Thời mới bắt đầu tập nghe nhạc tiếng Anh, tôi rất thích nghe nhóm nhạc huyền thoại Creedence Clearwater Revival (gọi tắt CCR) với những ca khúc rất quen thuộc với thính giả Việt Nam như “Have You Ever Seen the Rain?” hay “Proud Mary” vào những năm 1960-1970. Xuất thân từ California nhưng nhạc của CCR không mang phong cách surf vui tươi của Beach Boys hay ảo giác kiểu the Doors mà mang màu sắc southern rock của các bang miền nam nước Mỹ: hào sảng và thẳng thắn. Một trong những bài tôi rất thích của nhóm này bài hát “Born on the Bayou” nói về vùng đất Louisiana huyền hoặc với một đoạn lời ám ảnh tôi ghê gớm những ngày tôi sống ở New Orleans: “Tôi còn nhớ ngày 4/7 (ngày Quốc Khánh Mỹ), chạy băng qua khu rừng sau nhà bằng đôi chân trần. Tôi còn nghe tiếng sủa của con chó săn già đuổi theo một hồn ma bóng quế trong rừng.” (I can remember the fourth of July runnin’ through the backwood bare/ And I can still hear my old hound dog barkin’ chasin’ down a hoodoo there/ Chasin’ down a hoodoo there.) Phải chăng người Mỹ cũng tin “chó sủa ma” như chúng ta? Có một lần tôi đến nhà một cậu bạn người địa phương để ăn tiệc, con chó săn mà cậu xích trong sân tự dưng hướng về khoảng rừng âm u sau nhà cất tiếng sủa rất hăng mặc cho cậu bạn tôi tìm mọi cách để bắt nó im lặng. Dù cố trấn an mình bằng cách cho rằng có lẽ con chó thấy một con vật gì đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy lạnh nhẹ ở sống lưng khi nghĩ tới lời của ca khúc “Born on the Bayou”. Quả là có một sự trùng hợp không hề nhẹ.
Trước khi đến Mỹ, tôi không nghĩ rằng người Mỹ có thể mê tín tin vào ma cỏ hoặc những chuyện tâm linh. Nhưng khi đặt chân tới Louisiana, tôi mới biết rằng mình đã sai. Louisiana vinh dự được bầu chọn là bang có nhiều ma nhất ở Mỹ và thành phố New Orleans cũng có mặt trong top 5 thành phố nhiều ma nhất. Khi đặt chân xuống sân bay New Orleans, đập vào mắt tôi là những bảng điện tử giới thiệu những tour du lịch tham quan nổi tiếng. Bên cạnh tour tham quan khu French Quarters và tour du lịch đầm lầy là những tour tham quan nghĩa địa St. Louis, nơi được xem là địa danh “tà” nhất thành phố New Orleans và tour tham quan những đồn điền bị ma ám. Là người khoái những chuyện kỳ bí rùng rợn, tôi tự hứa với bản thân là không thể bỏ lỡ cơ hội được gặp ma trên mảnh đất “ít người nhiều ma” những chuyện huyền bí này.
Tour xem ma, đúng hơn là tour nghe kể chuyện ma, đầu tiên mà tôi đã đi là chuyến tham quan một đồn điền cũ do hội du học sinh tổ chức đi như một cách giới thiệu về du lịch của Louisiana. Bình thường một người đi mất khoảng 15USD, nhưng đi theo nhóm đông lại là sinh viên thì chỉ khoảng nửa giá. Louisiana vốn là một bang nông nghiệp miền nam nước Mỹ với chế độ nô lệ trước thời kỳ nội chiến (1861-1865) nên các đồn điền trồng bông và trồng mía rất bạt ngàn và trù phú. Tùy theo quy mô đồn điền cũng như sự giàu có của mình mà các chủ nô có thể có từ vài đến vài trăm nô lệ. Và sự tàn ác của các chủ nô da trắng đối với những nô lệ da đen của mình vốn là đề tài kinh điển của các tác phẩm văn học và điện ảnh Mỹ.
Đồn điền mà tôi đến tham quan không lớn lắm vì người chủ lúc trước vốn là một điền chủ hết thời. Được xây theo kiểu thuộc địa Tây Ban Nha từ thế kỉ mười chín, nơi này vẫn được bảo quản khá tốt nên mọi thứ vẫn còn như mới. Một phần đồn điền mở cửa để đón khách tham quan,một phần được cải tạo thành khách sạn cho những người bạo gan muốn ở lại qua đêm thử cảm giác mạnh. Gian nhà chính khá rộng rãi và thoáng nằm trên một quả đồi nhìn xuống cánh đồng mía tạo một cảm giác an bình và yên tĩnh, khó có thể tưởng tượng được đây là một nơi bị ma ám mà giống với một resort vùng quê yên tĩnh hơn. Điều này khiến tôi hơi thất vọng vì mình vốn dĩ đến đây để xem ma chứ không phải đi nghỉ dưỡng hay ngắm cảnh.
Sau khi đã dẫn mọi người đi tham quan khắp các phòng của tòa nhà và giới thiệu về các đời chủ của nó mà tôi không quan tâm lắm, người hướng dẫn tụ tập mọi người đến sảnh chính nơi có treo một bức ảnh trắng đen rất cũ của gia đình người chủ đồn điền. Trong bức ảnh có năm người, hai vợ chồng người chủ độ khoảng 40-45 tuổi, hai cô con gái nhỏ khoảng 8-10 tuổi và một bà vú da đen. Bên cạnh bức tranh là một đoạn dây thừng bị cháy xem được lồng vào một khung kính để trưng bày. Và người hướng dẫn bắt đầu kể lại câu chuyện thương tâm về những người đã từng sống trong căn nhà đó.
Hai đứa bé con của vợ chồng chủ đồn điền vốn rất quấn quýt với bà vú da đen đã nuôi nấng chăm sóc cho họ từ lúc mới ra đời và bà vú cũng rất thương hai đứa con của chủ như con ruột của mình. Sau thời nội chiến, hầu hết các nô lệ da đen ở miền Nam nước Mỹ được trả tự do theo luật mới của chính phủ liên bang nhưng bà vú này nguyện ở lại hầu hạ chăm sóc cho gia đình chủ của mình suốt đời. Chuyện cũng không có gì để nói nếu mọi thứ đều diễn ra êm đẹp như vậy. Một hôm bà chủ đồn điền bị mất một món trang sức quý giá. Tìm mãi không được, mọi nghi vấn đều đổ dồn vào bà vú vì bà là người duy nhất được ra vào các phòng trong tòa nhà. Mặc cho bà vú thề sống thề chết rằng mình luôn trung thành và không bao giờ ăn cắp, ông chủ vẫn sai lôi bà ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Tuy vậy bà vẫn không hề oán hận ông bà chủ của mình đã đối xử với mình tệ bạc. Sau khi bình phục bà vẫn một lòng phục vụ hầu hạ gia đình chủ nhưng vì không tìm được món trang sức kia, ông bà chủ bắt đầu lạnh nhạt với bà. Với sự hạn chế về mặt nhận thức, bà vú đã có một hành động hết sức sai lầm. Bà lén bỏ thuốc độc vào món bánh tráng miệng của hai cô tiểu thư với mục đích khiến hai cô bé bị ngộ độc, và sau đó bà sẽ chăm sóc tận tình cho họ để ông bà chủ cảm động mà tha thứ cho bà.
Tuy nhiên, có lẽ lượng thuốc độc bà bỏ vào bánh hơi nhiều khiến cho hai cô bé con chủ đã chết sau khi ăn bánh. Cắn rứt lương tâm, bà vú đã thú tội với ông bà chủ và chấp nhận mọi hình phạt. Điên cuồng vì mất con, ông chủ đã ra lệnh treo bà lên cây và châm lửa thiêu sống (đoạn dây thừng bị cháy xém chính là từ đoạn dây đã treo bà vú lên cây). Chẳng bao lâu sau khi bà vú bị thiêu chết, trong gia đình cũng xảy ra nhiều chuyện kì lạ. Những người nô lệ đã tham gia vào việc hành hình bà vú lần lượt chết trong những tai nạn kỳ lạ. Rồi một hôm nửa khuya, ông chủ dùng súng lục bắn chết vợ mình rồi tự tử ngay dưới gốc cây mà bà vú bị thiêu chết. Từ đó đồn điền bị bỏ hoang vì người ta đồn rằng những oan hồn vẫn còn lảng vảng trong căn nhà đó. Mãi đến sau này người ta mới xây sửa và bảo tồn đến đón khách vào tham quan. Có người còn khẳng định rằng mình đã gặp hồn ma của bà vú với vẻ mặt u sầu chặn đường hỏi xem có thấy món trang sức bà chủ đánh mất ở đâu không.
Nói thật, khi nghe xong câu chuyện này, tôi cảm thấy sợ thì ít mà thương xót thì nhiều. Chỉ vì một món đồ trang sức mà bao nhiêu người phải chết thảm. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin lắm về chuyện ma hiện hồn về, lòng vẫn ấm ức rằng đi xem ma như vậy chưa đã vì thiên hạ có thể bịa ra chuyện để kiếm tiền. Dường như hiểu được điều đó, người hướng dẫn lúc này hướng sự chú ý của mọi người vào hình ảnh của bà vú và sợi dây thừng trong khung treo kế đó. Ông ta nói rằng vì bị thiêu sống nên hồn ma của bà vú đặc biệt nhạy cảm với lửa. Để chứng minh, ông bật một que diêm lần lượt soi vào mặt của những nhân vật trong hình thật chậm rãi. Sau khi soi hết mặt của hai vợ chồng và hai cô con gái, que diêm cũng dần tắt. Nhưng khi ông đưa que diêm đến gần mặt của bà vú, que diêm đột nhiên bừng cháy sáng khiến mọi người ồ lên kinh ngạc. Ông lại bật một que diêm khác, đợi nó cháy gần hết rồi đưa về phía sợi dây thừng, que diêm lại bùng lên như có ai đó thổi vào. Một vài du khách bạo gan xin đốt thử, lần nào kết quả cũng tương tự. Các bà các cô yếu bóng vía bắt đầu làm dấu thánh giá còn các ông thì ai cũng muốn thử đốt diêm đưa vào gần bức hình một lần cho tin. Trước khi rời ngôi nhà ra về, người hướng dẫn còn chỉ cho chúng tôi xem lỗ đạn trên thân cây cổ thụ nơi ông chủ đồn điền thiêu chết bà vú sau đó tự sát ở ngoài vườn. Một điều lạ nữa là phần đất dưới gốc cây cổ thụ chỗ bà vú bị trói vào cỏ không tài nào mọc được trong khi xung quanh cỏ vẫn mọc xanh um.
Một dạng tour xem ma khác cũng hấp dẫn không kém là tour tham quan nghĩa địa St. Louis ở khu French Quarters thành phố New Orleans. Có tất cả ba khu nghĩa địa St. Louis 1, 2 và 3 nhưng nghĩa địa Saint Louis 1 là nghĩa địa cổ xưa và hấp dẫn du khách nhất. Được xây dựng từ năm 1789, hầu hết các ngôi mộ ở đây được xây theo kiểu hầm mộ mái cao theo kiến trúc Pháp và Tây Ban Nha. Lúc đầu những người được chôn ở nghĩa địa này là những điền chủ và người da trắng giàu có, những người đã có công khai hoang và xây dựng thành phố New Orleans. Về sau, nghĩa địa này là nơi chôn những người nổi tiếng của thành phố như Ernest Morial, thị trưởng da đen đầu tiên của thành phố hay tay chơi huyền thoại gốc Pháp Bernard de Marigny, người đã đưa trò đổ xí ngầu “craps” vào New Orleans. Thậm chí diễn viên Nicolas Cage cũng xây sẵn một hầm mộ hình kim tự tháp cho mình tại đây. Điều này khiến cho nhiều người dân ở New Orleans phản ứng dữ dội về sự khoe mẽ của tài tử này. Nhưng ngôi mộ nổi tiếng nhất của “thành phố chết” này thuộc về Marie Laveau, nữ pháp sư voodoo lừng danh nhất của New Orleans.
Tour xem ma ở nghĩa địa St. Louis thường được bắt đầu khoảng 8 giờ tối và kéo dài chừng một tiếng rưỡi. Người hướng dẫn sẽ đón đoàn tại một quán rượu trong thành phố và bắt đầu dẫn mọi người đi luồn trong những con đường vắng vẻ tối tăm để đi ra nghĩa địa. Du khách được yêu cầu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để tránh kinh động các hồn ma. Điện thoại di động, máy chụp hình, camera và các thứ đồ điện tử khác cũng khuyến cáo không sử dụng. Người dẫn tour trong trang phục của thế kỷ thứ 19 sẽ cầm một chiếc đèn lồng dẫn đường và mọi người lặng lẽ đi theo. Thỉnh thoảng anh ta dừng lại ở một góc phố, một ngôi nhà cổ nào đấy và bắt đầu kể về những hồn ma có liên quan tới nó. Nơi này trước đây từng là một quán rượu đã xảy ra hỏa hoạn cướp đi mạng sống của bao nhiêu người. Góc đường kia từng xảy ra một cuộc đọ súng giữa những cảnh sát và một băng đảng khiến nhiều người của cả hai bên thiệt mạng. Các bạn có thấy cái cột đằng kia không? Nơi đó là nơi đã có rất nhiều người da đen bị treo cổ theo luật Lynch (luật của người da trắng có quyền tra tấn và xử tử người da đen bằng những phương pháp dã man nhất tồn tại cho đến những năm 1960). Mỗi câu chuyện ma đều gắn liền với một nốt trầm trong lịch sử của thành phố New Orleans.
Người dẫn chương trình quả là có biệt tài kể chuyện vì nội dung của câu chuyện cũng chưa hẳn là quá kinh khủng (phần lớn theo tôi là thương tâm), nhưng qua giọng kể của anh cùng với không khí âm u, ai cũng cảm thấy rờn rợn, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn người đứng bên cạnh mình xem đó là người hay ma. Vừa đi vừa kể như thế khoảng 45 phút thì ra tới nghĩa trang St. Louis. Ai nấy đều ngạc nhiên trước sự đồ sộ của những ngôi mộ ở đây. Đi quanh co trong “thành phố của những linh hồn” được một lúc thì hướng dẫn viên dẫn đoàn đến trước nơi được xem như là phần mộ của nữ pháp sư voodoo Marie Laveau, điểm tham quan chính của tour xem ma. Bên ngoài, ngôi mộ này nhìn như một cái miếu thờ bằng đá cẩm thạch vì nó được xây cao quá đầu người chứ không nhưng những ngôi mộ thông thường. Phía trước mộ có rất nhiều hoa, nến, chai rượu và thậm chí là những con búp bê voodoo khiến ngôi mộ càng thêm vẻ ma mị.
Có rất nhiều huyền thoại xung quanh Marie Laveau rằng lúc sinh thời bà đã hy sinh mạng sống của bảy người con của mình để có quyền phép tối thượng để cứu sống nhiều người khác hoặc bà luôn mang bên mình con trăn to có tên là Zombi hiểu được sự sai khiến của chủ nhân. Là người lai da đen, Marie Laveau dùng phép thuật của mình chữa bệnh và bảo vệ cho những người nô lệ nghèo khổ bị áp bức, thậm chí sau khi chết bà vẫn hiện về trừng trị những người da trắng đối xử bất công với người da đen. Lúc sinh thời, người tôn sùng Marie Laveau ở New Orleans rất nhiều. Họ kể rằng ở tuổi 80, bà vẫn trẻ đẹp như một quí bà 30. Ngược lại những kẻ ghét bà cho rằng bà thực hiện những nghi lễ tôn giáo kì quặc để làm mê hoặc lòng dân.
Người hướng dẫn bảo đoàn du khách rằng nếu ai có điều gì muốn cầu xin thì hãy đốt một ngọn nến đứng trước mộ của Marie Laveau và thành tâm khấn vái, sau đó vạch lên mộ ba chữ x và để lại bất cứ vật gì mình mang theo như lễ tạ, điều ước của người đó sẽ thành hiện thực. Điều này giải thích cho thắc mắc ban đầu của tôi khi thấy rất nhiều nến và hoa trước mộ của bà. Ngược lại nếu ai có thái độ bất kính, người đó sẽ bị trừng phạt thích đáng. Anh chàng hướng dẫn móc ra tờ 100 USD và thách chúng tôi ai dám ngủ qua đêm bên cạnh ngôi mộ này thì sáng hôm sau tờ 100 USD sẽ thuộc về người đó. Anh ta quả quyết rằng đến nửa đêm bạn sẽ thấy Marie Laveau và con trăn Zombi ra khỏi mộ và thực hiện những nghi thức kì bí với những hồn ma trong nghĩa địa. Nếu phát hiện có người lạ mặt, con trăn Zombi theo lệnh của chủ nhân lập tức sẽ lao ra siết chết người đó. Chàng hướng dẫn viên quả thật là láu cá, hù người ta như vậy, đố ai dám ở lại ngủ để nhận tiền thưởng chứ?