Khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối, nếu muốn có sức để tiếp tục khám phá “con đường ăn chơi Bourbon Street” thì hãy ghé vào một nhà hàng kiểu Cajun nào đó để ăn tôm đất (crawfish), cá basa chiên (fried catfish), hàu (oyster) và làm chai bia trước khi tiếp tục ghé thăm bảo tàng Creepshow hoặc bảo tàng tượng sáp trứ danh của Madame Tussaud nhé. Tôi không ghé qua bảo tàng sáp Madame Tussaud vì tôi đã từng đến xem bảo tàng này ở nơi khác và cũng vì giá vé khá đắt mà đi tham quan bảo tàng Creepshow, nơi trưng bày những thứ kì dị quái đản như xác con bê hai đầu hoặc quái thai một mắt giữa trán được đặt tên theo người khổng lồ Cyclops trong truyền thuyết Odysseus. Có cả những thứ do con người cố tình tạo ra theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia như lấy nửa thân của một con khỉ may vào đuôi cá và bảo đó là người cá. Tất cả những thứ lừa bịp đó đối với du khách hiện đại chỉ là những trò đùa không hơn không kém nhưng trước đó một thế kỷ, trước khi máy chiếu phim được phát minh, chúng đã từng là ngôi sao trong làng giải trí Mỹ với các chương trình tạp kỹ vaudeville.
Đó là thời kỳ người “văn minh” da trắng ở các đô thị lớn phát cuồng vì những điều kỳ lạ được các nhà thám hiểm mang về từ các thuộc địa châu Á và châu Phi từ những loài thú như đà điểu, hươu cao cổ, sư tử cho tới những thổ dân da đen. Các gánh xiếc rong và tạp kỹ vaudeville để tăng thêm sức thu hút đối với người xem đã mở thêm những freak show trưng bày những quái vật dị dạng được mua lại ở những nơi khác rồi xử lý và khoác lên cho chúng những câu chuyện ly kì quái đản đánh vào thị hiếu ham của lạ của những thị dân da trắng tự cho mình là văn minh. Sự khai sinh của bộ môn điện ảnh khiến các gánh xiếc rong vaudeville dần dần mất chỗ đứng và cuối cùng bị đào thải hoàn toàn. Những mẫu vật kỳ dị kia cũng dần dần được khoa học bóc mẽ chỉ là trò lừa bịp và xếp xó. Và giờ đây, sau hàng thế kỷ bị quên lãng, chúng lại được mang ra trưng bày trước công chúng như một phần quan trọng của lịch sử giải trí nhân loại trong giai đoạn tranh tối tranh sáng giữa văn minh và ngu muội.
Và từ sau 9:00 tối trở đi, khi các trò giải trí ngoài trời khu French Quarters bắt đầu lắng xuống, đó là lúc đến với Bourbon Street, con đường nhỏ nằm cắt ngang Canal Boulevard để thực sự ăn chơi tại con đường được mệnh danh là khu đèn đỏ của New Orleans. Đường Bourbon không dài lắm, chỉ trên dưới 1 cây số nhưng hai bên đường là vô số những hộp đêm, quán bar, các cửa hiệu bán đồ lưu niệm và bùa chú cùng với những nơi biểu diễn thoát y vũ. Con đường ấy cứ từ 8:00 tối trở đi lại tràn ngập trong tiếng nhạc đủ các thể loại phát ra từ những quán bar chơi nhạc sống, rap có, heavy metal có, blues có, jazz có và ánh đèn màu chớp tắt phát ra từ các bảng hiệu quảng cáo.
Khi màn đêm buông xuống, Bourbon Street bắt đầu thức giấc, khác hẳn với sự yên ắng của nó vào ban ngày. Từ chín giờ tối trở đi, con đường này mới thực sự nhộn nhịp với vô số du khách trong và ngoài nước đổ về khiến Bourbon Street trở nên đông đúc và nồng nặc mùi bia, mùi thuốc lá, mùi nước hoa và mùi mồ hôi người. Tất cả những thứ mùi ấy trộn lẫn với nhau để tạo nên một thứ mùi rất đặc trưng, mà theo lời người dân ở đây là mùi “của tội lỗi” (the smell of sins). Có lần tôi nói với thằng bạn Mỹ rằng mình không thích cái mùi hỗn tạp của Bourbon Street, nó nhăn răng cười bảo: “You know what, it smells like teen spirit!”
Lần đầu tiên tới Bourbon Street, tôi ham vui bỏ ra khoảng 20 đô để vào một hộp đêm xem thoát y vũ và uống một chai bia. Ở Mỹ, các quán bar thoát y không cho cởi hết hoặc diễn sex show “làm thật” như ở Thái Lan mà chỉ đơn thuần là múa cột và lap dance và trên người vũ công bắt buộc vẫn phải còn ít nhất một mẩu vải. Và khách xem cũng chỉ được nhìn chứ không được đụng vào vì chỉ cần đụng đến một ngón tay của các vũ công thôi thì ngay lập tức sẽ có hai gã đầu gấu khổng lồ xăm trổ đầy mình túm lấy vị khác ấy mà ném ra cửa như ném một con mèo. “You can look, but you can’t touch” (chỉ được ngắm chứ không được sờ) là luật bất thành văn của những strip club ở Bourbon Street. Thú thật, sau lần “giải ngố” xem thoát y vũ đó, tôi không cảm thấy chút hứng thú gì khi thấy những cô gái vì tiền mà phô bày thân thể mình trước mắt bọn đàn ông như thế. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất tôi đi xem thoát y vũ ở Mỹ.
Các shop lưu niệm và bán bùa chú thì khá thú vị với đủ thứ đồ linh tinh không biết là gì nhưng giá cả thì không rẻ chút nào. Để thỏa mãn sự tò mò và sở thích mua sắm của mình, bạn có thể tốn cả vài trăm đô để mua những thứ đồ lưu niệm “độc lạ” như đầu cá sấu và bàn chân cá sấu đủ các kích cỡ (nếu bạn có tiền và có đủ chỗ trong nhà, bạn thậm chí có thể mua cả con cá sấu thật nhồi bông to đùng mang về chưng), bùa yêu, các hũ gia vị nấu các món ăn Cajun và những chiếc mặt nạ Mardi Gras đủ màu nhưng sau đó không biết làm gì với chúng. Cái mà thiên hạ mua nhiều nhất ở những shop lưu niệm này là những chiếc áo T-Shirts với những dòng chữ in khá “hư hỏng” như “FBI – Female Breast Investigator” hoặc “N.O.P.D (New Orleans Police Department) bị cải biên thành “Not Our Problem, Dude!” Sau khi cơn bão Katrina đi qua và tàn phá thành phố New Orleans năm 2005, mẫu áo T-shirt bán chạy nhất của năm là mẫu có in dòng chữ “Katrina has given me a blow-job that I could never forget.”
Trong suốt thời gian ở Louisiana, tôi chỉ đến Bourbon Street vài lần và chỉ đi vào dịp lễ Mardi Gras đúng một lần vì bản thân tôi không thích những chỗ đông người và ồn ào. Điểm thu hút nhất của tôi trên “con đường tội lỗi” này là một quán bar chuyên chơi nhạc soul và blues với các nhạc sĩ da đen biểu diễn. Mỗi khi đến với Bourbon Street, tôi đều chọn quán này làm điểm tập kết cuối cùng, gọi một chai bia và đắm mình vào không khí âm nhạc với những ca khúc kinh điển của dòng nhạc soul như “Sitting on the Dock of Bay”, “Stand by Me” hay “Georgia on My Mind” trong khi các bạn tôi thỏa sức đi dạo khắp nơi trên con đường đầy mùi khói thuốc và mùi bia. Thôi thì “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người đến chốn lao xao”.