(Dành cho những bạn nào có sở thích sưu tầm đĩa nhạc giống tôi)
Tôi trước giờ không thích uống rượu, hút thuốc cũng không có máu mê cờ bạc. Lúc còn trẻ đi chơi chung với bạn bè chắc chắn không tránh khỏi những lúc đi ăn nhậu nhưng tôi chỉ uống được cỡ 1 chai bia là hết mức. Rượu thì hầu như không bao giờ đụng vào vì tôi bị dị ứng khi uống rượu bia. Lúc đầu còn nể nang bạn bè và ham vui nên còn đi nhưng càng về sau, tôi càng né các chầu nhậu cho dù đó là bạn bè hay họ hàng. Riết rồi ai biết tôi đều hiểu tính “không nhậu” của tôi nên chẳng bao giờ mời mọc rủ rê cho tốn công. Còn thuốc lá thì cũng thế, thời sinh viên cũng tập tành hút cho ra vẻ người lớn nhưng vì không thích mùi thuốc nên tôi cũng không tiếp tục hút. Tới giờ cũng gần 20 năm tôi không cầm lại điếu thuốc bao giờ. Lúc mới qua Mỹ, tôi có đi theo bạn bè đến các casino ở New Orleans để mở mang tầm mắt và …ăn buffet vì buffet ở đó vừa ngon vừa rẻ. Các casino này là nơi có rất nhiều người Việt đến chơi, chủ yếu là những người già về hưu nhàn rỗi và những người theo tàu đánh tôm sau mùa thu hoạch được trả lương nên mang tiền vào đó thử vận may. Bản thân tôi trước giờ không tin vào những trò đỏ đen nên các casino ấy chưa hề ăn được của tôi đồng nào.
Tôi cũng không phải là dạng người thích mua sắm. Vợ tôi thường hay nói đùa nếu ai cũng như tôi thì các trung tâm mua sắm sẽ nhanh chóng phá sản. Nhưng tôi lại nghiện mua đĩa nhạc. Tới bây giờ hầu như mọi người đều nghe trực tuyến hoặc sử dụng iTunes và Spotify thì tôi vẫn đặt mua đĩa CD từ amazon để nghe mặc dù phải chờ đợi. Từ lúc mua cái đĩa CD đầu tiên cho tới nay, tôi đã có một gia tài hơn 5000 đĩa nhạc đủ thể loại. Bạn có thể nói rằng nghe nhạc trên điện thoại không phải là tiện hơn hay sao, tội gì phải mua đĩa. Nhưng cảm giác nghe nhạc trên đĩa hát, nhất là đĩa than (đĩa vinyl), hoàn toàn khác với việc nghe nhạc trên mạng hoặc qua apps.
Một trong những điều tôi mong muốn nhất khi qua Mỹ là được mua đĩa CD gốc chính hãng chứ không phải đĩa chép hoặc đĩa Trung Quốc như ở Việt Nam. Năm tôi học lớp 11 (1996), tôi được một người bạn cùng lớp cho xem chiếc đĩa CD “made in USA” đầu tiên trong đời. Đó là bộ đĩa đôi “HIStory” của Michael Jackson (phát hành năm 1995). Cho tới thời điểm đó, những đĩa CD “xịn” nhất mà tôi được cầm là đĩa CD Trung Quốc chứ đĩa Mỹ thì có mơ cũng không dám chứ đừng nói là có một cái “làm vía”. Cầm cái đĩa CD có cuốn booklet dày cộm in hình ảnh sắc nét với lời bài hát và đầy đủ các thông tin trong đó mà tôi ngỡ rằng mình đã lên được thiên đàng. Kể từ đó những cái đĩa CD “made in USA” cứ ám ảnh tâm trí tôi cả ngày lẫn đêm. Tại thời điểm đó, một đĩa CD gốc của Mỹ nếu tính luôn tiền ship về Việt Nam khoảng 20 dollar tức là khoảng 200.000 đồng (thời đó 1 dollar = 10.000 đồng) gần bằng 1/2 tháng lương của một sinh viên mới ra trường thời đó. Tôi đi làm dẫn chương trình cho Câu Lạc Bộ Tiếng Anh của Nhà Văn Hóa Thanh Niên, mỗi tháng chỉ được 150.000 đồng, chưa đủ tiền mua một đĩa CD xịn của Mỹ.
Khỏi phải nói, khi qua được tới Mỹ rồi thì việc tôi làm đầu tiên là đi mua đĩa CD. Số tiền 200 dollar được mẹ tôi cho dằn túi nhanh chóng được …quy đổi ra đĩa. Thời gian đầu ở Mỹ sống với cô ruột và chưa đi làm thêm, mỗi tháng cô cho 200 dollar để tiêu vặt, tôi cũng chẳng tiêu xài gì ngoài…mua đĩa. Cuối tuần được cô chở đi New Orleans để đi chợ người Việt và ăn phở, tôi lại mong cô ghé vào một cái shopping mall nào đó để tôi có cơ hội đi tìm mua đĩa trong các CD store lớn trong mall. Các CD store ở Mỹ vừa bán đĩa (tất nhiên là đĩa gốc) vừa bán rất nhiều những thứ liên quan tới các band nhạc mà tôi yêu thích như áo T-shirt, lịch treo tường, poster… nên mỗi lần vào một CD store như thế là tôi như lạc vào xứ sở thần tiên. Chán một điều là cô tôi thuộc dạng người lớn tuổi và không thích đi đây đi đó nhiều nên ngoài việc đến chợ người Việt mua sắm và ghé phở Bằng ăn tô phở là cô lái xe thẳng về nhà chứ hiếm khi ghé vào các shopping mall. Những siêu thị điện máy như BestBuy lại càng không phải là điểm đến của cô tôi. Cũng may là hệ thống siêu thị Walmart ở Mỹ đều có gian hàng bán đĩa CD, chứ nếu không thì tôi cũng không biết phải mua đĩa như thế nào.
Sau một thời gian, tôi không ở ký túc xá của trường nữa mà dọn ra thuê căn hộ để ở và bắt đầu có việc làm thêm trong trường nên cũng có thêm tiền. Tôi cũng không đi New Orleans với cô tôi mà thường đi chung với Zhang Jing, anh bạn Trung Quốc cùng trường. Jing thường đi shopping hoặc đi mua linh kiện máy tính còn tôi thì cứ đến những tiệm đĩa lớn như Virgin Records hoặc nhà sách Barnes & Noble để vừa đọc sách vừa mua đĩa nên chúng tôi thường tách nhau ra để tự đi đến nơi mình thích khoảng vài tiếng rồi quay lại chỗ hẹn cùng nhau về nhà. Đối với tôi, những ngày chủ nhật như vậy là khoảng thời gian “hưởng thụ” nhất trong tuần.
Cửa hàng bán lẻ của hãng đĩa Virgin Records là một tòa nhà lớn có diện tích cỡ bằng siêu thị Coop Mart ở Việt Nam với ba tầng chỉ để bán đĩa nhạc. Đĩa nhạc được phân thành từng khu riêng biệt theo thể loại (genre): easy listening, jazz, country, blues, rock, pop, heavy metal, hip hop, EDM… để người mua dễ tìm. Ở mỗi khu, đĩa lại được sắp xếp theo thứ tự ABC dựa trên tên của nhóm nhạc hoặc nghệ sĩ. Phía trước mỗi khu là kệ trưng bày những đĩa nhạc mới phát hành (new release) và những đĩa bán khuyến mãi (bargain bin), có cả khu dành cho đĩa DVD, đĩa vinyl và box set. Tất cả đĩa nhạc đều có mã thông minh để khi người mua muốn nghe thử có thể scan vào những máy tính được đặt ở cuối những dãy kệ rồi đeo tai nghe lên và nghe. Nếu đi hết tất cả các gian hàng trong cả ba tầng của Virgin Records, tôi nghĩ cần phải đi cả ngày mới hết. Mỗi tội đĩa ở đây thường khá đắt nên với túi tiền ít ỏi của mình, tôi phải cân nhắc nâng lên đặt xuống rất nhiều trước khi mua một CD yêu thích. Nhà sách Barnes & Noble cũng có một tầng dành riêng để bán đĩa nhạc tuy không phong phú bằng Virgin Records nhưng cũng ăn đứt bất kỳ tiệm đĩa lớn nào ở Sài Gòn. Mua đĩa ở Barnes & Noble giá tương đối rẻ hơn so với Virgin Records, vừa có thể xuống lầu xem sách vừa có chỗ uống cà phê nghỉ chân sau đi đã đi dạo mệt.
Khi có thẻ ngân hàng, tôi bắt đầu đặt mua đĩa trên các trang amazon.com hoặc half.com vì đĩa cũ rẻ hơn nhiều, lại không cần phải tốn công đi đến nơi để mua. Quan trọng hơn hết là hai trang bán hàng trên mạng này có nhiều đĩa mà các cửa hàng không có bán. Những ai muốn sưu tầm tất cả đĩa nhạc được phát hành (discography) của một nhóm nhạc nào đó thì mua trên mạng là giải pháp tuyệt vời nhất. Tuy nhiên tôi vẫn thích đi đến tiệm đĩa mua đĩa hơn vì đó là dịp để đi chơi, ngắm nghía và lục lọi. Thùng đĩa bán đại hạ giá (bargain bin) trong các tiệm đĩa đôi khi chứa đầy những bất ngờ thú vị. Sau một thời gian “càn quét” amazon.com và half.com, tôi bắt đầu tấn công qua ebay.com, trang bán đấu giá trên mạng nổi tiếng để săn đĩa hiếm để rồi trong vòng nửa năm tôi chuyển từ vai trò bidder (người đấu giá) sang vai trò auctioneer (người bán đấu giá) đĩa nhạc. Đó là công việc kinh doanh duy nhất mà tôi từng làm trong đời.
Sau vài năm ở Mỹ, tôi đã tương đối rành đường đi nước bước ở những khu lân cận. Lúc này ông anh họ có chiếc mô tô không chạy nên đã cho tôi làm phương tiện đi lại. Tôi mừng lắm vì chỗ tôi ở https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159455352832017&set=a.10159445487507017không có phương tiện giao thông công cộng, còn bản thân tôi thì không thích lái xe hơi. Có xe rồi, tôi bắt đầu chạy khắp nơi tự do tự tại đến những nơi mình thích, không cần phải lệ thuộc vào việc đi nhờ xe nữa. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra những “nguồn” cung cấp đĩa mới. Đó là những cửa hàng cầm đồ kiêm thu mua đồ cũ (pawn shop) và những buổi bán hàng thanh lý (yard sale). Những tiệm cầm đồ (pawn shop) bên Mỹ không giống như những tiệm cầm đồ ở Việt Nam mà giống như một cửa hàng đồ cổ hơn vì các tiệm này còn thu mua lại những món đồ cũ nhưng vẫn còn xài tốt mang về mông má lại rồi bán. Có đủ thứ đồ thú vị như tranh vẽ, những bộ chén dĩa sứ hoặc bạc được chế tác rất tinh xảo, súng săn, cần câu cá, lò vi sóng, máy hút bụi, guitar điện, guitar thùng đủ loại với giá rẻ hơn đồ trong siêu thị rất nhiều. Đĩa CD hoặc DVD cũ được bán với giá 2 dollar/đĩa, chỉ bằng ⅙ giá gốc. Tất nhiên mua đĩa ở các pawn shop thì tính may rủi cực cao, có lúc tôi hốt được vài chục cái đĩa xưa hiếm với giá chưa tới 100 dollar nhưng cũng có lúc phải ra về tay không sau khi quần nát mấy cái kệ đĩa đầy bụi mà vẫn không tìm được cái nào ưng ý.
Yard sale cũng giống pawn shop ở chỗ là chuyên bán đồ cũ nhưng với quy mô cây nhà lá vườn. Người Mỹ có thói quen lâu lâu lại dọn đồ trong garage hoặc dưới tầng hầm ra xem có gì tuy cũ nhưng còn xài tốt thì đem bày hết ra sân cắm cái bảng “Yard sale” thật to để bán. Ai thích thì ghé vào xem, ưng cái nào thì hỏi giá, nếu hợp lý thì mua, không hợp lý thì thôi. Thường thì những đĩa nhạc cũ sẽ được phân loại thành đĩa CD, DVD và đĩa vinyl và được đặt vào những thùng carton riêng biệt với giá 1-2 dollar/đĩa, tha hồ mà chọn. Tôi rất thích đi lục mấy thùng đĩa ở những nơi bán yard sale vì phần lớn đĩa đều là đĩa cũ của những nhóm nhạc thập niên 1960-1970, đúng gu âm nhạc của tôi. Nếu chủ nhà thích bạn, họ có thể bán cho bạn bộ sưu tập của họ với giá cực rẻ hoặc thậm chí tặng cho bạn vài đĩa bonus làm quà.
Khi tôi rời nước Mỹ để trở về Việt Nam sau 6 năm, gia tài của tôi chỉ có vài bộ quần áo xếp gọn trong một chiếc vali nhỏ, nhưng số lượng đĩa của tôi sưu tầm được đã lên đến hơn 2000 chiếc cộng với 20 cây đàn đủ loại. Không thể đóng gói hành lý bộ sưu tập này lên máy bay, tôi đành phải đóng container và gửi chúng về Sài Gòn bằng đường tàu thủy 1 tháng trước khi tôi lên máy bay mà trong lòng vẫn lo không biết chúng có bị thất lạc hoặc hư hại gì không. Đến khi “kho báu” của tôi cập cảng Sài Gòn an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Năm 2019 khi tôi quay trở lại Mỹ du lịch, tôi hết sức ngạc nhiên và thất vọng khi những shopping mall lớn ở Miami như Dolphin Mall và Sawgrass Mall đều không có cửa hàng đĩa CD nào cả. Cũng may là ở New Orleans, hệ thống Walmart và nhà sách Barnes & Noble đều vẫn còn bán đĩa và những CD store khu French Quarter vẫn còn hoạt động (Virgin Records tiếc thay đã đóng cửa). Nếu không chắc tôi sẽ không cam lòng quay trở lại Việt Nam mà không mua được cái đĩa nào.