Ngày nước Mỹ chính thức thông qua luật hợp pháp hóa việc người đồng tính kết hôn, trên facebook cờ lục sắc tung bay trên avatar của rất nhiều bạn của tôi. Điều này thể hiện sự tiến bộ về mặt tư tưởng của thế hệ trẻ hiện nay về người đồng tính. Đó là một tín hiệu đáng mừng mang đầy tính nhân văn trong thế giới đầy những kỳ thị và thù ghét này.
Trước kia khi còn trẻ tôi cũng thuộc dạng kỳ thị người đồng giới vì tôi thấy người đồng tính dị dị, không bình thường. Cũng như rất nhiều người khác, tôi đã từng nghĩ người đồng tính là những kẻ biến thái bệnh hoạn về cả ngoại hình lẫn tính cách qua những vai diễn ỏng à ỏng ẹo, mặc đồ phụ nữ và chuyên tìm cách sờ mó đụng chạm đàn ông trong phim và hài kịch. Hồi đi học thì thấy thằng bạn nào có vẻ ẻo lả hiền lành là cả đám xúm vô chọc là pê đê một cách rất vô tri. Nói vậy thôi chứ cả quãng đời đi học ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ thực sự tiếp xúc với người nào đồng tính cả, hoặc nếu có tôi cũng không biết vì họ không “bóng lộ” như những nhân vật trong phim hay kịch.
Lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng kỳ thị người đồng tính là một điều không đúng là lần đầu tiên đi chơi ở Bourbon Street, con đường nổi tiếng ở New Orleans về các trò ăn chơi. Đặc biệt ở cuối đường có hai quán bar dành cho người đồng tính nam. Lần đó tôi và anh bạn người Trung Quốc Zhang Jing sau khi đã mệt mỏi vì một ngày khám phá vô tình lạc vào một trong hai gay bar ở cuối đường để nghỉ chân và uống ly bia đơn giản vì nó không ồn ào như những quán bar khác, có thể ngồi nói chuyện được. Vào trong thì mình thấy hơi lạ lạ vì nhân viên phục vụ toàn là trai đẹp bụng sáu múi mặc đúng cái quần chip và thắt nơ ở cổ. Còn lại trong quán cũng toàn là những cặp nam nam, tuyệt đối không có cặp nam nữ nào cả. Nhưng mà cách cư xử và phục vụ từ khách tới nhân viên đều rất lịch sự và đúng mực, không có bất cứ một hành động hay cử chỉ quá đáng nào. Một anh chàng phục vụ đến hỏi chúng tôi uống gì rồi bắt chuyện hỏi hai bạn từ China sang hả. Khi tôi nói mình từ Việt Nam còn anh bạn mới là từ Trung Quốc sang, anh chàng phục vụ tỏ vẻ hiểu biết và thông cảm nói: “Các bạn may mắn đã tìm được nhau ở đây (tôi mà không nén cười thì suýt nữa là cười phun cả bia). Đừng lo, ở Mỹ bạn sẽ được sống với nhau mà không bị cản trở, mặc dù kỳ thị thì vẫn còn.” Khi anh bạn tôi nói chúng tôi không phải là dân gay mà chỉ là vô tình đi vào quán này thôi, anh chàng phục vụ cũng không có thái độ gì cả mà chỉ cười vui vẻ và bảo: “Cứ tự nhiên!” (enjoy yourself). Và thế là hai thằng trai thẳng ngồi nói chuyện với một thằng trai cong một cách hết sức là bình thường.
Qua vài câu chuyện xã giao, anh chàng phục vụ giới thiệu mình tên Alan dân Alabama sang New Orleans để học đại học ở NSU. Gia đình đúng điệu dân miền Nam ngoan đạo nên không biết chuyện con mình bị gay mà nếu có biết cũng khó mà chấp nhận. Bạn trai của anh này cũng làm phục vụ trong gay bar này nhưng làm khác ca để thay nhau ở nhà học bài vì gần tốt nghiệp. Lúc đó tôi nghĩ trong lòng tự nhủ rằng gay cũng đâu có gì ghê gớm như mình nghĩ, cũng học hành đàng hoàng, cũng nói chuyện lịch sự hiểu biết chứ có “biến thái” gì đâu.
Trong trường đại học của tôi, sinh viên thuộc giới lgbt+ cũng nhiều, họ cặp bồ tự do thoải mái, biểu lộ tình cảm thân mật trước mặt những người khác giới và cũng đi chơi với những cặp khác giới khác. Tôi dần cảm thấy được tình cảm của họ cũng nghiêm túc và đáng trân trọng như những cặp khác giới khác. Cách họ thể hiện tình cảm cũng văn minh lịch sự chẳng có gì quá là phản cảm. Các thầy cô và sinh viên trong trường đều hòa đồng với họ, không kỳ thị, không ghét bỏ. Những giáo hội Tin Lành như giáo hội Chi Alpha hay mời tôi đến dự những buổi giảng kinh (Bible study) của họ cũng có khá nhiều hội viên đồng tính và những hội viên khác vẫn đối xử hòa đồng với họ.
Tuy nhiên cũng có một số sinh viên Công giáo miền nam vốn được nuôi dưỡng trong một môi trường sùng đạo thái quá thể hiện sự thù địch ra mặt đối với những cặp đồng tính. Lần nọ, có một diễn giả là một người đồng tính nữ đến trường để thuyết trình về việc chống kỳ thị người đồng tính. Buổi sáng hôm đó, cảnh sát đã được phân công đến để ổn định trật tự vì phía bên này là những sinh viên đồng tính mang cờ lục sắc đến ủng hộ cô, còn bên kia là đại diện nhà thờ Công giáo địa phương và những sinh viên chống đồng tính cũng mang biểu ngữ khẩu hiệu đến để phản đối. Trái với những khẩu hiệu ôn hòa như “We only want equality!” (Chúng tôi chỉ muốn sự bình đẳng), “Homosexuality is not a disease” (Đồng tính không phải là căn bệnh), và “We too need love” (Chúng tôi cũng cần được yêu thương) bên phe cờ lục sắc, bên tôn giáo, phe đại diện cho lòng bác ái và tình yêu thương vô bờ bến, lại có những câu khẩu hiệu đầy sự thù hằn và ác ý kiểu “Jesus hates fags!” (Chúa Giê su ghét bọn pê đê), “Burn in hell, faggots!” (Quỷ tha ma bắt lũ đồng bóng) hay “Jesus did not die on the cross for you!” (Chúa Giê su đã không hi sinh thân mình trên thập giá để cứu rỗi lũ chúng mày!) Cảnh tượng đó khiến tôi mường tượng đến nạn phân biệt chủng tộc của tổ chức KKK, những kẻ tự cho mình là sùng đạo và kính Chúa nhưng lại tra tấn và giết chết những người dân da đen vô tội bằng những hình thức tàn bạo nhất mà con người có thể nghĩ ra. Tất cả đều nhân danh chính nghĩa! Mặc cho tất cả những điều bất công tàn nhẫn ấy, những người đồng tính vẫn tiếp tục đấu tranh kiên trì cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng của mình.
Trong thời gian ở Mỹ, thành kiến về giới đồng tính trong tôi cũng nhạt dần vì rõ ràng họ cũng là con người như những người bình thường và tại sao chúng ta lại ghét những người không làm hại gì ta. Thậm chỉ lần đó, tôi còn cùng mấy người bạn Nhật đi ra New Orleans để xem buổi diễu hành của người đồng tính (gay pride parade) nhân ngày người đồng tính quốc tế, điều mà tôi nghĩ rằng nếu còn ở Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ cho rằng cực kỳ…biến thái. Mấy cô bạn Nhật của tôi đều là gái thẳng nhưng họ tham gia để ủng hộ một người bạn les của mình. Đối với người Nhật, họ rất thoải mái trong vấn đề này và hầu như không có tí kỳ thị nào đối với người đồng tính. Khi được rủ đi chung, tôi theo phản xạ tự nhiên đã từ chối nhưng cuối cùng sự tò mò hiếu kỳ đã chiến thắng nên tôi quyết đi một phen để mở mang tầm mắt.
Đó là một trải nghiệm thực sự để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi vì đó là lần đầu tiên tôi thấy một lượng người đồng tính nhiều đến như vậy trong đời. Có đến khoảng năm sáu ngàn người đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi cùng tham gia cuộc diễu hành Gay Pride. Có những người ăn mặc lịch sự như giáo viên hay công chức nhà nước, có những người ăn mặc diêm dúa, lố lăng, theo đúng nghĩa chữ “gay” (lòe loẹt) thậm chí có những người cứ nude 100% như thế mà đi ngoài đường. Bên cạnh những cặp choai choai 17-18 công khai hôn hít sờ soạng nhau giữa thanh thiên bạch nhật là những cặp trung niên mặc đồ công sở nhìn có vẻ rất trí thức tay trong tay rất tình cảm. Có những đôi biker (hội phượt bằng mô tô phân khối lớn) râu ria xồm xoàm, mình đầy hình xăm hay những cặp gymer cơ bắp cuồn cuộn, bụng 6 múi rất nam tính bên cạnh những anh chàng nhìn bề ngoài là cũng đủ biết thuộc giới tính thứ ba. Có những cặp còn táo bạo đến mức diện nguyên bộ đồ S&M với quần da bó sát, vòng xích và roi da diễu ngoài đường. Có tốp hóa trang thành nhóm nhạc disco Village People, biểu tượng của giới lgbt+ thập niên 1970, nhảy múa theo điệu nhạc bài hát YMCA và cũng có người cosplay thành ca sĩ Freddie Mercury, thủ lĩnh của Queen. Các cặp lesbian cũng đông và có phong cách đa dạng không kém các cặp gay từ nữ tính dịu dàng tới hầm hố cool lòi đều có. Nhân vật được các dyke (người đồng tính nữ vai nam) cosplay nhiều nhất là Xena, công chúa chiến binh trong bộ phim truyền hình nổi tiếng cùng tên trong thập niên 1990. Nhưng gây xúc động nhất có lẽ là những cặp lớn tuổi tóc bạc phơ. Họ không ồn ào phô trương mà nắm tay dìu nhau hòa vào dòng người diễu hành. Có người còn đẩy xe lăn cho người bạn đời của mình. Có lẽ họ đã phải chờ đợi rất lâu mới tới ngày được công khai sống thật với giới tính của mình.
Phần lớn những người trong đoàn diễu hành đều mặc áo, đội mũ hoặc quấn quanh người biểu tượng cờ lục sắc với dòng chữ “Proud to be gay” (tự hào là người đồng tính) hoặc “I’m gay and I’m not afraid” (tôi là gay và tôi không e ngại). Du khách trên đường chụp ảnh rất nhiều, thậm chí còn chụp chung với những cặp gay hoặc les. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là có rất nhiều cặp bố mẹ đi theo để ủng hộ con mình với những khẩu hiệu rất thẳng thắn, không úp mở: “Our son is gay, we know it and we love him.” (Con trai chúng tôi là người đồng tính, chúng tôi biết điều đó và chúng tôi yêu con mình) hay “My girl is a lesbian, not a monster” (Con gái tôi là người đồng tính nữ chứ không phải là quái vật). Khi đoàn diễu hành Gay Pride đi đến giữa đại lộ Canal thì từ hai bên đường những nhóm giáo dân cực đoan lại mang những khẩu hiệu đầy xúc phạm nhân danh Chúa ùa sang phản đối. Lần này có cả những ông linh mục mặc áo choàng đen cầm thánh giá đi đầu, có cả những người mang theo cờ miền nam trước nội chiến, hình Chúa Giê su, hình Đức Mẹ Đồng Trinh để thể hiện sự sùng đạo của mình. Cả đám người đó đằng đằng sát khí dùng những lời lẽ nặng nề để thóa mạ chửi rủa thậm chí dùng chai nước suối và hộp bánh pizza ăn dở ném vào đoàn Gay Pride. Ngược lại những thành phần cực đoan trong đoàn diễu hành cũng đáp trả lại bằng những lời chửi bới tục tĩu và ném trả lại phía nhà thờ. Nếu không có cảnh sát ở đó để vãn hồi trật tự thì chắc chắn đã xảy ra một cuộc chiến ác liệt giữa hai phe rồi.
Nếu tôi nhớ không lầm thì đến năm 2006, Louisiana chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Rất nhiều người đã ăn mừng cho sự kiện đó mặc dù họ là người dị tính bình thường. Năm 2006 cũng là năm một cậu bạn tôi biết trong trường tự tử vì không chịu nổi áp lực bị chế nhạo là gay, chỉ vài tháng trước khi gay marriage được hợp pháp hóa. Đó là Marcus, cậu bạn da đen, béo phì và ẻo lả như con gái, thường tham dự những buổi Bible study của hội thánh Chi Alpha. Vốn là người Công giáo cải đạo sang Tin Lành, Marcus biết mình bị gay khi có cảm giác lạ với một cậu bạn là cầu thủ bóng bầu dục trong đội tuyển của trường thời trung học và mang mặc cảm tội lỗi về mặt đức tin suốt nhiều năm liền cho. Marcus rơi vào trầm cảm và ăn uống vô độ đến mức tăng cân không kiểm soát. Bị gia đình từ bỏ, bạn bè chế nhạo, mặc cảm về màu da, ngoại hình và giới tính, Marcus uống thuốc an thần tự tử chỉ vài tuần trước khi học kỳ mùa xuân năm đó kết thúc. Tôi không thực sự thân với cậu này lắm và cũng có khuynh hướng né tránh cậu nhưng khi biết được một người mình đã từng quen biết tự sát, cảm giác đó thật ám ảnh. Tôi tự hỏi, nếu Marcus chờ được đến ngày bang Louisiana hợp pháp hóa luật hôn nhân đồng tính, cậu ấy còn có ý định muốn tự tử hay không? Và liệu sự thay đổi về mặt pháp lý có giúp thay đổi được nhận thức của rất nhiều người tự cho mình là kính Chúa và sống đạo đức hay không? Và đến bây giờ tôi vẫn chưa có lời giải đáp cho những câu hỏi đó.