Share on facebook

Chương 1: Xin đừng gọi những người trẻ là ” thế hệ vô tâm”

Có thể bạn quan tâm

I. Thế hệ trẻ Việt Nam có thực sự “vô tâm”?

Có nhận xét cho rằng đại đa số người Việt hiện đại, trong đó có nhiều bạn trẻ sống vô tâm với những gì đang diễn từng ngày ra trên đất nước mình. Các bạn trẻ ngày nay dường như rất thờ ơ không hề quan tâm đến những vấn đề nổi cộm của xã hội như những thảm họa môi trường, những tiêu cực trong giáo dục, những vấn đề về chủ quyền biển đảo… hoặc ngay cả đối với những vấn đề quan trọng của bản thân mình như học tập, nghiên cứu, cống hiến… mà chỉ tập trung vào những chuyện ăn đâu, chơi gì, tuần này shopping nơi nào, chụp hình selfie sống ảo ở đâu hoặc quan tâm tới những diễn viên phim thần tượng Trung-Hàn. Nhiều người còn tặc lưỡi nửa như trách móc, nửa thông cảm rằng “bọn trẻ bây giờ sướng hơn chúng ta thời trước rất nhiều nên chúng ngoài việc học và chơi ra chẳng biết lo nghĩ gì cả.”

Tôi cũng đã từng có thời gian bức xúc và trách móc các bạn trẻ về sự thờ ơ vô cảm của họ. Nhưng sau này tôi nhận ra rằng nếu chỉ chỉ trích cho sướng miệng mình thì quả là bất công cho các bạn trẻ ấy. Tôi tự lật ngược vấn đề lại để nhìn nhận một cách khách quan và thấy rằng có ba câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải đáp:

1. Liệu những người đi trước có chỉ dẫn và phân tích cho các bạn trẻ thấy được mình đã đúng hoặc sai chỗ nào hay chưa hay chỉ đơn thuần là trách móc và chỉ trích để chứng tỏ rằng mình biết lo biết nghĩ hơn bọn trẻ?

2. Liệu những người lớn có bao giờ làm gương cho các bạn trẻ noi theo hay chỉ đơn thuần là đòi hỏi các bạn trẻ làm những điều mà chính họ của chưa làm tốt?

3. Liệu những người lớn có đặt ra quá nhiều cấm đoán hoặc từ chối trả lời những câu hỏi tò mò thắc mắc của con em mình khi còn nhỏ và áp đặt các bạn trẻ bằng câu ngụy biện kinh điển: “Học cho giỏi đi, những chuyện này không phải là chuyện của con?” để rồi giờ đây, các bạn trẻ trở nên thờ ơ với những gì xảy ra xung quanh coi như không phải là chuyện của mình?

Đối với những người đã trưởng thành và chín chắn, bắt đầu biết quan tâm tới những vấn đề thế sự, trước khi quay sang trách móc các bạn trẻ quá thờ ơ, tôi mong các anh chị quay lại tuổi hoa niên của mình để nhớ lại rằng, ở lứa tuổi đó, chúng ta cũng như các bạn trẻ bây giờ, cũng quan tâm tới phim ảnh, ca nhạc, đi chơi và yêu đương. Đó là điều hết sức tự nhiên và phù hợp với sự phát triển tâm lý của lứa tuổi đó. Chỉ khi chúng ta ra đời, va chạm với thực tế của sống, hiểu được những vấn đề mặt trái trong xã hội, chúng ta mới bắt đầu quan tâm và lên tiếng. Vì vậy chúng ta, những người đi trước, không có quyền và cũng không có lý do chỉ trích các bạn trẻ và gắn cho họ cái mác “thế hệ vô tâm” nếu điều đó chỉ để chúng ta cảm thấy rằng thế hệ của mình “biết lo, biết nghĩ” hơn thế hệ trẻ. Những nhãn mác như thế chỉ khiến cho khoảng cách giữa hai thế hệ mỗi lúc một xa hơn và khiến cho những hiểu lầm ngộ nhận của hai thế hệ mỗi lúc một lớn. Vì thế, thay vì dùng thái độ người trên kẻ cả để trách móc, chúng ta những người đi trước hãy tập cách thấu hiểu tâm lý các bạn trẻ, công nhận những ưu điểm của họ mà những người ở thế hệ chúng không có (điều này qua một thời gian tiếp xúc với các bạn học viên trẻ, tôi phải công nhận rằng họ có nhiều điều mới mẻ mà chúng ta cần học hỏi) và chia sẻ với họ những kinh nghiệm sống đồng thời học hỏi từ họ những điều hay.

Có một nhược điểm rất lớn mà hầu hết người Việt chúng ta mắc phải, nhất là ở những người ở thế hệ 7x và 8x như tôi, đó là chúng ta có tính ỳ tâm lý khá nặng, nhất là trong việc thay đổi bản thân mình. Chúng ta mong muốn những thế hệ sau phải thay đổi nhưng bản thân chúng ta vẫn còn vô số những thói hư tật xấu nhưng lại luôn bao biện mà không quyết tâm thay đổi để làm gương. Đừng bắt các bạn trẻ làm những gì mà chúng ta không thể làm. Đừng bắt họ thay đổi khi chúng ta chưa chịu thay đổi. Có một giáo sư Mỹ mà tôi từng được học dạy tôi một điều mà tôi nhớ mãi: “Nếu thấy một điều tốt hay có ích, đừng chỉ khen ngợi mà hãy học hỏi làm theo. Nếu thấy điều đó có hại, đừng chỉ chê bai mà phải quyết tâm từ bỏ.” Rõ ràng người Việt mình ra nước ngoài hết khen người Nhật kiên cường, kỷ luật đến khen Singapore sạch sẽ vệ sinh khí hậu trong lành nhưng không bao giờ học theo mà vẫn cứ sống lười biếng ỷ lại và vô ý thức. Trong nước thì luôn miệng chê bai thiên hạ giao thông kém ý thức, gian thương tham lợi nhuận đầu độc người tiêu dùng, đường phố mất vệ sinh, không khí ô nhiễm nhưng tới phiên mình thì chạy ẩu vượt đèn đỏ được thì cứ chạy, leo lề được thì cứ leo, đồ ăn thức uống dù bẩn nhưng rẻ thì vẫn cứ ăn, tiện tay vứt rác ra đường được thì vẫn cứ vứt. Đó là tâm lý nhược tiểu cam phận thấp hèn góp kéo đất nước này đi xuống. Nó giống kiểu thay vì noi gương “con nhà người ta” để phấn đấu nếu không bằng được 10 thì ít ra cũng được 7-8, ta lại cam phận mình chẳng bao giờ bằng được “con nhà người ta” nên cứ đứng từ xa mà tán tụng ngưỡng mộ nó.

Nếu bạn không sống vô cảm trước cái tốt cái xấu, đừng vội mừng vì cảm xúc không chưa đủ mà phải thay đổi bản thân để làm gương bằng hành động cụ thể. Việc dù nhỏ nếu bạn làm chu đáo hôm nay sẽ dẫn tới những thay đổi lớn không ngờ trong tương lai.

II. Mười lời khuyên khiến các bạn trẻ “bớt vô tâm”.

Có một số bạn trẻ gửi inbox cho tôi thể hiện sự băn khoăn rằng các bạn nhận ra một điều là trước giờ các bạn có những suy nghĩ hoặc hành động sai trong cách sống nhưng bây giờ muốn sống tốt và có ý nghĩa mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Điều này không quá khó, chỉ cần bạn đặt cái tâm vào việc mình làm và có sự kiên nhẫn. Đã từ lâu tôi tập cho mình thói quen đã khen ai thì phải noi theo cho bằng được và nếu đã chê hoặc ghét thì quyết tâm từ bỏ. Tôi cũng đem tinh thần này truyền đạt cho các học viên của mình: nếu thấy mình còn thấp kém hãy cố gắng vươn lên, đừng để phải nhắc nhở nhiều lần một lỗi sai nhỏ. Nhiều bạn làm theo và thực sự đã thay đổi rất nhiều. Sau đây mười điều đơn giản và thiết thực các bạn có thể làm để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

1. Tập bỏ dần những thói quen xấu: Chúng ta ai cũng mắc phải những thói quen xấu không ít thì nhiều. Tuy nhiên, khi đã nhận ra những sai lầm của mình thì thay vì ngồi trách móc bản thân nhưng không chịu sửa sai, hãy quyết tâm thay đổi. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy tập bỏ thuốc. Bớt ăn nhậu hoặc tụ họp vô bổ. Trong công việc cố gắng nỗ lực phấn đấu, bỏ tư duy ăn xổi ở thì và khôn lỏi, đi tắt đón đầu. Nếu là bạn bè xấu thì hạn chế giao thiệp hoặc nếu có thể thì đừng giao thiệp. Chúng ta không sửa được bản thân thì sẽ không giúp được cho ai cả.

2. Tập những thói quen tốt: Song song với việc từ bỏ những thói quen xấu là việc hình thành những thói quen tốt. Những gì bản thân mình thấy đúng thì hãy cố gắng tập thành thói quen cho bản thân mình bắt đầu từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Thấy người nào tốt thì cố gắng học hỏi, đừng chỉ ngưỡng mộ suông. Tập sống có trách nhiệm với bản thân và người thân trước khi có thể giúp ích cho xã hội. Tập quan tâm đến cảm xúc của người khác, đừng chỉ nghĩ về bản thân mình.

3. Nâng cao kiến thức và sức khỏe: Muốn tận hưởng được cuộc sống một cách có ý nghĩa và giúp ích cho người khác bạn phải có kiến thức và sức khỏe. Không có kiến thức thì bạn không biết làm gì cho đúng cho tốt vì nhiệt tình cộng ngu dốt sẽ trở thành phá hoại. Còn sức khoẻ yếu bệnh tật đầy thân thì có muốn làm gì cũng không có sức để làm. Hơn nữa cơ thể suy nhược yếu đuối thì đầu óc chắc chắn cũng sẽ không minh mẫn sáng suốt. Hãy dành thời gian để đọc sách học hỏi và tập thể dục. Đừng bao giờ lấy cớ là quá bận để xao nhãng hai việc quan trọng này.

4. Nghiêm khắc với bản thân mình: Để làm được ba điều nói trên, bạn phải cực kỳ nghiêm khắc với bản thân mình vì những điều nói trên rất cần kỷ luật. Có thể lúc đầu khi bắt tay vào làm, bạn sẽ cảm thấy rất hào hứng và quyết tâm nhưng sau vài lần trở ngại khó khăn thì bạn sẽ nản lòng lần lữa trì hoãn rồi nhanh chóng lại trở về những thói quen cũ. Hãy đặt ra những kế hoạch vừa sức của mình và nghiêm khắc thực hiện chúng một cách bền bỉ lâu dài. Đừng làm tùy hứng.

5. Quan tâm đến những diễn biến xã hội: Hãy dẹp sang một bên những bộ phim truyền hình nhiều tập khóc lóc sướt mướt, những tin tức scandal giật chồng giật vợ khoe xe hơi nhà lầu hay những chương trình game show hài vô bổ mà tìm hiểu về tình hình xã hội hiện tại như thế nào. Những drama trên màn ảnh là giả, những bất hạnh trong cuộc sống hàng ngày mới là thật. Đừng tìm cách trốn tránh mà hãy nhìn thẳng vào sự thật và đặt cho mình câu hỏi : Tôi phải làm gì để xã hội chúng ta đang sống trở nên tốt đẹp hơn? Khi bạn chịu suy nghĩ, bạn sẽ tìm được câu trả lời.

6. Đừng bỏ qua những việc tốt nhỏ nhặt: Nếu đã xác định đó là một hành động tốt thì nên thực hiện mà đừng do dự. Đừng nghĩ rằng việc này nhỏ quá, có làm hay không cũng không thay đổi được gì. Đã là việc tốt thì dù lớn dù nhỏ thì đều có những ảnh hưởng tích cực nhất định. Hơn nữa nếu việc nhỏ mà bạn không làm thì làm sao bạn có thể làm được việc lớn. Tất cả những nhỏ nhặt như share những thông tin bổ ích cho mọi người biết trên mạng xã hội, tham gia ký tên vào đơn thỉnh nguyện bảo vệ môi trường cho tới lập một thư viện nhỏ chia sẻ sách báo, làm từ thiện, dạy học cho trẻ em nghèo…đều hữu ích và khiến cuộc sống này tốt đẹp hơn. Cứ làm những việc tốt trong khả năng của mình nhưng hãy làm bền bỉ lâu dài và hãy đặt hết trách nhiệm vào công việc mình làm. Đừng làm theo hứng hoặc theo phong trào.

7. Đừng quá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì: Khi bạn làm điều tốt, sẽ có rất nhiều kẻ không giúp đỡ mà còn khích bác nói ra nói vào, bảo bạn rảnh quá lo chuyện bao đồng, hoặc nói bạn muốn chơi nổi hơn người. Cũng sẽ có người ca ngợi bạn theo kiểu bạn là tiên là phật là anh hùng cứu thế khiến bạn nghĩ mình ghê gớm lắm. Đừng quan tâm tới những điều tiếng khen chê mà cứ làm tốt việc cần làm. Kẻ chê mình nhưng không đóng góp cho mình tốt hơn là những kẻ ganh tị. Còn những kẻ tâng bốc mình quá đáng là những kẻ muốn lợi dụng mình. Đừng bị họ chi phối.

8. Đừng đặt nặng cái tôi hoặc lợi ích cá nhân: Một người sống hạnh phúc là một người biết cho đi nhiều hơn nhận về. Nếu bạn muốn làm điều tốt thực sự thì hãy làm bằng cái tâm. Đừng vì lợi ích riêng tư hay vì cái danh hão mà làm vì danh lợi sẽ làm mất đi ý nghĩa của điều tốt bạn làm. Đã giúp người thì đừng mong người ta mang ơn hay báo đáp. Cũng đừng lấy danh nghĩa làm chuyện tốt để lừa gạt hoặc lợi dụng người khác. Một cái cây phải trồng mất nhiều năm và mất nhiều công chăm bón thì mới có thể kết được quả ngọt. Việc tốt cũng vậy, phải mất nhiều thời gian và công sức thì mới có kết quả. Đừng vì những lợi ích tức thời mà từ bỏ những việc đúng đắn cần làm.

9. Giữ một thái độ sống lạc quan và tích cực: Đừng ôm trong lòng quá nhiều suy nghĩ tiêu cực hoặc bi quan. Nhiều người thích suốt ngày than vãn về cái xấu nhưng lại không chịu bắt tay vào làm điều tốt. Tương tự, nhiều người lúc nào cũng trách móc nhân tình thế thái rồi tự chui vào trong cái vỏ ốc của riêng mình nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt đầy hoài nghi và thù hận mà không chịu mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp. Thái độ sống lạc quan và tích cực tạo cho bạn một nguồn năng lượng tốt và bạn sẽ được những người tích cực khác đón nhận.

10. Khuyến khích mọi người xung quanh thay đổi tích cực: Nếu bạn đã làm được điều tốt và tìm được ý nghĩa cuộc sống, hãy kết nối và khuyến khích bạn bè người thân cùng làm để cái tốt có cơ hội lan tỏa đến càng nhiều người càng tốt. Thay đổi bản thân mình đã là khó, thay đổi những người thân của mình càng khó hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không thể nhắc nhở để thay đổi những người xung quanh mình vì cái tốt từ từ lan tỏa dần dần từ người này sang người khác.

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm