Hôm nay Tết Đoan Ngọ mà mình đang ăn kiêng nên không thể ăn món khoái khẩu “bánh bá chạng” như mọi năm, đành đăng bài viết này lên cho đỡ thèm. Hẹn năm sau ăn bù.
Ngày xưa khi còn ở với bà ngoại, cứ mỗi năm đến Tết Đoan Ngọ là bà ngoại tôi lại mua rất nhiều món truyền thống để cúng Đoan Ngọ như chùm lá xương bồ treo trước cửa nhà với tác dụng đuổi rắn rết sâu bọ, cơm rượu, chè trôi nước và bánh ú nước tro. Đặc biệt, mâm cúng mùng 5 tháng 5 của bà ngoại tôi thường có món bánh bá chạng của người Hoa trong Chợ Lớn.
Thật lòng mà nói, cơm rượu, chè trôi nước và bánh ú nước tro đều không phải là những món khoái khẩu của tôi nên có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nhưng đối với tôi, Tết Đoan Ngọ mà thiếu món bánh bá chạng thì cũng như ngày Tết thiếu bánh chưng vậy.
Tết Đoan Ngọ tương truyền là để tưởng nhớ ngày nhà thơ Khuất Nguyên, tác giả bài Ly Tao nổi tiếng, đeo đá trầm mình xuống dòng Mịch La ngày mùng 5 tháng 5 để cảnh tỉnh Sở Hoài Vương u mê. Dù khâm phục lòng trung thành và khí tiết của Khuất Nguyên, tôi không tán thành giải pháp cực đoan của ông. Tại sao phải tự hủy thân để chứng tỏ lòng trung với một ông vua u mê ngu muội cơ chứ? Theo truyền thuyết thì người dân thương tiếc Khuất Nguyên làm bánh ú cột chỉ ngũ sắc thả xuống sông để dụ các loài thủy tộc đừng ăn xác của ông. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa xác định loại bánh ú mà người dân xưa thả xuống sông là loại bánh ú lá tro hay bánh bá chạng. Cũng có thể loại bánh người xưa thả xuống sông và loại bánh cúng tết Đoan Ngọ ngày nay không liên quan gì tới nhau cả vì qua hàng ngàn năm vật đổi sao dời, những thứ thuộc về truyền thống cũng theo đó mà thay đổi là chuyện không có gì là khó hiểu.
Người Việt Nam thường cúng tết Đoan Ngọ bằng bánh ú nước tro hình tam giác nhỏ nhân đậu xanh và được bán thành từng xâu theo chục nhưng dường như chỉ có người Hoa là cúng bánh bá chạng, một loại bánh gần giống như bánh chưng của người Việt nhưng mùi vị đậm đà hơn nhiều. Một chiếc bánh bá chạng đúng chuẩn thường có hình kim tự tháp, to khoảng bằng cái chén ăn cơm được gói bằng lá tre và buộc lạt ở ngoài rồi đem chưng trong nồi lớn như bánh chưng hoặc bánh tét. Nhưng so với bánh chưng và bánh tét, bánh bá chạng có nhân bánh phong phú về cả chất lẫn lượng. Nếu bánh chưng và bánh tét chỉ dùng đậu xanh xay nhuyễn và thịt mỡ làm nhân, nhân bánh bá chạng ngoài đậu xanh và thịt heo còn có thêm lạp xưởng, nấm đông cô và lòng đỏ trứng muối. Một điểm đặc biệt nữa tạo nên sức hấp dẫn của bánh bá chạng là phần gạo nếp trước khi đung để gói bánh đã được ngâm một đêm với nước muối có pha một số vị thuốc bắc nên khi nấu chín tỏa ra một mùi thơm rất hấp dẫn.
Ăn bánh bá chạng thì phải ăn nóng vi để nguội sẽ không còn cảm nhận được vị thơm của bánh nữa. Vừa xuýt xoa lột lớp lá tre gói bên ngoài vừa hít hà mùi thơm kết hợp giữa các vị thuốc bắc và mùi lá tre bốc lên theo làn khói từ chiếc bánh cũng là một thú vui tao nhã. Bánh bá chạng ăn không cũng đã vừa ăn, nhưng nếu muốn đậm đà hơn một chút, có thể chấm với nước tương pha thêm tí giấm đỏ và sa tế. Sau khi lột xong vỏ bánh, cứ từ từ dùng muỗng xắn từng miếng bánh nóng rồi rưới lên đó một tí hỗn hợp tương, giấm và sa tế để nhẩn nha thưởng thức vị dẻo của nếp, cái béo ngậy của thịt mỡ, vị mặn mặn bùi bùi của lòng đỏ trứng muối…tất cả được cân bằng bằng tí cay cay của sa tế và chua chua của giấm đỏ. Nếu có ly trà nóng kế bên để hãm bớt cái béo của thịt mỡ càng tuyệt. Cứ thế từng chút từng chút một mà một mình ăn hết cả cái bánh to lúc nào không hay.
Những năm đi học ở Mỹ, có thời gian tôi ở trọ gần phòng với một anh bạn người Trung Quốc tên Zhang Jing (Trương Tinh) học cùng trường. Jing người Triết Giang, là dân IT nhưng được cái nấu ăn rất khéo và biết làm rất nhiều món. Anh thường làm món bánh chẻo tương tự như sủi cảo và bánh “zhong zi” (chung tử) để ăn dần. Món zhong zi khá giống với bánh bá trạng, chỉ khác ở chỗ là nhỏ hơn và gạo nếp không có mùi vị đăng đắng đặc trưng của thuốc bắc. Gọi là “chung tử” vì hình dạng bánh khá giống cái chuông (chung) úp ngược. Lần nào làm hai món này, Jing cũng làm rất nhiều và chia cho tôi ăn cùng. Nhiều lần ăn không thấy cũng ngại, tôi bảo Jing dạy cho tôi gói bánh để làm phụ. Nhìn thấy cảnh Jing thoăn thoắt trải lá, đổ nếp múc nhân rồi gói bánh đều tăm tắp, tôi nghĩ thầm trong bụng rằng “ba cái vụ gói bánh này mình búng tay một cái là xong.” Nhưng kể cũng lạ, tôi thuộc dạng cầm kỳ thi họa cái gì cũng được nhưng hễ gói bánh thì nếu không đổ nếp ra ngoài thì cũng tràn nhân, còn không thì hình dạng bánh cũng méo mó không giống hình chóp mà cũng chẳng ra hình trụ. Thấy tôi cứ lóng ngóng không gói được cái bánh nào ra hồn, Jing cười chế nhạo: “Thôi tao cứ làm cho mày ăn, đừng nhúng tay vào! Coi như là tạo phước cho nhân loại!” Thế là tôi tiếp tục ăn bánh mà không cần phải làm gì cả.
Về lại Sài Gòn để làm nghề dạy học, một là vì không tiếp tục sống trong khu Chợ Lớn, hai là vì công việc bận rộn nên suốt nhiều năm liền tôi cũng không quan tâm lắm đến ngày tết Đoan Ngọ gần như quên luôn món bánh bá chạng. Cũng đúng thôi, từ ngày bà ngoại tôi mất, nhà tôi chỉ cúng Đoan Ngọ bằng những món thông thường như bánh ú nước tro, chè trôi nước và cơm rượu, chứ không còn cúng bánh bá chạng nữa. “Sự nghiệp” ăn bánh bá chạng của tôi bị gián đoạn trong một thời gian khá dài cho tới khi tôi gặp được Rei Bi, cậu học trò gốc Hoa sống trong một gia đình có truyền thống làm bánh bá chạng để bán vào dịp Tết Đoan Ngọ ở Chợ Lớn.
Thật ra Bi không phải là học trò của tôi mà là học trò của vợ tôi nhưng vì tôi đã từng tư vấn về việc lựa chọn nghề nghiệp cho cậu nên cậu cũng coi tôi như là thầy dạy học và đối xử với tôi hết sức kính trọng. Bi cũng thường xuyên theo dõi và chia sẻ những bài viết trên facebook của tôi. Khi biết tôi cũng là người gốc Hoa nhưng không có dịp về Chợ Lớn thường xuyên, mỗi năm, cứ tới dịp tết Đoan Ngọ, cậu lại mang đến tặng tôi một cặp bánh bá chạng nhà gói. Đối với tôi quà tặng giá trị cao thấp không quan trọng mà quan trọng nhất là ở tấm lòng người tặng quà. Có nhiều món quà đắt tiền tôi nhận được nhưng tới giờ vẫn còn nằm trong tủ vì tôi không có nhu cầu dùng tới và cũng không hợp với tôi, nhưng có những món quà tuy nhỏ nhưng tôi lại vô cùng trân quý vì người tặng hiểu được tôi cần gì hoặc thích gì. Món bánh bá chạng của cậu học trò người Hoa có lẽ vì thế mà đối với tôi luôn ngon đặc biệt.