có con. Tôi hiểu được rằng, chuyện học làm cha của tôi sẽ không bao giờ kết thúc vì mỗi ngày bên cạnh con, tôi đều có cái để học.

Sự ra đời của bé Andi còn giúp tôi thay đổi gần như hoàn toàn về nhân sinh quan và thế giới quan của mình. Tôi bắt đầu quan tâm việc hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người cha tốt hơn. Tôi không muốn con tôi lớn lên học những thói hư tật xấu của ba nó hoặc cảm thấy thất vọng vì những điều không đúng mà ba nó làm. Tôi muốn Andi luôn tự hào về tôi. Tôi không muốn con tôi vì sợ ba mà né tránh hoặc giấu giếm những lỗi lầm của mình mà tôi muốn con tôi luôn tin tưởng để trò chuyện và chia sẻ với tôi những gì bé lỡ làm sai. Con tôi cũng khiến tôi bắt đầu ý thức hơn về việc giữ gìn sức khỏe bản thân vì tôi muốn mình được sống lâu sống khỏe để nuôi dạy và chứng kiến con trưởng thành chứ không muốn trở thành gánh nặng cho nó. Tôi cũng bắt đầu quan tâm tới những vấn đề về nuôi dạy con cái và tâm lý của trẻ con ở những độ tuổi khác nhau.

Khi nhà xuất bản Kim Đồng đề nghị tôi dịch cuốn “Dad to Dad: Parenting Like a Pro” (Tựa tiếng Việt: Làm bố kiểu Mỹ) của tiến sĩ nhi khoa David L. Hill, tôi đã nhận lời một cách hết sức sốt sắng vì tôi biết rằng tôi sẽ học được rất nhiều điều bổ ích từ một người cha vốn là một bác sĩ nhi khoa có tiếng tăm. Nếu không có Andi, tôi không nghĩ rằng mình có đủ kiên nhẫn đọc dù chỉ là một chương của cuốn sách này. Từ khi có con, tôi bắt đầu quan tâm tới những vấn đề nóng bỏng trong xã hội như ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục, chất lượng của thực phẩm…vì tôi muốn con mình được sống và lớn lên trong một môi trường tốt nhất. Để trở thành một người cha có trách nhiệm với con mình, tôi biết mình phải trở thành một công dân có trách nhiệm với xã hội.

Trong đạo lý truyền thống của người Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng Nho giáo, chữ “hiếu” luôn được coi như là một đức tính hàng đầu. Là người Việt Nam, ai mà không thuộc nằm lòng bài ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Con cái Việt Nam luôn được dạy từ nhỏ là phải vâng lời và hiếu thảo với cha mẹ một cách gần như vô điều kiện vì công ơn sinh thành dưỡng dục “không có cha mẹ thì làm sao có chúng ta”. Nhưng có bao giờ những bậc cha mẹ nghĩ rằng mình phải mang ơn con cái vì không có con cái chúng ta sẽ không bao giờ trường thành và biết cách làm cha làm mẹ? Điều này gần như không bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của đại đa số cha mẹ Việt Nam.

Tôi không bắt con tôi phải mang ơn tôi hay mẹ nó vì chính vợ chồng tôi quyết định đưa bé vào đời chứ bé không đòi hỏi chúng tôi làm điều đó. Việc nuôi dạy con nên người là trách nhiệm của người làm cha mẹ chứ không phải là một thứ công ơn mà con cái phải trả. Nếu nói về việc biết ơn thì vợ chồng tôi phải biết ơn bé Andi rất nhiều vì chính bé đã mang đến niềm hạnh phúc cho chúng tôi cũng như những cơ hội để chúng tôi được trưởng thành hơn, sống tử tế và trách nhiệm hơn. Chúng ta không thể nào biết cách làm cha mẹ đúng nghĩa nếu không chăm sóc và nuôi dạy những đứa con của mình.

Đã có quá nhiều những bài học về chữ hiếu và bổn phận của con cái đối với cha mẹ nhưng hầu như chưa có bài học nào dạy cho cha mẹ phải làm cha làm mẹ sao cho đúng cách. Cũng rất ít người Việt Nam hiểu được rằng cách nuôi dạy con của mình đã rất lạc hậu và có rất nhiều khiếm khuyết sai lầm, một phần cũng vì họ nghĩ con cái phải luôn biết ơn mình nhưng không bao giờ nghĩ theo hướng ngược lại.

Cuốn sách này xin được dành tặng cho những bậc phụ huynh ý thức được sự may mắn cũng như trọng trách làm cha làm mẹ của mình. Tôi tin vào câu nói: “Không có những đứa con hư mà chỉ có những người không làm tròn trách nhiệm của cha mẹ. Không có những học trò dở mà chỉ có những giáo viên chưa đủ tận tâm với việc giảng dạy học sinh của mình.” Là một người thầy và một người cha, tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Đừng nghĩ rằng sinh con ra đời là tự động sẽ trở thành cha mẹ mà không cần phải học. Làm cha làm mẹ chính là luôn phải ý thức sửa đổi và học hỏi để làm gương tốt cho con noi theo.

Sài Gòn, 16-11-2019
Huỳnh Chí Viễn

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm