Share on facebook

Biên Niên Sử Nhà Sách Ở Sài Gòn Sau 1975

Có thể bạn quan tâm

(Để hưởng ứng tuần lễ đọc sách 2023, tất cả những bài viết của tôi trong tuần này trên facebook sẽ đều nói về đề tài đọc sách.)

Không tỉnh thành nào trên khắp đất nước Việt Nam lại có nhiều nhà sách như ở Sài Gòn. Tôi không biết chính xác Sài Gòn có bao nhiêu nhà sách tất cả nhưng tôi nghĩ không dưới 1000 cái đủ quy mô lớn nhỏ. Là một người Sài Gòn tôi rất tự hào về điều này. Từ trước năm 1975, Sài Gòn đã có những nhà sách nổi tiếng như nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương trên đường Lê Lợi hay nhà sách Xuân Thu chuyên bán sách ngoại văn trong thương xá Eden đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Có lẽ trừ những năm thập niên 1980 đầy thiếu thốn của thời bao cấp ra, Sài Gòn chưa bao giờ thiếu những nhà sách lớn và chất lượng.

Từ khi còn chưa biết đọc, tôi đã được mấy dì dẫn đi nhà sách Nhân Dân trên đường Phan Đình Phùng để xem những quyển sách đặt trong tủ kính khóa lại. Lớn hơn một chút, khi vào cấp 1, mỗi cuối tuần, tôi lại được bác Hai dẫn đi nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ và Fahasa Lê Lợi ở trung tâm Sài Gòn để mua sách thay vì mua đồ chơi. Tới khi lên cấp 2, hễ có bao nhiêu tiền thì tôi lại đạp xe đến nhà sách Đình Ông Súng (nay đã đóng cửa) trên đường Lê Văn Sỹ để mua sách về đọc. Từ cấp ba cho tới khi lên đại học, hễ nghe có nhà sách lớn nào mới mở thì tôi lại phải để dành tiền và sắp xếp thời gian để đi cho bằng được. Tới bây giờ, đi nhà sách vẫn là một trong những thú vui của tôi khi có thời gian rảnh rỗi. Sách tôi mua về rất nhiều, có nhiều cuốn tôi vẫn chưa có thời gian rảnh để đọc, nhưng có dư ít tiền thì tôi lại đi nhà sách và mua sách. Mùa dịch covid ở nhà, tôi chẳng thèm đi ra đường ăn chơi này nọ mà chỉ mong được đi nhà sách trở lại.

Nhà sách “tủ kính” ở Sài Gòn thời bao cấp

Tôi biết đọc rất sớm và cũng ghiền đọc sách từ rất sớm. Khoảng 4 tuổi thì tôi đã đọc được mặt chữ và đến 5 tuổi thì tôi đã có thể đọc lưu loát từ truyện tranh đến sách báo toàn là chữ. Lúc đó tôi sống với bà ngoại và các dì, đa phần đều là giáo viên nên sách báo trong nhà lúc nào cũng có sẵn. Tôi không có anh chị em lại không được ra đường chơi với đám con nít hàng xóm vì sợ học hư nên suốt ngày chỉ lủi thủi chơi một mình. Thời đó chưa có internet cũng không có tivi, đồ chơi cũng chỉ có vài món chứ không được nhiều thứ như con nít bây giờ. Được cái là bà ngoại và mấy dì hay kể chuyện và đọc sách cho tôi nghe nên tôi rất thích sách vở. Lúc chưa đọc chữ, tôi cứ ước rằng mình sớm biết đọc để có thể tự mình đọc sách mà không cần ai kể cho mình nghe. Và thế là tôi học đọc một cách hết sức tự nhiên mà không hề tốn chút công sức nào.

Mỗi buổi chiều sau khi tôi ngủ trưa dậy, một trong ba dì của tôi sẽ dẫn tôi đi chơi một vòng từ đường Cô Bắc đến ngã tư Phú Nhuận ghé tiệm kem trước hẻm trường Trung Nhất để ăn hũ yaourt và cuối cùng là ghé nhà sách Nhân Dân đầu ngã tư Phú Nhuận để xem sách. Gọi là “nhà sách” cho oai chứ thật ra nhà sách Nhân Dân thời đó chỉ là một căn nhà ống, kiểu nhà phố thường gặp ở Sài Gòn, bề ngang khoảng 3m và bề dài khoảng 15m, bên trong là những dãy tủ kính để sách. Thời đó, tất cả các sách trong nhà sách không được để trên kệ để người đọc tự chọn và đọc tại chỗ thoải mái như bây giờ mà được bỏ vào trong tủ kính khóa lại cẩn thận. Khách nào muốn xem sách gì thì chỉ tay vào tủ sách và nhờ bằng một giọng hết sức nhỏ nhẹ để người bán sách mở khóa lấy sách ra đưa cho khác với gương mặt đưa đám và thái độ ban phát rất trịch thượng. Tôi còn nhớ ánh mắt soi mói của cô nhân viên cửa hàng sách Nhân Dân khi dì tôi nhờ cô lấy mấy quyển truyện thiếu nhi cho tôi chọn vì theo cô một đứa bé 4 tuổi chỉ biết xem hình chứ có biết đọc đâu, không khéo lại làm dơ hay rách sách của cô.

Khi rạp chiếu phim Phú Nhuận đường Nguyễn Văn Trỗi (góc ngã tư Nguyễn Văn Trỗi và Huỳnh Văn Bánh, đối diện cây xăng) còn hoạt động, phía trước rạp chiếu phim này cũng có một nhà sách gọi là nhà sách Phú Nhuận, mặc dù có quy mô lớn hơn nhà sách Nhân Dân ở Ngã Tư Phú Nhuận nhưng vẫn bán sách theo cách “bỏ tủ kính khóa lại” như báu vật. Mà sách thời bao cấp phần lớn được in giấy đen rất xấu, chữ thì lem nhem, nhiều đoạn chữ nhòe không thể nào đọc được nên người đọc vừa phải đọc vừa phải đoán. Sách cho thiếu nhi tuy giấy đỡ xấu hơn nhưng chữ vẫn bị nhòe và hình minh họa khá lem nhem không được đẹp mắt chứ không được in nhiều màu sắc bắt mắt trên giấy láng trắng tinh như bây giờ. Thỉnh thoảng nhà sách có trưng bày mấy cuốn sách thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng dịch từ truyện thiếu nhi của nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô như Bác sĩ Ai-bô-lít, Bu-ra-ti-nô và chiếc chìa khóa vàng, Thuyền trưởng đơn vị hay Mít Đặc và các bạn được in màu trên giấy tốt rất đẹp nhưng giá cũng rất mắc. Tôi nhớ ngày xưa dì tôi đã từng phải đặt tiền thế chân để giữ lại cuốn sách bác sĩ Ai-bô-lít mà tôi rất thích để lần sau mang đủ tiền ra mua cho tôi. Có lẽ vì thế mà những cuốn sách đó đối với tôi ngày nay vẫn có một giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Ngày nay, trên đường sách Nguyễn Bình bên hông Bưu Điện Thành Phố có những gian hàng chuyên trưng bày và bán những cuốn sách được in vào những năm thập niên 1980 cho người chơi sách sưu tầm. Cầm những cuốn sách giấy đen, mặt giấy nhám và chữ lem nhem trong tay, những ký ức về một thời đi được các dì dẫn đi “xem tựa sách” ở nhà sách Nhân Dân lại ùa về trong tôi.

Sự bùng nổ của những “siêu nhà sách lộ thiên” ở Sài Gòn đầu những năm thập niên 1990.

Một trong những dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của giai đoạn chuyển tiếp giữa thời bao cấp và thời mở cửa là sự bùng nổ của các nhà sách tự chọn ở Sài Gòn. Đùng một cái, những nhà sách “nhốt sách sau tủ kính” biến mất không còn tăm hơi như chưa từng xuất hiện ở Sài Gòn mà thay vào đó là những nhà sách bán sách kiểu bày hết tất cả lên trên bàn thậm chí là bày sách ra trên mặt đất cho mọi người vào tha hồ lựa và đọc tại chỗ, có mua hay không cũng được. Chẳng những thế. sách thời kỳ này còn được in với chất lượng giấy tốt hơn hẳn và thể loại phong phú đa dạng hơn rất nhiều. Nếu như trước đó chỉ vài năm, sách được bán chủ yếu ở các nhà sách “tủ kính” nếu không phải là sách ca ngợi “cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc” thì cũng là sách dịch của Liên Xô thì đến những năm 1990-1991, tôi có thể say sưa đọc những bộ truyện tranh truyện Tàu liên hoàn như Tây Du Ký, Phong Thần Diễn Nghĩa, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông được in thành từng tập mỏng phát hành hàng tuần cho tới truyện tranh siêu anh hùng Người Nhện, Người Dơi hay Những Chú Rùa Ninja của Mỹ được bày bán khắp nơi.

Đây là thời kỳ các nhà xuất bản tư nhân mọc lên như nấm nên sách vở được in ra rất nhiều, thượng vàng hạ cám đủ cả. Phổ biến nhất thời này là các loại tiểu thuyết Tây Tàu từ tác phẩm kinh điển cho tới những cuốn tiểu thuyết ba xu với bìa sách được in hình một diễn viên hay người mẫu nước ngoài nổi tiếng nào đó và loại sách kiến thức tổng hợp được in nhái theo kiểu hai cuốn tạp chí khoa học tổng hợp rất được ưa chuộng thời đó là Kiến Thức Ngày Nay và Thế Giới Mới. Ở cái thời mà internet còn chưa xuất hiện, những cuốn tạp chí như thế với thông tin cóp nhặt từ khắp nơi đúng có sai có, giá trị cũng có mà tào lao cũng có, lại là nguồn thông tin quý báu cho những người mệ kiến thức.

Năm 1990 là năm của những “siêu nhà sách lộ thiên” xuất hiện khắp nơi trên đất Sài Gòn. Gọi là “siêu nhà sách lộ thiên” vì những nhà sách này được dựng dã chiến ngoài trời ở một khuôn viên rộng với hàng ngàn đầu sách được bày trên những chiếc bàn gỗ lớn được kê san sát nhau. Để che mưa che nắng, người bán giăng những tấm bạt lớn kiểu hay dùng cho các hội chợ triển lãm ngoài trời bây giờ hay dùng. Phía trước công viên Lê Văn Tám có một nhà sách như thế bán đủ các thể loại sách và lịch và người mua rất đông. Tôi thích kiểu nhà sách lộ thiên này vì tôi được tự do thoải mái lựa sách mà không bị ai ngăn cấm hoặc dòm ngó. Đó là cái thú được đắm mình trong sách vở và kiến thức mà không chịu sự soi mói của các cô mậu dịch viên hắc ám thời bao cấp.

Địa điểm ngày nay là Lotte Mart Lê Đại Hành ở góc đường 3/2 và Lê Đại Hành cũng có một nhà sách lộ thiên khổng lồ mà mỗi cuối tuần bác Hai tôi đều dẫn tôi đi bộ từ nhà nội trên đường Nguyễn Chí Thanh đến đó để mua sách. Tôi nhớ người mua sách rất đông, chen chúc nhau để lựa sách, người đứng, kẻ thì ngồi trên xe. Lúc đó tôi chưa đủ cao để đứng tới mặt bàn người ta để sách nên tôi phải đu người trên những thanh dọc của hàng rào chắn giữa quầy sách và người mua để xem sách. Bác Hai tôi là người Hoa nói tiếng Việt còn không rành chứ đừng nói tới việc đọc sách Việt, nhưng ông kiên nhẫn đứng ở ngoài chờ tôi lựa xong những quyển sách mình muốn mua rồi mang tới quầy tính tiền để trả tiền. Vì không có vợ con, bác Hai tôi thương tôi vô điều kiện. Tôi muốn gì ông cũng mua cho tôi, chưa bao giờ tiếc với tôi một thứ gì, nhất là sách vở. Sau này bác Hai mất, tôi vẫn thường hay một mình lang thang ra nhà sách đó những buổi trưa chủ nhật khi được ba tôi đón về nhà nội. Nhà sách đó hình như đến khoảng năm 2000 thì bị dẹp để trả lại mặt bằng để quy hoạch lại và sau này xây dựng thành khu phức hợp chung cư cao cấp và Lotte Mart Lê Đại Hành như hiện nay.

Những “siêu nhà sách lộ thiên” như vậy tuy tiện lợi hơn kiểu nhà sách “khóa tủ kính” thời bao cấp nhưng cũng có nhiều vấn đề như khách hàng thường hay xô đẩy chen lấn hoặc đứng sát nhau, mỗi lần muốn di chuyển đều xảy ra những chuyện đụng chạm ngoài ý muốn. Đã có không ít trường hợp khách hàng bị kẻ gian móc bóp hoặc chị em phụ nữ bị những tên biến thái thừa cơ hội chen lấn để sàm sỡ khi đứng lựa sách. Nạn ăn trộm sách cũng thường xuyên xảy ra những lúc khách quá đông. Trời nắng gắt mà chen chúc mua sách vừa nóng vừa ngộp, nhiều lúc lựa được mấy cuốn sách mà người ướt đẫm mồ hôi. Nhưng trời mưa thì mới thực sự là thảm họa cho cả người mua lẫn người bán. Chỉ cần một cơn gió thổi tạt qua là cả sách lẫn người mua kẻ bán đều ướt như chuột lột.

Siêu thị sách Sài Gòn

Kiểu nhà sách mà tôi thích nhất là những nhà sách sang trọng và khang trang khu trung tâm Sài Gòn như nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, nhà sách Fahasa đường Lê Lợi (nhà sách Khai Trí lừng danh một thời ở Sài Gòn trước năm 1975) và nhà sách Xuân Thu ở đường Đồng Khởi. Đây là những nhà sách có diện tích rộng lớn được trang trí rất thanh nhã lịch sự. Chỉ cần đẩy lớp cửa kính để bước vào bên trong không gian mát lạnh do máy lạnh được mở thường trực và tiếng nhạc du dương, khách hàng tưởng như mình đã bước vào một thế giới khác tách rời khỏi cái nóng nực của thời tiết Sài Gòn bên ngoài. Sách trong những nhà sách này được bày trên những kệ gỗ và được chia thành từng khu vực theo thể loại giúp người mua dễ dàng chọn lựa chứ không bày biện kiểu đổ đống xô bồ như những nhà sách lộ thiên. Người mua cứ tìm đến khu vực thích hợp của mình và thoải mái tìm sách, không phải chen lấn vất vả.

Khách vào nhà sách phần lớn cũng là những người ăn mặc lịch sự và có phong thái điềm đạm chứ không xô bồ nhiều thành phần như đối tượng khách ở các nhà sách lộ thiên. Nhân viên của những nhà sách này luôn mặc đồng phục áo dài (nữ) hoặc áo sơ mi trắng bỏ thùng (nam) và đeo thẻ nhân viên ở cổ với phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp. Bên cạnh khu vực chính bán sách còn có những khu vực riêng bán văn phòng phẩm cao cấp, băng nhạc, băng video và đồ lưu niệm. Hồi đó tôi rất mong đến gần ngày khai giảng để được bác Hai hoặc dì Ngọc dẫn đi nhà sách Fahasa mua sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Kiểu nhà sách này ngày nay không còn hiếm ở Sài Gòn, nhưng cách đây gần 30 năm về trước khi siêu thị còn chưa có mặt, thì đây quả là một tiến bộ vượt bậc về cung cách lẫn chất lượng phục vụ.

Điều tôi thích nhất ở những nhà sách này là chúng có những kệ sách ngoại văn với sách tiếng Anh nhập từ nước ngoài với bìa cứng, bên trong giấy láng, chữ in sắc nét và có nhiều hình màu rất đẹp. Tôi còn nhớ cảm giác như lạc vào xứ sở thần tiên của mình khi đứng trước quầy sách ngoại văn của nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi mân mê từng trang sách, săm soi từng hình ảnh rồi tiếc rẻ đặt cuốn sách lên kệ vì một cuốn sách nhập từ nước ngoài về như vậy đôi khi có giá bằng nửa tháng lương của một nhân viên văn phòng bình thường thì một cậu học trò như tôi có mơ cũng không dám mơ tới. Đến khi là sinh viên đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, nơi tôi thường lui tới nhất là nhà sách Việt Mỹ nằm ở góc ngã tư Lê Duẩn-Đinh Tiên Hoàng đối diện với Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2 vì nhà sách này cách trường tôi chỉ vài bước chân và quan trọng nhất là nó có bán rất nhiều sách và tạp chí về nhạc pop rock của Anh-Mỹ. Ngày đó tôi cứ ước rằng sau này lớn lên đi làm có tiền, tôi sẽ mua thật nhiều sách tiếng Anh “chính hãng” về đọc cho sướng chứ không cần phải đứng “coi cọp” như thế này.

Từ những năm cuối của thập niên 1990, mô hình siêu thị sách này bắt đầu lan rộng ra khắp thành phố với sự lớn mạnh của chuỗi các cửa hàng sách của Fahasa, Phương Nam, Nguyễn Văn Cừ, Văn Lang… Năm 1997, Fahasa Phú Nhuận được xây tại vị trí mà trước kia là đình ông Hổ trên đường Phan Đình Phùng còn rạp hát Tân Định trên đường Hai Bà Trưng cũng trở thành nhà sách Fahasa Tân Định vài năm sau đó. Những năm gần đây nhà sách Phương Nam thì đầu tư mở những “siêu nhà sách” với cái tên Phương Nam Book City trong các khu thương mại lớn như Vạn Hạnh Mall hay Thuận Kiều Plaza. Nhà sách Cá Chép tuy chỉ với hai địa điểm trên đường Võ Văn Tần và dường Nguyễn Thị Minh Khai cũng là điểm hẹn của nhiều người yêu sách vì sự đa dạng của các thể loại sách và cách bày trí sách khá độc đáo.

Năm 2015, đường sách Nguyễn Bình bên hông Bưu Điện Thành Phố ra đời với hàng chục kiosque sách của những nhà xuất bản lớn đặt sát bên nhau trên cùng một con đường vừa là điểm hẹn quen thuộc của giới mê sách Sài Gòn, vừa là nơi chụp hình lý tưởng của nhiều bạn trẻ cũng như khách du lịch. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi năm 2008 đã bị đập bỏ toàn bộ cùng với thương xá Eden, một trong ba khu thương xá nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, để xây khu thương mại Vincom ngày nay. Ngày biết tin thương xá Eden và nhà sách Xuân Thu bị giải tỏa, tôi buồn như mất một người thân vì nơi đây không chỉ gắn liền với những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi mà còn là một di tích lịch sử và văn hóa quan trọng của Sài Gòn. Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa từng một lần bước vào khu Vincom để tham quan, mua sắm hay chụp ảnh lưu niệm vì trong lòng tôi, không gì có thể thay thế được nhà sách Xuân Thu, một phần quan trọng của linh hồn Sài Gòn ngày cũ.

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm