Ngày xưa khi còn đi học, tôi rất thích đọc sách về thiên nhiên hay động vật hoang dã như “Hương Rừng Cà Mau” của Sơn Nam hay “Đất Rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi. Những câu chuyện nửa thực nửa hư qua giọng văn chân chất hào sảng đậm chất Nam Bộ về các loài chim thú khiến tôi rất muốn một lần đến thăm mảnh đất U Minh, Cà Mau để tận mắt chứng kiến cảnh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp kêu” hay đến thăm những rừng tràm với đủ loại rắn rùa chim cá. Vậy mà trước khi được dịp đến Cà Mau, tôi đã được đến viếng thăm “đất rừng phương Nam” của Mỹ trên đất Louisiana trước. Là một bang nằm ở cực nam của nước Mỹ với hình dạng như một chiếc giày ống, Louisiana được cư dân ở đây gọi một cách trìu mến là “vùng đất của những con kênh” (bayou country) vì quả thật, cả bang Louisiana rộng lớn, đi đâu cũng thấy kênh rạch chằng chịt khiến cho mùa hè của vùng đất này cũng nóng và mưa nhiều không kém Việt Nam.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Louisiana một hệ động thực vật rất phong phú. Nhưng quan trọng hơn là con người ở đây cũng có một ý thức bảo vệ thiên nhiên thật tuyệt vời. Con người và thiên nhiên ở đây gần như sống hòa quyện với nhau và tôn trọng nhau. Tôi đã từng vừa chạy xe dọc những con kênh dài tít tắp vừa quan sát những con cá sấu lười biếng bơi chậm chạp dọc theo bờ kênh. Bơi chán, chúng lại bò lên bờ, tìm một bãi đất trống nào đó nằm phơi nắng như những khúc gỗ mục. Cá sấu ở Louisiana thuộc loài cá sấu nước ngọt Bắc Mỹ (alligator) khá nhỏ con và đằm tính hơn bà con của chúng là crocodile nhiều. Với chiếc mõm rộng hình chữ U chứ không nhọn hình chữ V như loài crocodile và lớp da đen bóng, những con alligator dài nhất cũng chưa tới 3m, khá hiền lành hầu như không bao giờ tấn công người trừ khi bị chọc phá. Có lần tôi đến gần như sát bên một con cá sấu để chụp ảnh mà con vật cũng chẳng thèm cử động gì cả. Cư vậy mà những con cá sấu đầm lấy sống khá hòa thuận bên cạnh con người. Ở Louisiana hơn 6 năm, tôi chưa hề nghe bất cứ câu chuyện nào về cá sấu tấn công người hoặc thấy cảnh người dân ở đây bắt cá sấu về ăn thịt hay ném đá chọc phá hoặc xua đuổi chúng. Cô tôi kể có mùa đông năm đó trời lạnh quá có con cá sấu to không biết bằng cách nào chui vào nằm bên cục nóng của kho lạnh chứa hàng ở nhà hàng Chinese Chef của cô để sưởi ấm khiến mọi người được một phen hoảng vía và phải nhờ lính cứu hỏa đến xử lý mang con cá sấu đi.
Bên cạnh cá sấu, rùa ở các đầm lầy cũng nhiều vô số kể, phần lớn là rùa tai đỏ (red-eared slider) và rùa xạ (musk turtle). Những hôm trời nắng đẹp, hàng chục con rùa từ to như bánh xe hơi cho đến nhỏ bằng bài tay trẻ em leo lên những khúc gỗ nổi trôi trên mặt đầm phơi nắng, chồng cả lên nhau. Tính tôi vốn thích nuôi bò sát, hồi ở Việt Nam đã nuôi một cặp rùa tai đỏ làm cảnh, nên nhiều lần tôi rình ở con kênh gần nhà để bắt một con be bé về nuôi. Nhưng bọn rùa rất nhanh, chỉ cần nghe người đến là tất cả chớp mắt một phát lặn hết xuống nước. Những người đã từng thực sự quan sát một con rùa mới hiểu được rằng câu “chậm như rùa” là một quan niệm vô cùng sai lầm, ít nhất là đối với rùa nước. Một lần biết được ý định của tôi, một cậu bạn người Mỹ đã cảnh báo rằng nếu ai thấy tôi bắt rùa với bất cứ mục đích gì mà báo với cảnh sát thì tôi sẽ gặp rắc rối to. Ở Mỹ, luật pháp nghiêm cấm săn bắt các loài động vật hoang dã về làm vật nuôi vì sợ nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người và cũng tránh tình trạng động vật hoang dã bị săn bắt cạn kiệt để phục vụ thú chơi động vật lạ. Vì thế cho rùa hoang dã nhiều như …muỗi, muốn nuôi chơi làm cảnh, bạn vẫn phải ra các cửa hàng thú cưng để mua chứ không được tùy tiện bắt.
Lúc ở Thibodaux, chiều chiều tôi hay đi ra một hồ chứa nước nhân tạo (water reservoir) ở gần nhà để đi bộ tập thể dục. Hồ nước này được đào trên một ngọn đồi nhân tạo nho nhỏ nằm ngay trung tâm thị trấn trên đường xe chạy, nên nếu chỉ đi qua trên đường thì khó biết được rằng giữa lòng đồi là một hồ nước. Xung quanh hồ, người ta làm một con đường nhựa dành cho người đi bộ và những cái đình hóng gió (pavillion) bằng gỗ khá đẹp. Chu vi phần đường đi quanh hồ không lớn lắm, cứ đi hết bốn vòng hồ như vậy là 1 mile (1,6 km). Mùa hè thì đây là nơi mát nhất cả thị trấn Thibodaux vì vừa có nước, vừa có cây cỏ nên có khá nhiều người ra đi dạo nhất là vào buổi chiều. Còn mùa đông thì đây là nơi dừng chân tạm thời của rất nhiều loài chim, nhất là các loài cò và vạc trên đường bay về phương nam để trú đông. Có những hôm bọn cò đậu trắng cả những cành cây hai bên hồ. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là cả bầy hàng trăm con cùng nhau vỗ cánh bay lên tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Kế đến là vịt trời, ngỗng, le le,cò thìa và cả chim sâm cầm. Nhờ nơi này mà tôi mới biết được hình hài con chim “sâm cầm hồ Tây” ra như thế nào. Đó là một loài chim nước họ vịt kích cỡ lớn hơn con gà nước có bộ lông đen tuyền và cái mỏ trắng nổi bật. Thật mỉa mai khi để tận mắt thấy loài chim sâm cầm “huyền thoại hồ Tây” đi vào ca dao tục ngữ tôi phải sang đến Mỹ còn trong khi ở Việt Nam, loài chim này lại gần như hoàn toàn tuyệt chủng vì hai chữ “đặc sản”.
Trong tất cả các loài chim đến trú đông ở đó, đẹp nhất phải kể đến loài cò thìa đỏ (red spoonbill). Lần đầu tiên thấy loài chim này săn cá lẫn với các loài cò vạc khác tại hồ, tôi cứ tưởng đó là hồng hạc (flamingo) vì bộ lông màu hồng cánh sen rực rỡ rất đẹp. Điểm khác biệt của cò thìa mỏ đỏ và hồng hạc là cò thìa có cái mỏ dẹp và rộng như cái muỗng (thìa) còn hồng hạc thì có mỏ khoằm. Một loài chim nước nữa cũng có màu lông đỏ rực rất đẹp thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong hồ là loài cò quăm đỏ với kích thước nhỏ hơn cò thìa. Tuy nhiên loài này ít khi về với hồ nước ở Thibodaux. Mỗi năm chúng chỉ xuất hiện khoảng 1 đến 2 ngày rồi bay đi mất. Nếu để lỡ cơ hội chúng trở lại thì phải mất cả năm sau mới được gặp lại chúng. Chim về nhiều là thế, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ai ra đó bắn chim hoặc dùng lưới bẫy chim kiểu tận diệt chim trời cá nước làm mồi nhậu như ở Việt Nam ta. Thậm chí ở những nơi có tổ chim có trứng hoặc chim non vừa nở, người ta còn dùng lưới rào lại để tránh mèo hoang hay những con gấu mèo Bắc Mỹ đến bắt và cắm biển báo để trẻ con đừng vào phá.
Để khám phá được hết vẻ đẹp của thiên nhiên Louisiana, du khách thường tham gia tour tham quan đầm lầy “Swamp Tour” chỉ cách trung tâm thành phố New Orleans khoảng độ 1 giờ xe chạy. Đây cũng là một trong những tour du lịch thuộc dạng “độc lạ” khi đến du lịch ở New Orleans bên cạnh tour tham quan phố cổ French Quarters và tour xem ma mà tôi đã đề cập ở những chương trước. Vốn là người yêu thiên nhiên và động vật, khi đến New Orleans, tôi rất muốn tham gia tour này một lần để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng đầm lầy nơi đây nhưng khổ nỗi những bạn bè mà tôi quen biết, một là đều đã đi tour này rồi hoặc là không hứng thú lắm với việc đi vào đầm lầy xem cá sấu nên mãi mà tôi không rủ được ai cả. Giá đi tour đầm lầy năm 2005 nếu tôi nhớ không lầm là 20 dollar/người, còn nếu đi theo nhóm thì giá rẻ hơn một chút. Sau nhiều lần rủ rê bạn bè thất bại, cuối cùng tôi đã quyết định tự mua tour đi một mình trước khi tốt nghiệp về Việt Nam vì chẳng lẽ mang tiếng ở Louisiana từng ấy năm rồi mà còn chưa biết swamp tour là gì thì thật là “chưa đã cái nư” chút nào.
Ngồi trên chiếc xà lan nhỏ gắn động cơ chạy dọc theo con kênh hai bên bờ là những cây cổ thụ rễ đung đưa sát mặt nước, tôi như lạc vào một thế giới khác, một thế giới của hệ sinh thái nguyên sinh hoang sơ và kỳ bí được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đó là một thế giới các loài vật được sống yên bình không có sự quấy nhiễu của loài người mặc dù nó chỉ cách thành phố không xa lắm. Người lái xà lan kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch là một ông già người địa phương độ sáu mươi, dáng phương phi, mặt mũi hồng hào mặc dù râu tóc đã bạc trắng. Bằng chất giọng Cajun đặc sệt, ông bắt đầu kể cho du khách nghe những câu chuyện về từng cây cổ thụ, từng đàn cá da trơn (catfish) khổng lồ ở khu đầm lầy này. Đến một nhánh sông, ông bắt đầu cho dừng xà lan và lôi ra một xô đầu gà, cánh gà sống. “Tới giờ cho các con của tôi ăn rồi!” ông nháy mắt tinh nghịch rồi ném những miếng thịt gà xuống đầm lầy. Gần như lập tức, bốn năm con cá sấu nằm phơi nắng trên bờ trườn xuống nước và bơi đến bên xà lan để giành ăn. Ông già ném thêm vài miếng gà nữa, lại thêm vài con sấu nhập bọn. Những con nằm há mõm phơi nắng trên bờ như khúc gỗ mục cũng bắt đầu quẫy đuôi trườn xuống. Du khách hiếu kỳ cũng xin ném gà xuống cho cá sấu ăn. Ăn hết xô gà, lũ cá sấu lừ lừ bơi đi, hiền lành một khó tin.
Xà lan lại tiếp tục trôi lững lờ trên đầm lầy qua những bầy cò bầy diệc đậu oằn những cành đước. Dường như đã quen với ông già và chiếc xà lan chở đầy du khách, lũ chim vẫn hờ hững săn cá, không thèm quan tâm đến chúng tôi. Đám rùa tai đỏ và rùa bụng vàng với những chiếc mai sứt sẹo bám đầy rêu cũng nằm yên bình phơi nắng trên những cây gỗ nổi trên mặt nước một cách vô tư lự. Thỉnh thoảng lại có một tiếng “ùm” thật lớn vang lên, phá vỡ sự yên tĩnh của đầm lầy. Ông già hướng dẫn viên nói có thể đó là tiếng của một con ca da trơn nào đó quẫy nước hoặc của loài chuột hải ly (nutria) rượt đuổi nhau. Đám chuột hải ly nhìn như con chuột cống khổng lồ bơi rất giỏi và cũng có tập tính xây đập như hải ly ở các đầm lầy rất nhiều nhưng khá nhát người nên hiếm khi có thể thấy chúng.
Cuộc hành trình trên đầm lầy kéo dài khoảng 1 tiếng. Trước khi quay xà lan để đưa chúng tôi ra khỏi miền hoang sơ cổ tích để trở về với thế giới văn minh, ông già Cajun đổi giọng nghiêm trọng: “Thưa quý vị, chúng ta sắp sửa được tận mắt trông thấy ngôi sao của vùng đầm lầy này, niềm tự hào của xứ sở bayou và là biểu tượng của nước Mỹ, loài đại bàng đầu hói huyền thoại!” Nhìn theo hướng tay ông chỉ, chúng tôi thấy một tổ chim trên đỉnh của một ngọn cây cô độc giữa đầm lầy, bên trong có hai chú chim non. Khi tôi còn bán tín bán nghi không biết có thật đó là đại bàng đầu hói trên quốc huy nước Mỹ không thì có tiếng một du khách reo lên: “Nhìn kìa, chim mẹ đang về tổ.” Con chim nhỏ hơn tưởng tượng của tôi, chỉ bằng kích cỡ một con chim cú thông thường nhưng cái đầu phủ toàn lông trắng và cái mỏ vàng tươi thì đúng là không lẫn vào đâu được. Mỏ nó ngậm một con cá. Tôi định rút máy ảnh ra chụp nhưng khoảng cách khá xa không nhìn thấy rõ. Một số du khách khác yêu cầu ông già lái xà lan gần tổ chim một tí nhưng ông lắc đầu từ chối, bảo rằng phải tôn trọng lãnh địa của đại bàng rồi từ từ cho xà lan quay đầu. Mặc dù tiếc là không được đến gần một tí nữa để ngắm cho mãn nhãn loài chim huyền thoại này, tôi vẫn cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả khi được tận mắt ngắm đại bàng đầu hói ngay trong môi trường thiên nhiên chứ không phải trong vườn thú.