Tôi đi dạy đến nay đã được 12 năm, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để chứng kiến một đứa trẻ học hết chương trình phổ thông để chuẩn bị vào đại học. Trong từng ấy năm, tôi đã gặp không biết bao nhiêu kiểu học trò khác nhau: chăm chỉ, hiền lành, ngoan ngoãn, thông minh, tinh nghịch, tối dạ, lười biếng, không có động lực… Tuy nhiên dạng học trò mà tôi gặp nhiều nhất vẫn là những bạn thích dùng những mánh khóe tiểu xảo để qua mặt giáo viên. Chẳng phải học sinh Việt Nam từ nhỏ đã được dạy thuộc lòng năm điều Bác dạy trong đó điều thứ 5 chính là “khiêm tốn, THẬT THÀ, dũng cảm” đó sao? Thật ra điều này cũng khá dễ hiểu. Trong một môi trường giáo dục mà chất lượng giảng dạy thấp, thành tích được xem trọng và học sinh phải gồng người để học tốt tất cả các môn vì những danh hiệu thì việc dùng tiểu xảo hoặc những trò khôn lỏi để có thể vượt qua các kiếp nạn là một điều gần như không thể tránh khỏi. Nếu không làm vậy, tôi không biết rằng các bạn học sinh sẽ có cách nào khác để có thể đạt điểm cao ở tất cả các môn để làm vừa lòng thầy cô và cha mẹ. Nhẹ thì học tủ một bộ đề cương nào đó theo sự bật mí trước của giáo viên, nghiêm trọng hơn thì quay cóp hoặc dùng tiền để mua điểm, những chuyện này đã trở nên quá phổ biến đến mức hầu như không ai cho đó là những điều đáng xấu hổ mà trái lại còn nghĩ rằng “nếu mình không làm thì cũng sẽ có người khác làm”.
Là một người luôn quan tâm đến những vấn đề giáo dục, tôi hiểu rằng những hệ lụy của của việc giở mánh khóe khôn lỏi trong học tập sẽ để lại cho người học là vô cùng nghiêm trọng. Thói khôn lỏi dần dần sẽ tước đoạt đi của người học hai tài sản quý báu đó là khả năng tư duy logic và nhân cách. Một khi hai điều này mất đi, không có bằng cấp hay điểm số nào có thể bù đắp lại được.
I. Sự khôn lỏi giết chết tư duy logic của con người như thế nào?
Trước tiên, việc mải lo tìm những mánh khóe để đối phó sẽ làm người học quên đi mục đích thực sự của việc học là tiếp thu và áp dụng kiến thức mà chỉ nghĩ đến việc làm thế nào có thể đạt điểm cao hoặc đơn giản hơn là qua được môn đó mà không cần bỏ nhiều công sức. Việc học hành nghiêm túc đòi hỏi và giúp con người hình thành những khả năng tư duy logic như: tư duy nhân quả, tư duy phản biện, tư duy loại suy, tư duy liên kết thông tin, tư duy phân tích đúng sai, phân tích ưu khuyết của một vấn đề. Những kiểu tư duy đó không thể nào một sớm một chiều có thể có được mà phải được rèn luyện nghiêm túc trong suốt một quá trình học tập. Và khi một người đã quen với việc học đối phó hoặc suy nghĩ theo kiểu đi tắt đón đầu để tìm một cách phi logic giải quyết vấn đề, não bộ sẽ không thể nhận ra những thông tin có liên quan tới nhau để có thể kết nối chúng lại một cách hợp lý, khả năng tư duy logic sẽ không bao giờ được thiết lập. Khi tư duy logic không được hình thành, con người sẽ mất đi khả năng tự học và thậm chí sẽ sợ học vì học hành nghiêm túc đòi hỏi tư duy logic cao.Tôi đã gặp rất nhiều bạn có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ nhưng vẫn không có khả năng suy luận một vấn đề hết sức đơn giản bằng tư duy logic.
Nhận diện một người quen học đối phó bằng mánh khóe không hề khó khăn. Cho dù đó là một học sinh bên ngoài có vẻ ngoan ngoãn hiền lành hay láu cá ma lanh thì họ đều có những điểm chung như sau:
a. Làm việc rất qua loa ẩu tả, chủ yếu làm chỉ để có cái trả nợ chứ không bao giờ quan tâm đến hiệu quả hay chất lượng của sản phẩm làm ra. Họ càng không nghĩ tới hậu quả về lâu về dài của việc khôn lỏi mà chỉ nghĩ tới cái kết quả trước mắt.
b. Tính kỷ luật và kiên nhẫn rất kém. Họ khó có thể theo đúng những hướng dẫn bài bản và chi tiết vì những điều đó đối với họ là quá mất thời gian và không mang lại được hiệu quả tức thì. Họ luôn cách đi tắt đón đầu thay vì theo đúng lộ trình.
c. Không có khả năng nhìn thấy những điểm liên quan mang tính logic để kết nối chung với nhau. Chính vì vậy khi bị hỏi bất ngờ, những nhận xét họ đưa ra về một vấn đề thường thiếu logic và thậm chí không ăn nhập gì đến câu hỏi.
d. Không thể áp dụng những gì học trên lý thuyết vào thực tế mặc dù khi hỏi đến lý thuyết họ có thể đọc thuộc lòng như cháo chảy.
e. Không có khả năng phân tích và đánh giá tầm quan trọng của một vấn đề. Điều này khiến họ vẫn giữ thói quen học đối phó ngay cả khi có cơ hội học hành nghiêm túc và không bị những áp lực của điểm số hay thành tích chi phối.
f. Không thể và cũng không dám tư duy độc lập mà luôn phải chờ người dẫn dắt. Khi được yêu cầu cho ý kiến hoặc nhận xét, họ hay đưa ra những ý kiến chung chung, vô thưởng vô phạt hoặc sẽ chờ người khác nói rồi vuốt đuôi theo.
g. Những hiểu biết của họ về thường thức lẫn chuyên môn đều khá nông cạn, hời hợt, phiến diện và chắp vá. Nhiều bạn có bằng nọ bằng kia thậm chí là giáo viên đứng lớp nhưng kiến thức chuyên môn yếu đến mức đáng ngạc nhiên
h. Khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết rất kém vì ngôn ngữ phản ánh tư duy. Cách một người trình bày một vấn đề bằng cách nói hoặc viết thể hiện khá chính xác khả năng suy nghĩ của họ có mạch lạc và logic hay không.
i. Tư duy thẩm mỹ kém vì thẩm mỹ cao đòi hỏi trình độ nhận thức và lý tính cao. Điều này giải thích tại sao rất nhiều người gọi là trí thức có học hàm học vị cao ngày nay vẫn chỉ thích xem hài nhảm, game show nghe nhạc sến, nhạc chế hay có những bình phẩm thô thiển khi đứng trước một kiệt tác nghệ thuật.
II. Sự khôn lỏi cũng sẽ triệt tiêu luôn nhân cách của con người.
Các bạn học viên của tôi thường có một thói xấu khó bỏ là thường làm bài tập về nhà rất ẩu và dối mặc dù đã được tôi hướng dẫn rất kỹ trong lớp. Mỗi lần bị phát hiện ra việc làm bài cẩu thả gian dối, các bạn thường bối rối, miệng nở một nụ cười giả lả cầu tài rồi gãi đầu gãi tay lí nhí tìm ra lý do nào đó để xin tôi thông cảm trông rất thảm hại. Vấn đề là sau khi đã được thông cảm thì chỉ vài hôm sau mọi thứ cũng trở lại như cũ thậm chí là tệ hơn. Người xin lỗi hoàn toàn không rút ra được kinh nghiệm sửa sai mà sẽ lại tiếp tục tìm một cái cớ khác để tránh bị trách phạt. Sau nhiều lần bỏ qua, tôi thực sự cảm thấy nản và thất vọng. Tôi có thể bỏ qua thậm chí không thèm quan tâm tới những sự dối trá đó vì xét cho cùng, những điều đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Nhưng trong thực tế, cuộc đời sẽ không thông cảm với các bạn. Tai nạn giao thông chết người không thông cảm cho sự phóng nhanh vượt ẩu của các bạn. Kết quả tuyển dụng đòi hỏi năng lực thực tế không thông cảm cho sự yếu kém của bạn. Sự thất bại của bản thân là do mình tự gánh lấy, người khác cảm thông chia sẻ cũng không thay đổi được kết quả đó. Càng tìm cớ để bào chữa cho lỗi lầm của mình, con người càng vô tình hạ thấp nhân cách của bản thân cho đến khi người đó thay vì học cách làm việc đàng hoàng nghiêm túc chỉ còn biết cách dùng mánh khóe và những lời xin xỏ để cho qua chuyện mà không hề cảm thấy áy náy .
Những kẻ một khi đã quen với cách dùng những mánh khóe để đạt được mục đích hơn ai hết hiểu rằng mình không xứng đáng với những gì đạt được. Để che giấu điều này và tiếp tục thăng tiến bằng con đường bất chính, họ đó sẽ càng lúc càng lún sâu vào việc giở thủ đoạn hoặc chiêu trò với mức độ tăng dần. Vì học lực thực tế của họ không cho phép họ có thể tiếp tục học cao hơn, họ sẽ dùng tiền để mua những bằng cấp cần thiết cho việc thăng tiến. Thay vì việc dùng thực tài để tiến thân, họ sẽ tập quen với việc dựa vào các mối quan hệ hoặc tiền bạc để chạy chọt lo lót. Vì không có tài năng thực sự, họ sẽ cảm thấy ganh ghét đố kỵ với những người có thực tài nhất là những người mà họ cho là có nguy cơ cản trở con đường công danh của họ. Việc dùng thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để triệt hạ đối thủ là điều gần như khó có thể tránh khỏi. Có thể lúc đầu, họ sẽ cảm thấy những điều mình làm là sai trái, nhưng một khi đã quen với chúng, họ sẽ không còn cảm thấy xấu hổ và thậm chí còn cho rằng đó là sự khôn ngoan và bản lĩnh làm người.
Đối với những người “hiền” hơn, họ sẽ chọn cách sống cam phận và luồn cúi để cầu an. Với trình độ và năng lực hạn chế của mình, để tồn tại trong một môi trường làm việc cạnh tranh khắc nghiệt, họ phải học những thói nịnh nọt bợ đỡ cấp trên và những tiểu xảo chốn công sở khác. Do không có hứng thú với công việc mình đang làm nhưng vẫn phải bám vào nó vì miếng cơm manh áo, họ sẽ học những mánh khóe đi trễ về sớm, sử dụng giờ làm việc để làm việc riêng của mình và né tránh trách nhiệm. Vì bảo vệ lợi ích của bản thân, họ không ngại hạ mình quỵ lụy, xin xỏ, nói dối hoặc thậm chí hy sinh lợi ích của người khác và vì không có tầm nhìn xa trông rộng, họ sẵn sàng đánh đổi lợi ích lâu dài để lấy những món lợi nhỏ trước mắt.