Những người chưa từng đến Mỹ không phải ai cũng biết tới tiểu bang Louisiana vì đây chỉ là một bang nông nghiệp nằm ở cực nam nước Mỹ với kinh tế thuộc hàng thấp nhất. Nhưng thành phố New Orleans lại luôn nằm trong top 10 những thành phố nổi tiếng và thú vị nhất của Mỹ, vượt xa thủ phủ Baton Rouge của Louisiana vì nhiều lý do. Đó là nơi giao thoa của văn hóa Pháp, Tây Ban Nha, Anh và châu Phi để tạo nên một nền văn hóa rất riêng- văn hóa Cajun-Creole với thiên nhiên tươi đẹp, di sản âm nhạc phong phú, ẩm thực đặc sắc và những câu chuyện tâm linh huyền bí. Để có thể khám phá và tận hưởng những đặc trưng văn hóa của New Orleans, không có địa điểm nào tuyệt vời hơn là Canal Boulevard, đại lộ chính cắt ngang con đường ăn chơi nổi tiếng nhất của thành phố, Bourbon Street. Và nếu bạn đến với Canal Boulevard hoặc Bourbon Street vào tháng ba, mùa lễ hội Mardi Gras, thì bạn có thể tự hào mà nói rằng tôi thực sự đã đến New Orleans.
Từng là thuộc địa của Pháp, New Orleans có một cái gì đó rất giống Sài Gòn, nhất là khu French Quarters, nơi hấp dẫn rất nhiều du khách đến tham quan, nằm ở cuối đại lộ Canal. Lần đầu tiên đi bộ dọc theo đại lộ này, tôi có cảm giác mình đang đi trên đại lộ Nguyễn Huệ vì quả thực, có một sự giống nhau đến kì lạ giữa hai con đường này. Cả hai đều là trục đường chính của trung tâm thành phố với hai bên đường là những ngôi nhà mang kiến trúc của Pháp và những cửa hàng bán đồ lưu niệm còn cuối đường đều là một bến cảng. Nếu như đại lộ Nguyễn Huệ dẫn ra bến Bạch Đằng lộng gió thì đại lộ Canal đâm thẳng ra bến cảng sông Mississippi, nơi du khách có thể ngồi phà đi qua bên kia của thành phố hoặc xếp hàng đứng chờ trước tiệm Café du Monde sang chảnh để được thưởng thức món bánh beignet trứ danh cùng ly cà phê đen nóng kiểu Pháp hoặc ghé vào thủy cung lớn ở đó để ngắm các loài sinh vật biển. Điểm khác biệt giữa hai đại lộ này là những chiếc xe máy ở Sài Gòn và những chiếc streetcar, xe điện chạy trên đường ray, chở du khách đi tham quan khu French Quarters. Cùng được xây ở một thời điểm, nhưng những khu phố cổ mang phong cách kiến trúc Pháp trên đại lộ Canal được bảo tồn rất tốt chứ không bị đập bỏ để xây mới như ở Việt Nam hoặc bảo tồn một cách nửa vời.
Nếu tiếp tục đi về phía tay trái của bến cảng Mississippi, bạn sẽ nhanh chóng bắt gặp mình trong khu phố cổ theo kiến trúc Pháp với tất cả nhà cửa, quảng trường, công viên, cột đèn và cả nghĩa trang đều xây dựng theo phong cách gothic và thuộc địa Pháp thế kỷ thứ 18-19. Đây là khu phố dành riêng cho người đi bộ nên du khách có thể thoải mái dạo chơi khám phá và chụp hình lưu niệm mà không sợ cản trở giao thông hoặc bị xe cộ va quẹt. Nếu không có ánh đèn màu nhấp nháy phát ra từ các cửa hàng trên phố hoặc tiếng nhạc xập xình đâu đó, người ta rất có thể lầm tưởng mình đang ở thế kỷ 19 vì tất cả đều được bảo quản đúng như nguyên trạng một cách hết sức tuyệt vời. Phương tiện giao thông được cho phép ở đây là những toa xe điện chạy trên những tuyến đường ray nhất định, loại tàu điện đã từng là một trong những biểu tượng của Hà Nội xưa chạy quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, và những chiếc xe do la kéo. Trước giờ tôi vẫn nghĩ rằng bọn la chỉ lớn hơn lừa một tí nhưng tới khi đến New Orleans, tôi mới biết mình lầm to. Những con la ở đây rất to, cao hơn cả những con ngựa đua ở Việt Nam. Một người cao gần 1.8 như tôi chỉ đứng tới mắt của chúng mà thôi. Chúng có thân hình cao to của loài ngựa và đôi tai dài đặc trưng của loài lừa. Sự kết hợp giữa bố lừa và mẹ ngựa còn khiến cho lũ la có được sức bền dẻo dai của lừa nhưng không lại dễ tính và thân thiện như ngựa chứ không lì lợm kiểu “thân lừa ưa nặng”. Cảnh sát giao thông khu vực này cũng cưỡi la đi tuần phố chứ không đi xe như ở những nơi khác.
Buổi sáng, khu French Quarters và Canal Boulevard tương đối im ắng và buồn tẻ nhưng từ khoảng 3 giờ chiều trở đi, sự sôi động và náo nhiệt bắt đầu lan tỏa dần trên từng góc phố nhất là vào những ngày cuối tuần. Ở những quảng trường, những nhóm nghệ thuật đường phố bắt đầu biểu diễn với đủ thể loại khác nhau từ dân gian như kéo violon, chơi nhạc zydeco cho đến hiện đại như nhảy popping hoặc hip-hop. Có những nhóm biểu diễn chỉ để khoe tài nhưng phần lớn là biểu diễn để xin tiền. Họ trổ hết tài nghệ có được để làm vui lòng những du khách đứng xem, bên cạnh là một cái lon để đựng tiền lẻ. Ai cho thì cho, không thì thôi, một tràng pháo tay hoặc một ly bia khích lệ cũng đủ làm người biểu diễn vui lòng và cười tươi biểu diễn tiếp. Mặc dù sôi động náo nhiệt như thế, hầu như các nhóm nghệ thuật đường phố này đều rất văn minh và trật tự. Không có tình trạng đánh nhau giành “địa bàn hoạt động” hoặc giành khách giữa các nhóm biểu diễn và cũng không có tình trạng chèo kéo làm phiền khách du lịch. Cách đó không xa là khu vực của những họa sĩ vẽ chân dung lấy liền tại chỗ. Họ vẽ đủ các nhân vật nổi tiếng từ Elvis Presley, Marilyn Monroe, Michael Jackson cho tới 50 Cent và Snoop Dogg cho tới tổng thống Donald Trump với nhiều phong cách khác nhau: truyền thần, sơn dầu, hài hước và thậm chí là manga. Và dĩ nhiên, nếu có thời gian và dư dả về tiền bạc, bạn có thể ngồi xuống để yêu cầu họ vẽ chân dung cho mình với giá giao động từ 25 đến 40 dollars một bức.
Ở quảng trường chính khu French Quarters, có thể bạn sẽ bị những pho tượng thạch cao hoặc bằng đồng dọa cho hết hồn. Những pho tượng cao bằng người thật đang đứng im lìm bỗng trong chớp mắt đã thay đổi tư thế từ lúc nào không biết. Hoặc nếu bạn lỡ ngồi dưới bệ của một pho tượng bất kỳ nào đó để nghỉ chân trong chốc lát, hãy cẩn thận vì chỉ vài giây thôi, pho tượng đó đã kề sát mặt vào mặt bạn mà cười nhăn nhở. Đó là những nghệ sĩ tạo hình bằng cách dùng bột thạch cao hoặc sơn nhũ vàng quét lên người mình rồi đứng im lặng giả làm tượng để tạo bất ngờ cho du khách. Họ hóa trang rất công phu tỉ mỉ và tập luyện để có thể đứng hàng giờ mà không thay đổi tư thế. Và dĩ nhiên nếu bạn muốn chụp hình với những pho tượng này, bạn phải trả tiền cho họ.
Cuối cùng, nếu đã đến French Quarters thì đừng bỏ qua khu chợ trời “flea market” bán đủ thứ từ nông sản cho tới quà lưu niệm handmade và các món đặc sản cajun địa phương. Tuy nhiên, nếu không tinh ý, bạn sẽ rất dễ mua nhầm một món quà gắn mác New Orleans nhưng lại made in China mà nếu vào siêu thị Wal-mart, bạn chỉ tốn khoảng 1/3 số tiền để có được. Riêng tôi, món hàng yêu thích nhất ở khu chợ trời này là những đĩa CD của các nghệ sĩ bán chuyên nghiệp tự sáng tác, thu âm và bày bán. Dĩ nhiên, những đĩa nhạc như thế thì không sợ made in China.