Share on facebook

Cái Đầu Máy Video Đầu Tiên

Có thể bạn quan tâm

Trong thời buổi xem phim trực tuyến, nhà nào còn giữ được đầu máy xem đĩa DVD như tôi đã hiếm nhưng ai còn giữ được cả đầu máy xem băng video ngày xưa thì nếu không phải là người cực kỳ “hoài cổ” thì cũng là người “có duyên nợ” với băng từ. Chợt thấy cuộc sống trong khoảng 20 năm gần đây thay đổi nhanh quá, nhất là những thứ liên quan công nghệ thì lại càng thay đổi nhanh hơn. Các bạn trẻ sinh vào cuối thập niên 1990 hoặc đầu thập niên 2000 thì có thể vẫn còn có chút ấn tượng với đầu máy xem băng video nhưng đối với các bạn genZ của thời đại YouTube và Netflix, đầu máy băng video cũng giống như hóa thạch xương khủng long vậy. Nhưng đối với những người thế hệ 8x như tôi, băng video gắn liền với biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ nhất là đối với cái cảm giác nhà mình lần đầu tiên sở hữu một chiếc đầu máy xem băng video trong đời.

Năm 1989 khi tôi học lớp 3, ba tôi mua cái đầu máy băng video đầu tiên với giá tiền ngót nghét 1 lượng vàng theo thời giá lúc đó. Với số tiền này, người ta có thể mua được một cái tủ lạnh Liên Xô hoặc một chiếc Cub cánh én. Thời đó kinh tế còn khó khăn, người Sài Gòn vẫn còn quan niệm ăn chắc mặc bền. |Nếu có số tiền đó thì ít khi nào người ta mua đầu máy về xem phim vì đó là một điều hết sức xa xỉ. Nhưng ba tôi là người thích nghiên cứu về máy móc và cũng sống vì gia đình. Ông mua cái đầu máy xem băng video một phần muốn nghiên cứu cách hoạt động của nó, một phần cũng muốn cả gia đình được giải trí bên nhau vào những buổi tối cuối tuần mà không cần phải đi ra ngoài xem phim rạp. Vì thế, nhà tôi lúc đó không phải là giàu nhưng có thể nói là một trong những gia đình đầu tiên ở Sài Gòn sở hữu một chiếc đầu máy xem băng video.

Đó là một cái đầu máy hiệu Funai (Nhật) với vô số nút bấm phức tạp nhưng chỉ xem được những băng từ thuộc hệ PAL. Ngày trước đầu máy video được sản xuất ở vùng lãnh thổ nào chỉ đọc được băng từ có hệ tương ứng. Các máy của Nhật chỉ đọc được băng từ hệ PAL (viết tắt của Phase Alternating Line) của châu Á với tần số quét ngang 50Hz (tương ứng với 25 khung hình/s) còn các đầu máy ở khu vực Bắc Mỹ thì chỉ đọc được băng từ hệ NTSC (National Television System Committee) với tần số quét ngang 60 Hz (tương ứng với 30 khung hình/s). Còn khu vực Châu Âu thì sử dụng băng từ và đầu máy hệ SECAM hoặc ME-SECAM (hai loại này tương đối hiếm ở Việt Nam). Thường các đầu máy đời thập niên 1980 chỉ có 1 hệ nên chỉ xem được 1 loại băng từ tương ứng. Nếu chiếu loại băng từ khác hệ, màn hình sẽ bị nhiễu không xem được do không cùng tần số quét nên khi đi ra tiệm thuê băng, người thuê băng phải nói rõ với người chủ dịch vụ là thuê loại băng PAL hay NTSC để về có thể xem được. Thời đó băng từ hệ PAL nhiều hơn băng từ hệ NTSC vì đầu máy chủ yếu là hàng secondhand của Nhật được các thủy thủ tàu viễn dương mua rẻ về bán lại và đầu máy NTSC dĩ nhiên giá thành cũng mắc hơn. Nhưng mắc nhất vẫn là loại đầu máy “đa hệ” xem được tất cả các loại băng từ PAL, NTSC, SECAM và ME-SECAM. Tôi nhớ cái đầu máy đó giá ít nhất cũng phải 2 cây vàng nên chỉ có nhà “đại gia” mới có tiền mua. Đến những năm đầu thập niên 1990 thì chỉ còn đầu máy và băng từ hệ NTSC nên không còn chuyện phân loại đầu máy hệ gì nữa.

Sự phiền phức của cái đầu máy xem băng video vẫn chưa dừng lại ở chỗ đó. Có lẽ nói ra các bạn bây giờ cũng không tin nhưng thời đó nhà nào mua được đầu máy xem video phải…ra phường đăng ký, khai báo và đóng lệ phí các kiểu rất phiền phức. Nếu không đăng ký mà công an phường vào kiểm tra đột xuất phát hiện nhà có đầu máy sẽ lập biên bản tịch thu và phạt hành chính. Nhà tôi do không muốn đăng ký đầu máy ở phường nên mỗi lần mướn phim về xem đều phải lén lén lút lút như đi ăn trộm. Tôi nhớ lúc đó nhà kế bên nhà tôi là công an phường có mấy đứa con cỡ tuổi tôi nên tôi và bọn nhỏ chơi với nhau cũng khá thân. Nhưng mỗi lần nhà tôi đi thuê băng video về xem là ba mẹ tôi đều dặn kỹ là nếu gặp anh em nhà thằng Nghĩa thì tránh, còn nếu tụi nó hỏi đi đâu thì cũng đừng nói là đi mướn băng video về xem, mắc công tụi nó lỡ miệng nói lại với ba má thì nhà mình rắc rối. Nhưng con nít thì làm sao có thể giữ được bí mật lâu nên chẳng mấy chốc mấy đứa bạn con nhà công an phường cũng biết nhà tôi có đầu máy. Không biết tụi nó có về kể lại cho ba mẹ nghe hay không nhưng nhà tôi không thấy bị công an tới hỏi han hay làm khó dễ gì. Giờ nghĩ lại thấy buồn cười, khi xã hội đầy những gian dối và phi lý thì tình bạn của những đứa trẻ cũng không thể trong sáng được.

Vào thời điểm cuối thập niên 1980, những dịch vụ cho thuê băng video cũng rất hiếm chứ không tràn lan như thời những năm thập niên 1990. Chuyện thuê băng về xem tưởng chừng đơn giản nhưng ở thời đó cũng khá nhiêu khê phức tạp. Người thuê băng phải mang chứng minh nhân dân ra đăng ký lần đầu tiên để dịch vụ ghi lại tên tuổi địa chỉ và đặt tiền cọc tương đương với giá trị của cuộn băng thì mới được thuê băng về xem (tất nhiên, đối với khách thân rồi thì chuyện mang chứng minh đăng ký hoặc đặt cọc là không còn cần thiết). Thời đó một cuốn băng video có thời lượng 3 tiếng sẽ có chứa 2 phim lẻ (phim điện ảnh) bất kỳ hoặc 4 tập phim bộ (phim truyền hình). Do không có thông tin gì về phim ngoài tựa phim dán ở mặt trước cuốn băng, người xem chỉ có thể lựa chọn phim theo tựa, còn hay dở gì thì cũng phải xem cho hết vì …tiếc tiền.

Tiền thuê băng sẽ được tính theo ngày và mỗi lần thuê như thế người thuê chỉ được giữ băng tối đa là 3 ngày. Nếu vì lý do gì đó trả băng chậm cho dịch vụ thì sẽ bị phạt thêm tiền bằng cách trừ vào số tiền đặt cọc. Tôi nhớ lúc đó giá thuê 1 phim/1 ngày là 500 đồng và tiền thế chân cho một cuốn băng video là từ 4500 đến 5000 đồng tùy chỗ. Nếu bạn xem xong và trả phim trong vòng 2 ngày thì bạn sẽ bị trừ 1000 đồng và cứ thêm 1 ngày là 500 đồng nữa. Thời điểm đó phim ảnh mới tương đối hiếm nên sau 3 ngày, nếu bạn không mang phim ra trả, chủ dịch vụ thuê băng có thể đến tận nhà bạn để đòi phim và dĩ nhiên bạn sẽ không được thuê phim mới nếu bạn chưa chịu trả phim cũ. Và sau nhiều lần như thế họ sẽ không ưu tiên giới thiệu phim mới cho bạn mà chỉ để dành cho khách nào trả phim đúng hẹn.

Khi ba tôi mua đầu máy về xem băng được khoảng 1-2 tháng thì cũng trùng hợp là cách nhà nội tôi trên đường Nguyễn Chí Thanh có một nhà mở dịch vụ cho thuê băng video nên việc thuê băng cũng dễ dàng hơn. Còn trước đó, ba tôi thuê băng video ở một…lò bánh mì kiêm tiệm cho thuê băng lậu của người Hoa nằm trong một con hẻm cụt trên đường Trần Hưng Đạo gần nhà hàng Đồng Khánh. Do cho thuê băng lậu nên chỉ có người quen mặt mới có thể tới thuê băng mà thôi. Đó là những bộ phim xã hội đen hoặc phim ma cương thi của Hong Kong nói tiếng Quảng Đông hoàn toàn không có lồng tiếng Việt. Vì thế trong suốt quá trình xem phim, ba tôi đóng vai trò thông dịch viên bất đắc dĩ dịch lại lời thoại của phim cho mẹ con tôi nghe. Còn nếu đó là phim Mỹ thì…đành phải xem hình mà cố đoán nội dung phim chứ không có ai dịch cho nghe cả.

Sau khi mua cái đầu máy về, ba tôi đã dùng tuốc vít để mở ốc tháo phần nắp đậy bằng sắt che phía trên để nghiên cứu phần cấu tạo máy móc ở bên trong và nguyên tắc vận hành của đầu máy. Ông còn chỉ tôi cách chùi đầu từ của đầu máy khi đầu từ bị dơ khiến phim bị nhiễu không xem được. Tiếp theo là cách xử lý khi ruột băng bị dập, bị kẹt trong máy hoặc trường hợp phần cơ của càng nhận băng bị hư khiến băng không đưa vào máy hoặc đẩy từ trong máy ra được. Những trường hợp như thế ba tôi đều có cách để xử lý và đều chỉ cho tôi cách xử lý nên từ nhỏ tôi đã khá rành những vụ này. Tuy nhiên, ba tôi cũng khá nghiêm trong việc quản lý đầu máy. Mặc dù sử dụng máy khá thành thạo, tôi chỉ được xem phim khi có ba mẹ tôi xem chung chứ không được xem một mình và chỉ được xem vào hai buổi tối cuối tuần. Sau này khi mua chiếc máy chơi điện tử Nintendo đầu tiên, ba tôi cũng áp dụng luật này: chỉ chơi giải trí vào cuối tuần và mỗi lần chỉ được chơi một tiếng. Nhờ vậy mà tôi không bị nghiện game như phần lớn bạn bè tôi ở tuổi thanh thiếu niên.

Tới bây giờ tôi vẫn cảm ơn sự nghiêm khắc của ba tôi đối với việc quản lý con cái xem video hay chơi điện tử. Nhìn cảnh các bậc phụ huynh ngày nay cứ để cho con mình ôm lấy chiếc iPad hay smartphone mà xem phim hoặc chơi game online, tôi thực sự rất quan ngại về cách nuôi dạy con của họ. Để mặc cho con mình với cái máy để mình rảnh tay làm việc khác mà không quan tâm tới nó sử dụng máy để làm gì và sử dụng bao lâu để rồi sau này đổ tội cho con mình rằng nghiện game online liệu có công bằng cho đứa trẻ.

Rồi thì chuyện nhà tôi có đầu máy video cũng không còn là bí mật gì ghê gớm và vì chỉ một thời gian ngắn sau, hầu như nhà nào cũng sắm cho mình một cái đầu máy để xem phim giải trí. Các cửa hàng kinh doanh băng từ cũng bắt đầu mọc lên như nấm ở khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Sài Gòn. Việc sở hữu đầu máy video và thuê băng về xem trở thành chuyện hiển nhiên “thường ngày ở huyện” nên chẳng có ai dư hơi tọc mạch rình mò nhà hàng xóm có thuê băng video hay không để báo công an phường. Nhà nội tôi sau đó cũng cho một dịch vụ video thuê mặt bằng để kinh doanh và đến khi tôi lên lớp 6 thì mẹ tôi cũng tự mở một cửa hàng thuê băng video trên đường Cô Bắc, Phú Nhuận để kiếm sống. Những cuốn băng video và những chiếc đầu máy trở thành một phần của cuộc sống thời niên thiếu của tôi. Nhưng câu chuyện về chiếc đầu máy Funai đầu tiên mà ba tôi mua vẫn là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất mà cả đời tôi không bao giờ có thể quên được. 

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm