Ngày xưa khi học tâm lý giáo dục ở Mỹ, giảng viên dạy tôi nhấn mạnh về mối quan hệ giữa tư duy của một người với thói quen giao tiếp và cách nói chuyện của người đó. Trong đó có một điều đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc là nếu bạn trả lời một câu hỏi của người khác, bạn phải đảm bảo người đó hiểu đúng chính xác những gì bạn muốn nói. Khi bạn trả lời một câu hỏi mà người kia phải hỏi thêm hai ba lần nữa mới có được câu trả lời họ muốn nhận được thì việc giao tiếp của bạn hoàn toàn không có hiệu quả ngoài việc người hỏi không đạt được mục đích giao tiếp (không nhận được thông tin cần thiết), họ còn cảm nhận được sự thờ ơ thậm chí là coi thường của người trả lời khi đưa cho họ một câu trả lời không đến nơi đến chốn.
Thực ra cách trả lời cho có, ai hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi chưa chắc thể hiện sự thờ ơ hoặc khinh thường của người nói vì tôi đã gặp nhiều trường hợp trả lời như thế như một thói quen khó sửa chứ không phải do không muốn trả lời. Đối với tôi, thói quen này thể hiện sự hời hợt trong tư duy của người nói khi không hề chú ý đến hiệu quả của việc giao tiếp. Khi dạy học, tôi gặp trường hợp này rất nhiều. Ví dụ khi tôi hỏi câu này sai ở chỗ nào thì thay vì trả lời rằng: “động từ “talk” trong câu này phải chia ở thì quá khứ.” thì câu trả lời mà tôi thường nhận được chỉ gọn lỏn là “động từ” hoặc “sai ở động từ”. Thậm chí là có những lúc tôi hỏi đến lần thứ hai thứ ba mà vẫn chưa nhận được thông tin tôi cần.
Q: Theo bạn câu này sai chỗ nào?
A: Thưa thầy, động từ.
Q: Bạn có thể nói rõ hơn không?
A: Thưa thầy, động từ sai.
Q: Tôi biết động từ sai nhưng nói sai thế nào?
A: Động từ chia thì sai.
Q: Trong câu này có 2 động từ, bạn muốn nói động từ nào.
A: Động từ “talk”.
Q: Vậy nó sai chỗ nào?
A: Phải chia thì quá khứ mới đúng.
Thay vì cho tôi đúng một câu trả lời rằng “động từ “talk” trong câu phải chia thì quá khứ thì phải qua 5 câu hỏi tôi mới nhận được câu trả lời mình mong muốn, vừa mất thời gian, vừa bực mình. Hoặc khi tôi hỏi giữa “A và B có gì khác nhau” thì thay vì giải thích rõ ràng “A là động từ còn B là danh từ”, các bạn thường trả lời “một cái là danh từ, một cái là động từ.” (cái nào là cái nào?). Tôi thường nói khi giải thích cho một người hiểu một vấn đề, đừng bao giờ nghĩ rằng tôi chỉ nói đến đó thôi rồi người kia sẽ tự hiểu vì cái người ta cần là một lời giải đáp rành mạch đúng trọng tâm chứ không phải là một loạt các câu gợi ý để đoán. Khi bạn giải thích một vấn đề mà người chưa biết gì vẫn có thể hiểu được thì mới gọi là giải thích. Nhưng rất tiếc là mặc dù tôi nói vấn đề này rất nhiều lần, những bạn chịu nghe và làm theo rất ít. Có phải việc suy nghĩ tới nơi tới chốn và trả lời một câu hỏi đầy đủ cho người khác hiểu là một việc quá sức đối với những bạn đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm?
Khi dạy từ vựng, tôi luôn nhắc đi nhắc lại, bạn chỉ có thể nói bạn biết từ đó khi ngoài nghĩa của từ, bạn còn phát âm đúng từ đó, viết đúng chính tả và biết cách sử dụng đúng ngữ cảnh của từ đó. Tiếng Anh không như tiếng Việt vì từ ngữ trong tiếng Anh luôn đi liền với ngữ pháp, không thể chỉ ráp vào là tự động thành câu như tiếng Việt. Nếu là động từ bạn phải chia thì cho đúng, là danh từ bạn phải cân nhắc xem danh từ đó số ít hay số nhiều, xác định hay chưa xác định để dùng mạo từ tương thích với nó. Nhưng những điều này rất ít bạn để ý mà lần nào khi làm bài tôi cũng phải nhắc. Nhiều bạn đọc một câu tiếng Anh đơn giản khiến tôi phát bực vì không hề quan tâm đến phát âm, mười chữ đã sai hết tám chẳng phải vì không biết đọc mà vì lười, vì ẩu, vì đọc qua loa cho có. Giá mà các bạn ấy chịu hiểu rằng, đôi khi chỉ cần chịu khó một tí đọc cho cẩn thận thì các bạn đã tiết kiệm được khối tiền đi học tiếng Anh từ trung tâm này đến trung tâm khác.
Tôi không phải quá cực đoan đến mức phản đối tất cả trend ngôn ngữ tuổi teen như một số người vì tôi hiểu ngôn ngữ sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên tôi rất dị ứng với cách những cách nói tự hạ thấp phẩm giá của bản thân mình. Ví dụ, thay vì nói cực thích một cái gì đó thì các bạn lại dùng từ “u mê”. Nếu là tôi, tôi sẽ rất xấu hổ khi phải thừa nhận mình “u mê” vì một cái gì đó theo phong trào vì nó chứng tỏ tôi là một người có IQ không cao lắm. Có lần tôi bắt gặp nét mặt vừa tức giận vừa xấu hổ của một phụ huynh khi cô con gái tuổi teen của chị ấy liên tục dùng từ “tự sướng” để nói về hành động chụp selfie trước mặt những người lớn. Tình cờ lướt ngang facebook của một số bạn gái trẻ trong đó có nhiều người đã đi làm, tôi cảm thấy khó chịu trước những status kiểu: “Mê trai đầu thai cũng không hết” hay “gặp trai đẹp thì auto mất hết liêm sỉ”. Bạn muốn người ta tôn trọng bạn, bạn phải biết tôn trọng bản thân mình trước.
Các bạn trẻ, ông bà ta dạy “học ăn học nói, học gói học mở” chưa bao giờ sai. Không chỉ phải “thưa” “dạ” là đã đủ lịch sự. Cách ăn nói, dùng từ ngữ, diễn đạt ý một câu rất quan trọng vì nó thể hiện tư duy của người nói hay người viết. Đừng chỉ quan tâm đến nhan sắc hoặc cách ăn mặc sành điệu mà quên đi rằng lời ăn tiếng nói và cách ứng xử trong giao tiếp mới chính là điều người khác có ấn tượng sâu sắc nhất về bạn.