Share on facebook

Bàn về “vương đạo” & “bá đạo”

Có thể bạn quan tâm

Bàn về “vương đạo” và “bá đạo”

Lúc còn rất nhỏ, tôi đã được bà ngoại dạy thuộc lòng những câu thơ về Đinh Bộ Lĩnh mà tới giờ tôi vẫn còn nhớ:
“Người động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh
Thuở nhỏ chơi bời rất ngộ nghĩnh
Bày trận cờ lau giả chiến tranh
Bắt trẻ mục đồng làm binh lính
Cưỡi trâu làm tướng kẻ đều kinh
Mổ lợn khao quân chú đuổi đánh…”

Bà ngoại giảng cho tôi rằng Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha ở với chú nên phải chăn trâu cho chú. Ông thường rủ lũ trẻ mục đồng bày binh bố trận đánh nhau, lấy bông lau làm cờ, còn ông làm tướng soái. Lần đó phe ông thắng trận, ông về nhà bắt con heo của chú làm thịt để đãi trẻ mục đồng, ông chú giận lắm đuổi ra khỏi nhà. Việt Sử Tiêu Án có ghi lại như sau: “Vua Đinh, tên Bộ Lĩnh, người làng Đại Hoàng, động Hoa Lư. Thân phụ vua là Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, cai trị Hoan Châu, mẹ là họ Đàm, nằm mộng thấy có một người lớn tay cầm cái ấn vua đến xin làm con, bèn có mang mà sinh ra vua, được ít lâu thì thân phụ dắt vào ở trong động, chơi với trẻ chăn trâu, lũ trẻ tôn làm đàn anh. Mỗi khi chơi đùa, giao tay nhau cho vua ngồi lên, khiêng đi làm xe, lấy bông lau làm cờ, dàn ra hai bên, rước đi làm như nghị vệ nhà vua. Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về.” Lúc nhỏ chưa hiểu nhiều, tôi cảm thấy rất phục hào khí của Đinh Bộ Lĩnh, nhưng sau này khi lớn rồi tôi thấy việc dạy sử như thế này không ổn chút nào. Việc ông cùng lũ trẻ mục đồng bày trận giả đánh nhau thì có thể hiểu được nhưng việc bắt trộm lợn của chú làm thịt đãi bạn thì không thể nào dạy cho con cháu chúng ta được. Lại còn chuyện vì ông có chân mạng đế vương nên được rồng vàng độ mạng thì quả thật là chả khác nào nói rằng khi anh làm vua thì bất kể chuyện xấu xa tồi tệ của anh đều được bỏ qua thậm chí là được trời đất phù hộ. Hành động bắt trộm lợn của chú làm thịt xét ở bất cứ góc độ nào cũng là hành động đáng lên án và không nên dạy theo hướng ca ngợi.

Một vị vua khác cũng có hành động bá đạo tương tự và cũng được dã sử bào chữa theo kiểu “ta là vua thì ta muốn làm gì thì làm” là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn thưở nhỏ nhà nghèo được sư Lý Khánh Văn nuôi trong chùa. Chú bé Lý Công Uẩn nghịch ngợm khoét ruột oản cúng Long thần ăn hết. Tối đến Long thần lên mách với sư Khánh Văn hành động vô lễ của Uẩn nên Uẩn bị phạt. Đã không nhận sai, chú bé Lý Công Uẩn lại có một hành động hết sức “mất dạy” là lôi tượng Long thần xuống đánh ba quyền vào mặt và lấy bút lông viết sau lưng tượng dòng chữ “đày đi ba ngàn dặm”. Tối hôm sau Long thần lại báo mộng từ giã sư Khánh Văn và than rằng: “Nhà vua đã đày tôi đi xa, tôi không dám cãi lời, nay đến từ giã ngài.” Sư Khánh Văn dùng nước để chùi dòng chữ Uẩn viết sau lưng Long thần thì không phai nhưng Uẩn chỉ cần nhổ một bãi nước bọt thì chùi đi hết.

Vẫn biết đây là dã sử nhưng việc viết dã sử như thế này phần nào phản ánh tư tưởng “bá đạo” của dân tộc ta và thuyết “chân mệnh đế vương”: kẻ mạnh muốn làm gì cũng được và đã là vua thì có ngang ngược vô đạo thì vẫn được thần nhân độ. Có một lần tôi mang những chuyện này để trao đổi với một người thuộc hàng trưởng bối đang sống ở nước ngoài và nói rằng không thể tiếp tục dạy lịch sử theo kiểu dã sử và tôn vinh những hành động sai trái thì ông này đã mắng tôi là tuổi gì mà phê phán tiền nhân. À thì ra là thế, trong tư duy của rất nhiều người Việt Nam của cả hai phe ý thức hệ đều có một điểm chung: đã là người có công trong lịch sử thì không được phê phán. Và rất nhiều người tự hào rằng mình hiểu lịch sử nhưng chỉ tin vào dã sử hoặc huyền sử nhưng chưa bao giờ bỏ thời gian ra để nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc và khách quan. Dã sử có một thuận lợi là giúp người dân nhớ sử nhanh và dễ nhưng khuyết điểm thì vô số. Thứ nhất, dã sử không chính xác vì nó dựa trên những huyền thoại thêu dệt nhiều hơn là sự thật. Thứ hai dã sử không có tính công bằng và khách quan: đã thích ai thì nâng lên tận mây xanh còn ghét ai thì dìm xuống tận địa ngục. Thứ ba dã sử có khuynh hướng đơn giản hóa mọi sự kiện chứ không đào sâu phân tích một cách khoa học. Nếu chỉ đọc dã sử, chúng ta sẽ có khuynh hướng tự hào dân tộc một cách quá đáng và ảo tưởng sức mạnh của dân tộc ta. Nhưng khi các bạn chịu khó nghiên cứu chính sử và đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau, các bạn mới thực sự hiểu được những ưu khuyết và thậm chí những sai trái kinh hoàng của những người đi trước. Thật ngây thơ và ấu trĩ cho những người muốn làm chính trị nhưng chỉ học lịch sử một chiều và không chấp nhận những ý kiến phản biện.

Quay lại khái niệm “bá đạo”, “bá đạo” nghĩa là gì? “Bá” trong tiếng Hán có nghĩa đen là “bác” (anh của cha), hiểu rộng ra là “kẻ có sức mạnh, có quyền lực, có vai vế”. Thời Chiến Quốc, Thương Ưởng đến yết kiến vua Tần Hiếu Công vì nghe ông này muốn tìm hiền tài giúp trị quốc. Ưởng nói về “đế đạo”: dùng nhân để phục người và “vương đạo”: dùng đức để phục người thì Tần Hiếu Công đều thờ ơ và tỏ vẻ thất vọng vì không đúng ý mình. Đến khi Ưởng bàn về “bá đạo”: lấy bạo lực để ép người tuân phục, lấy pháp luật hà khắc đề đàn áp những kẻ chống lại, đặt thuế thật nặng để nuôi quân đội và làm giàu cho giới quý tộc cai trị thì Tần Hiếu Công chăm chú lắng nghe sau đó còn trọng dụng Thương Ưởng. Từ đó, giai cấp thống trị Trung Quốc mặc dù xưng “đế” xưng “vương” nhưng thật ra phần lớn đều dùng “bá đạo” để cai trị: ngang ngược, ỷ quyền cậy thế bóc lột và đàn áp người dân, dùng luật lệ và cực hình tiêu diệt những kẻ chống đối và bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.

Các triều đại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc và cai trị theo kiểu bá đạo này. Đinh Tiên Hoàng là một ví dụ của sự cực kỳ bá đạo trong cách hành xử của mình. Khi đánh không lại hai con của Ngô Quyền là Xương Ngập và Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh gửi con mình là Đinh Liễn đến làm con tin để hoãn binh nhưng sau đó là nuốt lời xua quân tấn công. Hai vua Ngô mang Đinh Liễn trên ngọn sào và truyền rằng nếu Đinh Bộ Lĩnh dám tấn công thì sẽ giết con tin. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Đinh Bộ Lĩnh tức giận nói Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao. Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Đinh Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ: Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì. Bèn không giết Liễn mà đem quân về.” Người xưa nói: “Hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con” và “đại trượng phu thì không bội tín”. Đinh Bộ Lĩnh vì muốn thắng trận mà làm hai việc thất đức là bội tín và sẵn sàng giết luôn con mình thì tôi không thể không rùng mình kinh sợ. Khi dẹp xong 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để dùng bá đạo chứ không phải là vương đạo để trị quốc. “Về chính trị trong nước có phần quá thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc. Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”. Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Lý Công Uẩn do xuất thân từ cửa Phật nên tuy không tàn ác kiểu Đinh Tiên Hoàng nhưng cũng có cách cư xử “bá đạo” riêng của mình. Ông là vị vua duy nhất của Việt Nam khi lên ngôi lập đến 6 vị hoàng hậu. “Bá đạo” cách này hay cách khác đều có một điểm chung là lạm dụng quyền lực của mình để vượt quá những giới hạn và quy định nếu điều đó có lợi cho mình mà bất chấp tất cả.

Một số bạn facebook của tôi ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt kể cả những chính sách sai và sẵn sàng bịa ra những tin fake kiểu “Trump cảnh cáo Trung Quốc không được đụng tới biển Đông của Việt Nam” hoặc ủng hộ tân tổng thống Mông Cổ khi ông này ra lệnh bắt bỏ tù hết tất cả các tham quan nếu sau 20 ngày bọn tham quan không mang nộp hết tài sản có được do tham ô của mình cho nhà nước. Xin thưa, đó là bạn đang ủng hộ bá đạo: dùng kẻ mạnh hơn để chống lại kẻ mạnh. Kẻ bá đạo lúc đầu để thu phục lòng dân có thể thực thi bá đạo bằng cách làm những việc mang tính chính nghĩa hợp đạo lý. Nhưng khi đã tóm hết quyền lực trong tay thì họ sẽ dùng bá đạo để phục vụ cho lợi ích của bản thân hoặc đảng phái, gia tộc của mình. Tôn sùng và cổ súy những hành động bá đạo, chúng ta có thể dẹp được kẻ địch trước mắt nhưng lại sẽ tiếp tục làm nô lệ cho một thế lực mạnh hơn.

Tôi thì tôi thích cách dạy con trị vị thì theo “vương đạo” của Mufasa trong phim Lion King hơn: “Sư tử ăn linh dương, nhưng khi sư tử chết, thịt xương sẽ trở thành phân bón cho cây cỏ xanh tươi để nuôi sống linh dương. Tất cả là một vòng tròn khép kín, vòng tròn sinh mệnh nơi các loài sinh vật dù lớn dù nhỏ không thể nào lấy cho mình nhiều hơn những thứ mà mình cho đi.” Khi sư tử con Simba nói với bố rằng: “Con tưởng rằng làm vua là mặc sức làm những gì mình muốn” Mufasa đã chỉnh con mình rằng: “Làm vua không có nghĩa là tự tung tự tác theo ý mình mà phải biết trân trọng mọi sinh mệnh dưới quyền của mình.” Chữ “vương” (王) được tạo thành từ một vạch dọc xổ xuống liên kết ba vạch ngang “thiên, địa, nhân” với ý nghĩa “vương đạo” phải hòa hợp được cả ba yếu tố này, trong đó gạch giữa “nhân” luôn ngắn hơn vạch “thiên” ở trên và “địa” ở dưới. Để thực hiện “vương đạo” phải có kiến thức sâu rộng về kinh tế, chính trị, lịch sử, địa lý… để đem lại thịnh vượng cho người dân chứ không phải chỉ là dùng bạo lực để thực thi công lý theo ý mình. 

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm