Có những ngày rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, tôi bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông nhỏ thó, tóc dài chấm vai với gương mặt khắc khổ đạp chiếc xe đạp cũ kỹ phía sau chở một cái kệ đứng bày bán một món hàng đặc biệt: những chiếc mặt nạ hát bội đủ kích cỡ được ông tự vẽ bằng tay. Ông không rao bán và cũng không ngồi một chỗ cố định mà chỉ đạp xe chầm chậm trên đường như đi dạo phố. Ai thích thì hỏi mua, ông sẽ tấp xe vào lề để bán. Mặt nạ ông tự tay làm và vẽ rất đẹp nhưng giá bán rất rẻ. Những chiếc mặt nạ nhỏ bằng miệng ly uống nước chỉ 30-40 ngàn một cái, cái lớn vừa khuôn mặt người cũng chỉ chưa tới 100 ngàn. Tôi ngày nhỏ rất mê coi hát bội nên nhìn thấy những chiếc mặt nạ này, những kỷ niệm xưa về hát bội lại ùa về. Có lần tôi dốc hết tiền trong túi mua hết những chiếc mặt nạ nhỏ của ông và nhân dịp đó hỏi chuyện người bán. Ông người quê Bình Định, cái nôi của truyền thống hát bội của Việt Nam, vì mê hát bội nên vẽ những chiếc mặt nạ hát bội đi bán mưu sinh. Tôi hỏi ông bán được nhiều không, ông bảo cũng lai rai, chủ yếu là du khách nước ngoài thấy lạ thì mua chứ người Việt Nam ít ai mua như tôi. Tôi nghe mà bất giác cảm thấy chạnh lòng.
Sài Gòn những năm thập niên 1980 vẫn còn nhiều người mê hát bội nhưng chủ yếu là những người từ độ tuổi trung niên trở lên còn độ tuổi thanh niên thì không nhiều. Thứ nhất, tất cả các tuồng tích hát bội đều là tuồng cổ và gần như 90% đều là tuồng tích của truyện Tàu nên chỉ có những người thích đọc truyện Tàu mới thích coi hát bội. Thứ hai, cách hát của hát bội khó nghe hơn cải lương rất nhiều vì hát bội phát tích từ miền Trung nên các điệu hát của hát bội không gần gũi như những câu vọng cổ miền nam. Đã vậy hát bội lại hay “nói chữ”, tức là dùng những câu thành ngữ tiếng Hán Việt và điển tích cổ, rất nhiều nên người nào không hiểu chữ Nho sẽ không biết người hát đang hát gì. Cuối cùng, cái hay của hát bội nằm trong nghệ thuật vẽ mặt nhân vật và những quy ước phức tạp mang tính ước lệ tượng trưng về hình thể như ánh mắt, động tác của đôi tay, cách di chuyển trên sân khấu, cách sử dụng những đạo cụ sân khấu và vũ đạo để diễn tả nội tâm của nhân vật. Những nguyên tắc này của sân khấu hát bội nếu ai không hiểu sẽ khó có thể thưởng thức được một vở tuồng dài trên 2 tiếng đồng hồ. Thành thử ra, khán giả của hát bội hiếm người trẻ tuổi là vì vậy.
Tôi mê hát bội là nhờ bà ngoại ngày xưa mê truyện Tàu và tuồng cổ. Từ nhỏ tôi đã được bà ngoại kể cho nghe rất nhiều truyện Tàu từ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Đắc Kỷ-Trụ Vương cho tới Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ… nên từ khi chưa biết chữ tôi đã thuộc nằm lòng rất nhiều điển tích cổ. Bà ngoại hứa là khi nào tôi biết đọc sẽ dẫn tôi đi coi hát bội ở rạp Tân Định vì ở đó người ta chỉ cho những ai biết chữ vô coi. Nhờ vào động lực đó mà tôi biết đọc biết viết rất sớm, đến năm 4 tuổi đã có thể đọc thông thạo sách báo mặc dù chưa đi học ngày nào.
Lần đầu tiên được bà ngoại dẫn đi coi hát bội đối với tôi thật khó quên vì tôi cảm thấy như mình “người lớn” hơn rất nhiều. Rạp Tân Định, bây giờ là nhà sách Fahasa Tân Định trên đường Hai Bà Trưng, hồi đó là một rạp dành riêng cho hát bội và cải lương chứ không chiếu phim như rạp Văn Cầm gần nhà tôi. Tôi còn nhớ tuồng hát bội đầu tiên mà bà ngoại dẫn tôi đi coi là tuồng Trảm Trịnh n (hay còn gọi là Đào Tam Xuân báo phu cừu) nói về tích vua Tống Triệu Khuông Dẫn nghe lời của ái phi Hàn Tố Mai giết chết khai quốc công thần Trịnh n khiến vợ Trịnh Ân là nữ tướng Đào Tam Xuân và đại thần Cao Hoài Đức kéo quân về triều đòi minh oan cho cái chết của Trịnh n và xử tử Hàn Tố Mai. Tích truyện này tôi đã nghe bà ngoại kể nhiều lần nên tôi rất háo hức được coi tuồng này diễn trên sân khấu thế nào. Tới rạp, quả nhiên nhân viên soát vé ngoài cổng rạp không cho tôi vào với lý do là “bé còn nhỏ lắm, vô trong đó kèn trống ồn ào rồi diễn viên vẽ mặt rằn ri dữ tợn, lúc đó bé khóc đòi về thì phiền khán giả khác”. Thế là thằng bé 4 tuổi là tôi dõng dạc nói với chú soát vé rằng con biết mấy truyện này, bà ngoại ở nhà kể con nghe hết rồi. Con hứa vô rạp ngồi coi đàng hoàng không khóc nhè đòi về đâu, chú cho con vô coi nha. Có lẽ vẫn chưa yên tâm với lời hứa của tôi, chú soát vé chỉ vào mấy tấm pano hình những gương mặt của các gương mặt trong tuồng Trảm Trịnh n được phóng lớn treo gần phòng bán vé hỏi tôi kiểu nửa đùa nửa thật: “Mấy ông này là mấy ông kẹ nè, con không sợ sao?” Không ngờ tôi lại chỉ vào từng hình mà rành rọt nói: “Ông mặt rằn ri đen trắng râu xồm này là Trịnh Ân nè, mặt xanh không râu là Trịnh Ấn, con trai của Trịnh Ân. Ông mặt đỏ râu dài giống Quan Công là Cao Hoài Đức do nghệ sĩ ưu tú Đinh Bằng Phi đóng nè (không hiểu sao tới giờ tôi còn nhớ rất rõ nghệ sĩ đóng vai Cao Hoài Đức tên là Đinh Bằng Phi), còn ông mặt trắng râu dài là Triệu Khuông Dẫn. Đâu có ông nào là ông kẹ đâu.” Sau khi đọc vanh vách tên các nhân vật trong tuồng và diễn viên trước sự ngạc nhiên của chú soát vé, tôi quay ngược lại hỏi: “Đó, con còn biết đọc nữa đó! Con vô coi được chưa?” Đến lúc này thì chú soát vé đành mời thằng bé mới có bốn tuổi mà đã lý sự vô coi hát bội cùng bà ngoại mà không còn lý do gì để bắt bẻ nữa. Từ đó về sau, mỗi lần đi coi hát bội với bà ngoại, tôi đều khoanh tay chào chú, còn chú soát vé đều cười tươi hỏi tôi: “Con biết hôm nay coi tuồng gì không?” Dĩ nhiên lần nào tôi cũng trả lời đúng.
Trong suốt buổi diễn, bà ngoại vừa xem vừa giảng cho tôi nghe rất kỹ về từng điệu bộ, động tác của diễn viên trên sân khấu. Cây roi có gắn những chùm tua sợi dọc theo thân là con ngựa. Tua đỏ là ngựa xích thố, tua đen là ngựa ô, tua trắng là bạch mã. Người nghệ sĩ hát bội chỉ với đôi tay khéo léo đã sáng tạo ra những động tác lên ngựa, xuống ngựa, ghìm cương ngựa, phi nước đại, phi nước kiệu thổi hồn vào cây roi đạo cụ vô tri và biến nó thành con ngựa sống động thật tài tình khiến cho khán giả có cảm giác trên sân khấu là những võ tướng oai phong lẫm liệt đang cưỡi trên lưng những con chiến mã hùng dũng thật sự. Rồi thì vuốt râu cũng có hàng chục kiểu vuốt với ý nghĩa khác nhau: vuốt râu khoái trá khi được nịnh, vuốt râu giận dữ, vuốt râu ra oai, vuốt râu khi trầm tư suy nghĩ…Rồi đôi tay và ánh mắt, giọng nói, dáng đi…tất cả đều được sử dụng hết sức nhuần nhuyễn để chuyển tải tình cảm và nội tâm của nhân vật. Để thuộc hết tất cả những điệu bộ phức tạp ấy và diễn cho có hồn, những nghệ sĩ hát bội đã phải khổ luyện rất nhiều sau sân khấu. Nhờ có bà ngoại giảng giải, tôi hiểu hết những gì diễn ra trên sân khấu và theo dõi thích thú mặc dù vở tuồng rất dài. Chưa bao giờ tôi cảm thấy chán mà đòi về giữa chừng.
Sân khấu hát bội có một truyền thống giao lưu độc nhất vô nhị giữa khán giả và diễn viên mà không có sân khấu nào có được. Để cổ vũ cho những màn diễn xuất xuất sắc của nghệ sĩ, khán giả bên dưới vừa vỗ tay vừa ném lên sân khấu những cây quạt giấy có kẹp tiền lẻ bên trong để thưởng cho diễn viên. Thời đó do rạp không có máy lạnh nên người xem tuồng thường mang theo quạt giấy ở nhà hoặc mua quạt bán trước cửa rạp để vào vừa coi tuồng vừa quạt cho mát. Và những cây quạt với tờ tiền lẻ kẹp bên trong ném lên sân khấu trở thành thước đo độ xuất thần của các nghệ sĩ trên sân khấu. Diễn xuất càng hay thì quạt bay lên sân khấu càng nhiều mà quạt bay càng nhiều thì nghệ sĩ diễn càng hăng. Bà ngoại tôi giải thích đó là cách để khán giả “bồi dưỡng” một cách thực tế nhất cho những nghệ sĩ lao động nghệ thuật chân chính vì nghệ sĩ hát bội ai cũng nghèo. Có lúc quạt bay nhiều đến mức phải có một diễn viên mặc quần áo quân sĩ “cầm cờ chạy hiệu” chạy ra để nhặt quạt và cúi đầu tạ ơn khán giả. Sau khi lấy tiền kẹp trong quạt ra, phía hậu đài sẽ mang quạt phát trả lại cho khán giả để cho người xem có quạt đế ném tiếp trong những cảnh tiếp theo.
Trong tuồng Trảm Trịnh Ân, có ba đoạn mà tôi nhớ rất rõ tới ngày nay vì quạt giấy thi nhau bay lên sân khấu tới tấp. Cảnh thứ nhất là cảnh Trịnh Ấn theo cha ra pháp trường với ý định cướp pháp trường cứu cha nhưng bị Trịnh n đuổi về không cho làm chuyện dại dột. Cảnh này diễn viên đóng vai Trịnh Ân hai tay bị trói nên dùng chân để đá con mình không cho con bám theo miệng quát con “quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu” còn diễn viên đóng vai Trịnh Ấn thì vừa nhào lộn khắp sân khấu vừa khóc gọi tên cha rất cảm động. Khán giả ai cũng khen Trịnh Ấn là đứa con có hiếu. Cảnh thứ hai là cảnh nữ tướng Đào Tam Xuân đang trấn giữ biên ải bỗng thấy nhện sa trước mắt, lòng bồn chồn cảm thấy bất an thì có lính vào báo chồng mình bị vua xử trảm. Chỉ với ánh mắt và đôi tay của mình, cô đào đóng vai Đào Tam Xuân đã diễn tả hết sức chân thực tâm trạng chuyển từ lo lắng bồn chồn khi nhìn thấy con nhện (tưởng tượng) đang giăng tơ thì rơi xuống đất cho tới tâm trạng uất hận đau xót khi biết tin chồng mình bị giết oan bởi người mà ông suốt đời trung thành phò trợ. Còn cảnh cuối cùng cũng lấy đi không ít nước mắt và…quạt của khán giả là cảnh Hàn Tố Mai cầu xin vua Triệu Khuông Dẫn tha chết cho mình trong tuyệt vọng. Hàn Tố Mai là ái phi của Triệu Khuông Dẫn. Cha của Hàn Tố Mai là Hàn Phụng cậy thế con mình được vua sủng ái nên làm càn lấy long xa của vua đi du ngoạn bị Trịnh Ân bắt được đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Hàn Phụng mang lòng oán hận nên đã xúi con gái chuốc say Triệu Khuông Dẫn rồi cầm tay ký vào lệnh trảm Trịnh Ân. Khi Đào Tam Xuân và Cao Hoài Đức giết chết Hàn Phụng rồi kéo quân về triều đòi vua Hàn Tố Mai để xử tử, nhà vua cực chẳng đã đành phải giao nộp ái thiếp của mình nhưng trong lòng vẫn không nỡ. Đây là đoạn nữ nghệ sĩ đóng vai Hàn Tố Mai phải đi bằng đầu gối trên sân khấu, hết phủ phục trước Triệu Khuông Dẫn kể lể tình nghĩa ân ái vừa lết tới trước mặt Đào Tam Xuân và Cao Hoài Đức mặt đằng đằng sát khí để khóc lóc xin tha mạng. Khán giả nếu như lúc đầu căm ghét một Hàn Tố Mai thủ đoạn dùng mỹ nhân kế ép vua giết chết công thần bao nhiêu thì tới cảnh này lại thương xót cho một người phụ nữ vì chữ hiếu với cha mà chuốc lấy họa sát thân bấy nhiêu. Trong rạp bắt đầu vang lên tiếng bàn tán xôn xao. Có người trách vua Tống quá bạc tình và nhu nhược không dám bảo vệ người mình yêu. Có người thì mong nữ tướng Đào Tam Xuân niệm chút tình “cũng là đàn bà với nhau” mà tha thứ cho Hàn Tố Mai. Người thì lại muốn công lý phải được thực thi để trả lại công bằng cho cái chết oan khuất của Trịnh n. Cho tới khi Triệu Khuông Dẫn chuẩn tấu xử tử còn Hàn Tố Mai thì ngất đi trước mặt vua thì cả rạp như vỡ òa trong tiếng vỗ tay và tiếng quạt bay lên sân khấu.
Kể từ sau buổi diễn Trảm Trịnh Ân trở đi, hễ khi nào đoàn hát bội về diễn ở rạp Tân Định là bà ngoại lại mua vé dẫn tôi đi coi vì nếu không dẫn thì thế nào tôi cũng đòi đi. Ít ra tôi cũng coi được khá nhiều vở tuồng kinh điển của hát bội như Phụng Nghi Đình (Lữ Bố hí Điêu Thuyền), San Hậu và Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (Tiết Giao đoạt ngọc). Mỗi vở tuồng đều để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc khác nhau. Tôi nhớ hồi đó mình mê nhân vật Lữ Bố mặc giáp trắng, đội mão cắm hai sợi lông trĩ dài trên đầu, tay cầm phương thiên họa kích thật oai phong lẫm liệt trong Phụng Nghi Đình nhưng lại sợ không dám xem cảnh Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém đầu giữa trận vẫn cố gắng tìm lại đầu của mình trước khi chết và cảnh hồn ma Khương Linh Tá hóa thành ngọn đèn dẫn Đổng Kim Lân vượt qua đêm tối trong tuồng San Hậu. Trong sự hiểu biết non nớt của một đứa trẻ 4-5 tuổi, tôi không thể nào hiểu được tại sao Hồ Nguyệt Cô vì yêu lại có thể giao viên ngọc cáo của mình cho tên lừa đảo Tiết Giao để rồi hủy hoại công ngàn năm tu luyện trở lại kiếp hồ ly. Nhưng từ đó tôi lờ mờ hiểu được tình yêu là một thứ gì đó mãnh liệt đến mức người ta có thể hi sinh mọi thứ quý giá nhất của mình cho người mình yêu. Có thể nói, những vở tuồng hát bội ở rạp Tân Định đã một bước đưa một đứa trẻ đang ở tuổi xem phim hoạt hình như tôi vào làm quen với thế giới của nghệ thuật sân khấu cũng như vào thế giới hỉ nộ ái ố yêu hận của người lớn. Có lẽ vì thế mà tôi già trước tuổi và cũng nhạy cảm hơn nhiều so với những đứa bạn cùng trang lứa.
Sau này khi phim video lên ngôi, người dân Sài Gòn hầu như không còn đi coi hát bội nữa mà ở nhà xem phim hành động của Mỹ và phim kiếm hiệp Hong Kong. Rạp Tân Định cũng bắt đầu chuyển hướng cho thuê rạp chiếu phim băng video thay vì làm sân khấu. Đoàn hát bội không còn sân khấu diễn để kiếm tiền nên mỗi người đi một ngả, thỉnh thoảng lại tập họp lại diễn cho đỡ nhớ nghề trong những dịp lễ cúng đình hội Kỳ Yên hay trong ngày giỗ tổ. Thỉnh thoảng họ được mời lên truyền hình để quay một vở diễn chiếu trên chương trình sân khấu tối thứ bảy nhưng nào có mấy ai coi vì khán giả mong chờ đến thứ bảy để xem cải lương hay kịch nói chứ không phải là để xem hát bội. Đến khi tôi đến tuổi thiếu niên thì hát bội gần như chỉ còn tồn tại qua những buổi triển lãm ảnh tư liệu về nghệ thuật này tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên hay Nhà Văn Hóa Lao Động lác đác vài người cao niên đến xem để tìm chút hoài niệm. Có lẽ những nghệ sĩ đoàn hát bội xưa đã quá già để tiếp tục diễn và họ cũng không tìm được truyền nhân để tiếp tục đào tạo một thế hệ diễn viên hát bội yêu nghề đến mức chấp nhận cảnh trên sân khấu thì “áo mão xênh xang” nhưng khi bức màn nhung khép lại thì lại trở về với cảnh “ăn quán ngủ đình” cơ cực như thế.