Share on facebook

Chương 6: Là trí thức, xin đừng khôn lỏi (P2)

Có thể bạn quan tâm

III. Một xã hội khôn lỏi sẽ đi về đâu?

Nếu bạn hỏi một người đến từ bất cứ một quốc gia nào và hiện ở tại Việt Nam vì bất cứ lý do gì rằng họ ghét điều gì nhất ở đất nước của chúng ta, câu trả lời bạn nhận được phần lớn sẽ là: “Tôi ghét sự khôn lỏi của người Việt!” Không ghét sao được khi những du khách muốn mua một món quà lưu niệm nhỏ lại bị hét giá gấp ba gấp bốn giá trị thật của nó. Không ghét sao được khi những địa điểm du lịch mà họ đặt chân đến chẳng những giá vé mắc hơn đối với người bản địa mà chất lượng dịch vụ lại quá tệ. Lên taxi không khéo sẽ bị tắt đồng hồ và cho đi đường vòng để đòi thêm tiền. Những người ngoại quốc làm việc lâu năm ở Việt Nam thì cảm thấy khó chịu nhất khi những đồng nghiệp hoặc nhân viên người Việt phần lớn đều làm việc qua loa tắc trách với chất lượng và hiệu quả công việc rất thấp. Khi bị bóc phốt, thay vì thành khẩn nhận lỗi và sửa sai, họ lại tìm đủ mọi cớ để bào chữa cho sai phạm của mình nhưng sau đó lại vẫn chứng nào tật nấy mà không chịu sửa đổi. Đó là chưa kể đến việc đi trễ về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc lấy cắp nguyên vật liệu trong công ty mang về nhà dùng hoặc bán ra bên ngoài. Du học sinh hoặc lao động Việt Nam ra nước ngoài cũng gây ra không ít những vụ tai tiếng đáng xấu hổ từ việc trốn vé tàu điện, săn trộm chim trong công viên đến ăn cắp vặt trong siêu thị. Tôi vừa xấu hổ vừa tức giận mỗi lần đi du lịch ở các nước Châu Á đều thấy những bảng cảnh báo ở các nơi công cộng không được ăn cắp vặt, xả rác hoặc lấy thừa đồ ăn đều ghi bằng tiếng Việt. Chính vì vậy đối với những học viên của tôi nào có ý định du học, sang nước ngoài công tác hoặc chỉ đơn giản là để du lịch mà dùng mẹo để đối phó với việc học, tôi đều rất nghiêm khắc và thẳng tay xử phạt đối với tất cả những hành động khôn lỏi. Tôi không muốn người Việt Nam lại mang tiếng xấu với cách cư xử của mình khi ra nước ngoài. Bạn có thể không giỏi bằng người ta, nhưng ít nhất bạn đừng để người ta khinh thường nhân cách của bạn.

Có thể chúng ta đã quen sống trong một xã hội mà sự khôn lỏi gần như xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống đến mức chúng ta dửng dưng thờ ơ với nó và không còn cảm thấy xấu hổ vì đôi khi chúng ta cũng hành động như thế. Nhẹ thì có thể nói đến việc phóng nhanh vượt ẩu, chạy xe leo lề, cân thiếu nói thách còn nghiêm trọng hơn thì phải kể đến việc bán thực phẩm tẩm hóa chất độc hại gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của cộng đồng. Giới bình dân là vậy, Những kẻ được gọi là trí thức cũng chẳng hơn gì, từ việc chạy trường chạy điểm, học cấp tốc lấy bằng cho tới việc mua quan bán tước, tham nhũng hối lộ, biển thủ của công, rút ruột công trình…Tôi không hiểu sao những câu chuyện về cách cư xử khôn lỏi và lưu manh của các nhân vật Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai, Tú Xuất vẫn còn được xuất bản và bày bán ở các nhà sách cho học sinh đọc như những tấm gương về trí thông minh. Một khi những sự khôn lỏi gian xảo được đánh tráo khái niệm với trí thông minh và được khuyến khích, xã hội chúng ta sẽ tràn ngập những kẻ gian xảo và vô đạo đức.

Một đất nước muốn phát triển bền vững lâu dài cần những người tài năng để xây dựng một nền tảng tốt. Một xã hội yếu kém là một xã hội có quá nhiều những kẻ khôn lỏi luôn tìm cách trục lợi cho bản thân mình mà bất chấp lợi ích lớn lao của cộng đồng trong tương lai. Lằn ranh giữa sự khôn ngoan và sự khôn lỏi rất mỏng manh, và lằn ranh đó có tên là “đạo đức”. Chỉ cần bước qua lằn ranh đạo đức thì lập tức bạn sẽ trở thành một kẻ khôn lỏi và lưu manh. Nếu bạn tự cho mình là một trí thức trẻ, hãy nghe lời tôi: “Đừng tập thói khôn lỏi!” Khi bạn chọn việc đạp lên lằn ranh đạo đức để hành xử theo kiểu khôn lỏi, bạn đã bắt đầu đánh đổi nhân cách và trí tuệ của bản thân vì những lợi ích nhỏ nhoi không đáng. Đó chính là sự ngu muội.

IV. Hãy tập cách khôn ngoan thay vì tìm cách khôn lỏi:

Bỏ đi thói khôn lỏi không hề khó, nhưng điều này cần sự kiên nhẫn và quyết tâm vì việc nhận thức được sai lầm và việc sửa chữa nó là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đôi khi chúng ta biết rằng những gì chúng ta làm sai nhưng vì tiện, vì ít mất thời gian hay vì làm điều đúng sẽ khó khăn hơn nhiều, chúng ta lại tiếp tục phạm sai lầm mặc dù lương tâm cũng có đôi chút cắn rứt. Tuy nhiên, sự cắn rứt lương tâm đó chỉ thoáng qua trong chốc lát và khi nhìn thấy xung quanh chúng ta, ai cũng hành động theo kiểu khôn lỏi, ta lại tự an ủi mình rằng có gì đâu mà phải xoắn. Và cứ thế, chúng ta cứ đi từ cái khôn lỏi này đến cái ma mãnh khác đến một lúc nào đó lương tâm chúng ta không còn cảm thấy khó chịu nữa mà đôi khi còn tự hào vì cho đó là biểu hiện của trí thông minh.

Nếu bạn thực sự muốn đoạn tuyệt với thói khôn lỏi để xứng đáng với danh xưng “trí thức”, hãy kiên trì thực hiện những bước sau.

Dứt khoát theo đúng quy tắc: Khi làm một việc gì đó, đừng nghĩ đến việc đi tắt đón đầu hoặc đốt cháy giai đoạn mà hãy nghe/đọc thật kỹ hướng dẫn và làm đúng theo từng bước. Đối với những quy định hoặc quy tắc về an toàn hay trong cách ứng xử, tuyệt đối không được làm trái hoặc tùy tiện làm theo ý mình. Nếu mình không làm đúng theo quy tắc thì chịu phạt, đừng xin xỏ. Hậu quả thế nào cũng phải gánh. Thà sai một lần để nhớ sau này không lặp lại nữa.

Nghĩ đến hậu quả của sự thiếu trách nhiệm: Mỗi lần muốn “khôn lỏi”, đừng tìm cách bào chữa hoặc chống chế cho hành động của mình mà hãy nghĩ đến hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra. Gian dối trong việc học tập, bạn có thể vượt qua được cửa ải đó nhưng mất đi một cơ hội tiếp thu những kiến thức quý báu và hữu dụng sau này. Chạy ẩu, vượt đèn đỏ, lần này bạn thoát, nhưng lần sau bạn có thể gây tai nạn cho mình và cho người khác. Không tuân thủ những nguyên tắc an toàn lao động, bạn có thể phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình.

Quyết tâm khắc phục lỗi lầm dù là nhỏ nhất: Trong tiếng Anh, “mistake” là từ chỉ những sai phạm mắc phải lần đầu tiên vì không ý thức được còn “fault” là từ chỉ những sai phạm mà người mắc phải hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu chú ý. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để “make mistake”, tất cả những lỗi lầm tiếp sau mà bạn mắc phải đều là “fault”. Những sai phạm do sự khôn lỏi gây ra thì không thể gọi là “mistake” và không đáng được tha thứ. Đừng bỏ qua và xem như không có chuyện gì. Hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình bằng cách chịu trách nhiệm và quyết tâm khắc phục lỗi lầm của mình dù đó là lỗi lầm nhỏ nhất.

Hãy nghĩ đến lòng tự trọng khi năn nỉ: Thử nghĩ đến tư cách của bản thân khi lén lút làm chuyện khuất tất hoặc khi phải hạ mình năn nỉ người khác khi bị trách phạt vì làm việc gian dối. Có phải là rất bệ rạc và thảm hại không? Bị người khác chì chiết nặng nhẹ có phải rất nhục không? Hãy bảo vệ sự tôn nghiêm của bản thân bằng cách làm việc đàng hoàng nghiêm túc và thẳng thắn nhận lỗi khi sai. Nếu bạn khom lưng cúi đầu chịu nhục vì những chuyện nhỏ nhặt được một lần, bạn sẽ quen với những kiểu khom lưng cúi đầu như thế suốt cả đời. Không có lòng tự trọng, bạn khó có thể dạy dỗ con cái nên người sau này.

Hãy nhớ không có sự thông cảm vô lý nào miễn phí: Trong cuộc sống, mọi sai lầm của bạn đều phải trả một cái giá tương xứng. Nếu một người đồng ý bỏ qua hoặc bao che cho sai phạm của bạn, hãy thử nghĩ xem mục đích cuối cùng của người đó là gì? Có phải họ vì lòng tốt đối với bạn hay họ đang muốn lợi dụng bạn bao che cho họ nếu họ phạm sai lầm? Liệu bạn có mạnh dạn đấu tranh hay tố cáo điều xấu xa của người đã từng bỏ qua sai phạm của bạn hay bạn sẽ nhắm mắt làm ngơ? Cứ như thế, cái xấu sẽ được dung dưỡng và lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Hãy không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện khả năng tư duy: Kỹ năng suy nghĩ logic và nghiêm túc là kẻ thù của kiểu tư duy khôn lỏi mánh khóe. Một người không có kiến thức rộng thì không thể nào suy nghĩ logic và thấu đáo được mà sẽ tìm mánh khóe hoặc đường tắt để đi. Hãy tập thói quen đọc những loại sách có ích như khoa học thường thức, triết học, tâm lý học… để nâng cao trình độ nhận thức của bản thân. Không cần các bạn phải đọc nhiều mà chỉ cần đọc 2 trang mỗi ngày. Điều quan trọng là khi đọc xong, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những điều bạn vừa đọc và tìm cách phân tích, lý giải hoặc phản biện chúng. Đó là cách rèn luyện trí tuệ của mình để có được khả năng tư duy logic.

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm