Share on facebook

Chương 12: Nhớ mùa crawfish.

Có thể bạn quan tâm

Ở Việt Nam khoảng mấy năm gần đây có một số nhà hàng hải sản bán tôm hùm baby hoặc tôm hùm đất với giá khá đắt nhưng vẫn có nhiều người ăn thử vì thấy lạ. Có lần tôi cũng tò mò dẫn vợ đi ăn thử thì mới biết hóa ra “tôm hùm baby” chính là món crawfish rất phổ biến ở Louisiana. Đây là một trong những món “đặc sản” đầu tiên mà tôi được thưởng thức những ngày mới đặt chân tới New Orleans. Cứ mỗi khi đến mùa crawfish, thường là thời gian chuyển tiếp từ mùa xuân sang mùa hè khi khí hậu bắt đầu nóng dần lên là crawfish lại xuất hiện rất nhiều ở các sông hồ kênh rạch xứ Louisiana và dĩ nhiên là trên…bàn ăn của người dân ở đây. Vì vậy, món này khi vào mùa thì giá lại rất rẻ chứ không đắt đỏ gì.

Mặc dù có chữ “fish” trong tên nhưng crawfish không phải là cá mà là tôm với vẻ bề ngoài nhìn chẳng khác con tôm hùm là mấy, chỉ có điều kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân người lớn nhưng cực kì hiếu chiến. Khi gặp nguy hiểm, thay vì bỏ chạy, crawfish lại giơ đôi càng nhỏ xíu ra thách thức và sẵn sàng nghênh chiến với đối thủ mà bất chấp hậu quả. Khác với tôm hùm sống ở các vùng biển lạnh, crawfish sống ở sông ngòi nước ngọt khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Trong tự nhiên, crawfish là loài sống dai, ăn tạp, sinh đẻ nhanh và có sức tàn phá kinh khủng nên ngoài việc bắt để chế biến món ăn, crawfish có thể nói là gây hại nhiều hơn cho môi trường sống.

Ở Mỹ, crawfish có ở nhiều tiểu bang với nhiều tên gọi khác nhau như crayfish, crawdaddy hay freshwater lobster, nhưng chỉ có Louisiana crawfish mới nhiều và ngon nhất. Hằng năm Louisiana cung cấp từ 70-80% lượng crawfish cho thế giới và hơn 90% lượng crawfish trên toàn nước Mỹ. Chính vì vậy, cùng với loài cá sấu nước ngọt alligator, crawfish là biểu tượng của vùng sông nước Louisiana. Còn nói về ẩm thực thì từ lâu, crawfish vinh dự là một trong những đặc sản của văn hóa Creole-Cajun (Creole là người da đen ở New Orleans, còn Cajun là người da trắng gốc Pháp).

Crawfish tuy nhiều nhưng không phải lúc nào cũng có. Vào mùa đông muốn tìm một mống cũng chẳng đào ra nhưng đến độ xuân chuyển sang hè thì không biết bọn này ở đâu ra mà xuất hiện nhiều vô kể, đến mức các vựa hải sản ở Louisiana không bán crawfish theo pound mà bán theo ….bao tải từ 20 pounds (khoảng 10 kg), cho đến 30-40 pounds/bao, toàn là tôm sống lúc nhúc. Loài crawfish này cực kì dai sức, có thể sống trên cạn hàng tuần cũng chẳng sao, chính vì vậy người bán cứ tống chúng vào bao tải mà bán. Ở Louisiana, crawfish là món ăn phổ biến đến mức bất cứ nhà hàng buffet nào dù là Ý hay là Tàu đều có món crawfish luộc cho thực khách ăn thoải mái. Ngoài ra, loài tôm này còn được chế biến thành nhiều món ăn khác như súp giả tôm hùm (crawfish bisque), món hầm etoufee theo kiểu Cajun, đến món bánh crawfish pie trứ danh được nhắc đến trong ca khúc dân ca nổi tiếng Jambalaya của Hanks William Jr. Nhưng cách chế biến phổ biến nhất và ít cầu kỳ nhất là cách mang cả bao tải luộc ăn trong những bữa crawfish party của dân địa phương. Đến mùa crawfish, người dân ở New Orleans lại đến các vựa hải sản để mua từng bao tải lớn về để luộc ăn và mời bạn bè hàng xóm qua cùng nhau lai rai như một phong tục địa phương.

Dân Louisiana được thiên nhiên phú cho mảnh đất nhiều kênh rạch sông hồ với tài nguyên sản vật trù phú nên họ rất rộng rãi trong chuyện ăn uống. Vào mùa crawfish, các gia đình có sân vườn rộng hay tổ chức crawfish party và mời bạn bè hàng xóm đến chơi và thưởng thức món crawfish cây nhà lá vườn. Mỗi người tham gia đóng khoảng 4-5 đô cho có lệ (mà không đóng đồng nào cũng chẳng sao) hoặc mang đến vài két bia, cho mượn cái nồi áp suất to là có thể tụ tập lại một buổi chiều cuối tuần nào đó làm một bữa crawfish party ngon lành. Từng bao tải crawfish sau khi được rửa sạch bùn đất sẽ được cho vào một cái nồi áp suất to để ngoài vườn bên trong chứa đầy nước ớt bột cay cay và cứ thế mà luộc lên ăn.

Để chắc bụng, người ta cho vào luộc chung bắp nguyên trái đã lột vỏ, xúc xích nguyên cây và khoai tây để nguyên vỏ. Crawfish còn sống thì màu đỏ thẫm, khi luộc chín rồi chuyển sang đỏ tươi rất bắt mắt. Cứ thế mà gia chủ dùng xẻng để xúc từng xẻng crawfish để lên bàn còn khách thì cứ bốc ăn thỏa thích trong lúc còn nóng. Màu đỏ tươi của crawfish bên cạnh màu vàng của bắp, màu nâu hồng của vỏ khoai tây và xúc xích quyện vào mùi nước ớt cay nồng bốc lên thật kích thích thị giác, khứu giác và cả vị giác. Những chiều hè Louisiana mặt trời vẫn chói chang đến 8-9 giờ tối thì việc vừa ăn crawfish chấm sốt mayonnaise trộn tương ớt vừa uống bia lạnh vừa tán gẫu thì còn gì bằng. Của đáng tội, cả con crawfish nhìn đẹp vậy thôi chứ thịt thà chẳng có được bao nhiêu. Ngoài tí thịt phần đuôi cỡ bằng ngón tay em bé, còn lại từ cái đầu to tướng đến lớp vỏ cứng bên ngoài đều chẳng sơ múi được gì. Nếu có thòm thèm thì cố vớt vát hút tí gạch dính ở đầu cho beo béo, thế thôi. Cho nên, mỗi người ăn đến 2-3 kg crawfish mà vẫn chưa no là chuyện bình thường. Vui là chính mà!

Trường Nicholls State University nơi tôi học cũng tổ chức crawfish party như thế ở sân vận động của trường. Năm nào crawfish ít thì học sinh đóng tiền nếu muốn lấy coupon đi ăn, năm nào crawfish nhiều quá thì miễn phí luôn. Cũng là kiểu crawfish luộc cả bao tải với bắp, xúc xích và khoai tây trong nước sốt ớt cay truyền thống. Ai có coupon thì vào sân vận động của trường sau khi học xong, lấy cái đĩa giấy và một cái ly giấy để đựng nước ngọt hoặc bia tự đi mà lấy ăn bao nhiêu tùy thích. Ăn xong vỏ đổ vào những thùng rác to đặt khắp sân. Ăn tại chỗ bao nhiêu cũng được nhưng không được mang về.

Trở lại những quán crawfish ở Sài Gòn. Giá crawfish khá đắt gần 500 ngàn/kg (tính ra gấp 20 lần ở Louisiana). Theo tôi được biết, crawfish ở Việt Nam thường nhập về từ các trại nuôi ở Trung Quốc nên chất lượng thịt không ngon bằng crawfish thiên nhiên ở Louisiana. Cách ăn chủ yếu vẫn là luộc lên trong nước sốt. Có ba kiểu sốt: cay, không cay và Cajun. Tôi gọi nửa kg sốt Cajun và không quên giới thiệu với vợ đây là món đặc sản Louisiana của tôi ngày nào. Đợi khoảng 20 phút, cô bé phục vụ mang ra cho mỗi người một đôi bao tay bằng nilon để bốc ăn không dơ tay và một cái tạp dề bằng nilon quấn quanh cổ. Món crawfish được nấu trong một bao nilon (vâng, lại là nilon) dày, có in logo của quán trong một thứ sốt màu gạch cua thơm nồng mùi bơ tỏi. Cái duy nhất gần với lại phong cách cajun ngày xưa tôi đã từng ăn là bắp, khoai tây và xúc xích. Nhưng thay vì nguyên trái bắp, nguyên củ khoai tây và nguyên cây xúc xích thì quán lại tiết kiệm theo kiểu ăn lấy thảo bằng cách cho vào bao vài lát xúc xích, một củ khoai cắt làm tư và một phần ba trái bắp cho có lệ. (Lạy trời, những thứ ấy có đắt đỏ gì cho cam mà lại “tiết kiệm” đến thế!) Crawfish không được tươi (dĩ nhiên rồi) nên mùi vị không bằng những con tôm còn nhảy tanh tách bị quẳng cả bao vào nồi luộc, nước sốt thì không có mùi ớt bột đặc trưng của vùng Louisiana nên không có cảm giác đúng điệu Cajun nhưng bù lại rất béo và thơm theo kiểu khác. Thôi thì coi như là ăn lấy hương lấy hoa để mà hoài niệm,có đắt tí cũng đáng. Tuy nhiên nếu có thèm thì cũng lâu lâu mới đi một lần thôi chứ với giá cả như thế có muốn ăn thường xuyên cũng không thể.

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm