Tuổi trẻ là khoảng thời gian con người mắc phải sai lầm nhiều nhất trong đời vì mọi thứ đối với người trẻ tuổi đều mới mẻ còn bản thân họ thì thiếu nhiều kinh nghiệm sống. Điều đáng mừng là những sai lầm thời tuổi trẻ thường sẽ trở thành những bài học hết sức quý báu để các bạn trẻ học hỏi và rút kinh nghiệm để tránh phạm phải những sai lầm to lớn hơn sau này. Có một số bạn trẻ vì sợ sai lầm nên đã chọn một con đường an toàn để đảm bảo là sẽ không có sóng to gió lớn, hạn chế thất bại và mang lại một cuộc sống tương đối yên bình. Con đường đó có thể do cha mẹ vạch sẵn hoặc do các bạn tự chọn không phải vì các bạn yêu thích nó mà chỉ vì nó an nhàn. Tuy nhiên, chính sự cầu an và sợ va chạm đó lại có thể dẫn đến bảy sai lầm nghiêm trọng mà cái giá phải trả sau này còn lớn hơn những gì họ cố tình tránh né. Là một trí thức trẻ, hãy bỏ chút thời gian để đọc và suy ngẫm xem mình có đang mắc phải những sai lầm đó không nhé.
1. Học đại học vì không biết phải làm gì: Lên đại học là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời một người vì nó đánh dấu nhiều chuyển biến quan trọng. Học đại học chứng tỏ người đi học có đủ năng lực học vấn để tiếp tục học lên cao đồng thời cũng chứng tỏ được rằng người học đã định hướng được nghề nghiệp trong tương lai của mình. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều bạn trẻ thi vào đại học với những mục đích khác. Một trong những lý do đó là để kéo dài thêm thời gian ăn chơi, sống thoải mái dưới sự bảo bọc của gia đình thêm vài năm nữa và khi ra trường vừa có được cái danh tốt nghiệp đại học vừa hi vọng kiếm được một công việc văn phòng nhàn hạ. Nhiều bạn trẻ học đại học vì đó là ước muốn của cha mẹ chứ bản thân mình cũng không có hứng thú hoặc hiểu biết gì đối với ngành học của mình ở đại học. Trong suốt những năm tháng học đại học, các bạn trẻ này không hề nghĩ tới chuyện nâng cao chuyên môn của mình cũng như trau dồi những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này như ngoại ngữ, vi tính hoặc tìm việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm mà dành nhiều thời gian cho những việc khác như chơi game, đi phượt, cặp bồ hoặc check in ở các quán cafe. Đến khi ra trường, không kiếm được việc làm các bạn lại bắt đầu nghĩ đến việc học một ngành khác hoặc một khóa nghiệp vụ ngắn hạn nào đó chẳng liên quan gì đến những gì mình học trước đây để có việc làm. Trong bốn năm bạn đánh mất thời gian một cách vô ích ở một trường đại học nào đó để tốt nghiệp bằng một cái bằng cấp trung bình, những bạn bè không vào đại học của bạn đã có bốn năm quý báu để bươn chải học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành trên đường đời. Và không hiếm những trường hợp người có bằng đại học lại làm thuê cho những người không có mảnh bằng trong tay.
2. Tìm có một công việc nhàn hạ khi ra trường: Tâm lý chung của rất nhiều bạn trẻ hiện đại là sợ cực khổ và sợ dấn thân. Tuy nhiên, đi xin việc chỉ dựa vào tấm bằng đại học và một chứng chỉ ngoại ngữ cấp tốc mà đòi hỏi những điều kiện như lương cao, công việc ít thử thách, môi trường ít cạnh tranh, sếp tốt và nhiều cơ hội thăng tiến là điều không tưởng. Đây là ảo tưởng của những kẻ lười biếng và thiếu thực tế vì công sức bạn bỏ ra tỉ lệ thuận với thành tựu bạn đạt được. Đã ra đi làm thì phải chịu cực chịu khổ để học hỏi và vươn lên. Khi mới ra trường bạn chưa có gia đình riêng phải lo, chưa có trách nhiệm tài chính nặng nề và lại có sức trẻ dồi dào. Đây là thời điểm thích hợp để bạn dấn thân để tích lũy kinh nghiệm và cũng là thời điểm để bạn thất bại hoặc phạm sai lầm và học hỏi để rút kinh nghiệm. Lánh nặng tìm nhẹ không chịu khó dấn thân lúc này chính là tự chôn vùi tiền đồ của mình.
3. Không chịu học tiếng Anh một cách nghiêm túc: Mặc dù ai cũng biết vai trò của tiếng Anh quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại và việc học tiếng Anh ngày nay cũng dễ dàng hơn rất nhiều, nhiều bạn trẻ vẫn không biết tận dụng thời gian của mình để học tiếng Anh cho thật tốt. Tôi gặp không biết bao nhiêu các bạn trẻ tốt nghiệp đại học rồi mà tiếng Anh vẫn ở trình độ vỡ lòng. Đến khi công việc thực sự cần đến tiếng Anh, các bạn ấy lại chật vật sắp xếp thời gian để tìm một chỗ học tiếng Anh học lại từ đầu cố gắng để lấy một cái chứng chỉ nộp vào hồ sơ xin việc và mong cải thiện trình độ tiếng Anh trong thời gian ngắn nhất. Các bạn trẻ nên nhớ một điều, thời buổi này mà không giỏi tiếng Anh thì bạn quá lạc hậu và vô dụng vì tiếng Anh là giấy thông hành bắt buộc để bạn bước ra thế giới và tiếp thu văn minh nhân loại. Không đầu tư cho tiếng Anh một cách đúng đắn và nghiêm túc từ khi đi học, bạn sẽ thua thiệt rất nhiều trong tương lai cả trong cạnh tranh công việc mà cả việc nâng cao trình độ văn hoá.
4. Khởi nghiệp khi mới tốt nghiệp: Phong trào khởi nghiệp (startup) mấy năm gần đây đã trở thành một trào lưu hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với vô số khoá học của những “chuyên gia startup” được quảng cáo rất rầm rộ và đầy hứa hẹn. Làm chủ khi tuổi đời còn rất trẻ là một ảo tưởng hào nhoáng khiến nhiều con thiêu thân lao vào mà quên rằng việc điều hành một doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào những kiến thức trên sách vở hoặc những lời khuyên được biên soạn rất kỹ nhằm làm sướng tai người nghe trong các buổi hội thảo về khởi nghiệp . Muốn làm một người chủ giỏi, hãy bắt đầu bằng việc làm một người làm công giỏi. Chưa bao giờ làm công cho người khác, bạn sẽ không hiểu được tâm lý của nhân viên, không có được kinh nghiệm trong công việc, không lường trước được những rủi ro trong kinh doanh cũng như không biết quý trọng đồng tiền bạn đầu tư vào việc kinh doanh. Một người khởi nghiệp sau mười năm tích lũy tiền bạc và kinh nghiệm sẽ có cách quản lý doanh nghiệp hoàn toàn khác với một cậu tân cử nhân với cái bằng quản trị kinh doanh và tiền vốn huy động từ cha mẹ cũng học đòi làm chủ như người ta. Đồng thời phải hiểu rằng làm chủ không hề sướng như bạn nghĩ vì trách nhiệm của bạn nặng nề gấp nhiều lần so với người làm công. Nếu bạn chưa sẵn sàng và chưa đủ bản lĩnh để gánh trách nhiệm, đừng dại dột startup chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân mình.
5. Kết hôn quá sớm: Tuổi trẻ ai cũng muốn yêu và được yêu, đó là chuyện đương nhiên. Có thể nói, trong những năm tươi đẹp nhất của tuổi trẻ mà bạn vẫn chưa trải nghiệm tình yêu thì đó cũng là một thiếu sót rất lớn. Nhưng tình yêu và hôn nhân là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu nhân tố chính của tình yêu là cảm xúc thì hôn nhân không chỉ cần có cảm xúc mà phải có lý trí. Từ yêu đến cưới là một khoảng cách khá xa mà nếu không có sự chín chắn nhất định thì hôn nhân cũng sẽ trở thành thảm hoạ cho dù yêu nhau cách mấy. Nhiều bạn bè tôi đã nếm phải trái đắng của việc yêu là cưới mà không có sự chuẩn bị này. Tình yêu đơn thuần chỉ là một khoảng thời gian thơ mộng lãng mạn và hoàn toàn không thực tế trong khi hôn nhân là trách nhiệm, sự cam kết gắn bó trọn đời và bổn phận không chỉ của hai người với nhau mà còn với những người liên đới khác như gia đình hai bên và con cái sau này. Hơn nữa, khi yêu người ta thường mù quáng không nhận ra hoặc bỏ qua những thói hư tật xấu của người mình yêu mà không hiểu rằng tới khi cưới nhau những điều đó có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình nếu không được khắc phục triệt để. Yêu sai một người, bạn chỉ đau khổ một giai đoạn ngắn. Cưới sai một người, bạn sẽ đau khổ một đời. Đừng vì yêu nhau đã lâu mà cưới, cũng đừng vì áp lực của gia đình mà cưới. Hãy cưới khi bạn đã đủ sẵn sàng để gánh vác những trách nhiệm quan trọng của cuộc đời mình.
6. Học lên cao vì chức vụ, địa vị và tiền bạc: Có lẽ hiếm có nước nào trên thế giới, sinh viên lại có quan niệm sai lệch là học thạc sĩ hay tiến sĩ để kiếm tiền hoặc tìm cơ hội thăng tiến như ở nước ta. Đối với tất cả các bạn học viên của tôi khi đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài, tôi đều xác định lại rõ ràng với các bạn ấy là học cao học để làm nghiên cứu. Giáo sư tiến sĩ nước ngoài hiếm ai giàu có mà cũng hiếm ai mang bằng cấp ra để đi kinh doanh hoặc làm văn phòng. Một khi đã xác định muốn học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ, những người đó đã xác định tâm lý từ đầu là học hàm học vị của họ là để phục vụ cho nghiên cứu khoa học hoặc cống hiến cho xã hội. Công việc chính của những thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài là nghiên cứu, phát minh, giảng dạy và viết những báo cáo khoa học chứ không phải lấy cái bằng của họ nộp vào cơ quan để được thăng quan tiến chức. Hãy nhìn thực trạng đáng buồn ở nước ta là số lượng giáo sư tiến sĩ thạc sĩ tỉ lệ nghịch với số lượng các phát minh sáng chế như thế nào để thấy được tại sao nước ta mãi tụt hậu. Một năm không biết bao nhiêu người được cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ lại còn nhiều hơn. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ đã có một phát minh hay đóng góp nào cho khoa học nước nhà?
7. Những vấn đề xã hội ư? Không phải việc của tôi: Nhiều trí thức trẻ của ta có một quan niệm ngây thơ tới mức ấu trĩ: cứ lo học cho tốt, đang đi làm thì cứ lo mà làm, chính trị hay những vấn đề xã hội không phải là chuyện của mình. Và ngoài chuyện đi học đi làm, những việc đáng lo của họ là tối nay xem chương trình nào trong vô số gameshow vô thưởng vô phạt trên truyền hình, cuối tuần này đi ăn ở đâu, xem phim gì hoặc xa hơn nữa cũng chỉ tới kì nghỉ lễ này nên đi đâu chơi mấy ngày cho sướng. Họ không muốn nghĩ đến chính trị xã hội vì họ cho rằng đó là những vấn đề vĩ mô của những chính khách chứ không phải của người dân. Trên thực tế, chính trị không quá cao siêu và cũng không đáng sợ như họ nghĩ. Chính trị là những gì gần gũi nhất với cuộc sống và không thể né tránh vì nó ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày như giá xăng tăng hay giảm, thực phẩm bạn nuốt vào bụng liệu có an toàn hay món đồ bạn mua có phải chịu những thứ thuế vô lý cho tới chuyện tại sao bạn có năng lực mà không được tuyển dụng ở một số ngành nhất định. Quan tâm đến chính trị xã hội đơn giản là có một sự hiểu biết đúng đắn về những gì xảy ra xung quanh mình và lên tiếng khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và gia đình. Một người chọn cách sống thờ ơ với chính trị và xã hội sớm muộn gì cũng sẽ là những nạn nhân đầu tiên của những biến cố trong xã hội.
Là thanh niên, các bạn có hai thứ vốn quý là tuổi trẻ và sức khỏe đồng hành cùng bạn cũng như rất nhiều cơ hội để trải nghiệm và quá ít để mất. Là một trí thức trẻ, lợi thế của bạn là tri thức và đầu óc tư duy để có thể học hỏi và cân nhắc những điều đúng sai. Đừng để những suy nghĩ sai lầm trên cản trở tầm nhìn của bạn để phải hối hận sau này. Càng nhàn hạ lúc tuổi trẻ thì càng cực khổ lúc già. Quyền chọn lựa là ở bạn.