Độ khoảng 1 năm nay, rất nhiều Phật tử chia sẻ trên mạng xã hội những bài giảng pháp của thầy Thích Pháp Hòa vì chúng vừa đúng với Phật pháp, vừa thực tế nhưng lại rất giản dị và hài hước. Với gương mặt rất sáng của một người có trí tuệ và đạo hạnh cao và chất giọng ấm áp, thầy Pháp Hòa đã đưa ra những lời giảng về đạo Phật rất đúng đắn và dễ hiểu, không có chuyện dọa thần nhát quỷ, đem nghiệp báo hoặc những thứ huyền hoặc ra mị tín đồ để đòi chuyện cúng dường công đức. Gia đình tôi ai cũng thích nghe thầy Pháp Hòa giảng pháp, bạn bè tôi cũng vậy, thường hay gửi cho nhau những video clip về những lời giảng của thầy Pháp Hòa. Đó là một điều tốt vì ít nhất ở thời buổi mạt pháp này vẫn còn có một bậc chân tu và trí giả thực sự và quan trọng hơn hết là những pháp thoại của thầy đã ít nhiều dẫn dắt Phật tử đi con đường đúng, không bị các ma tăng khác làm mê muội.
Thật ra những lời giảng pháp của thầy Pháp Hòa rất đơn giản và thực tế, tựu trung lại gồm những vấn đề sau:
1. Phật giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.
2. Phật giáo không đòi hỏi những hình thức cúng bài rườm rà hoặc những kiêng cữ đầy mê tín mà quan trọng nhất là lòng thành. Trước giờ tôi chưa nghe vị sư nào triệt để chống mê tín dị đoan như thầy Pháp Hòa.
3. Tu không phải là cạo đầu, ăn chay, mặc áo tràng hay tụng kinh niệm Phật. Tu là nhìn lại mình đã sai ở đâu để sửa chính bản thân mình. Khi mình sửa được bản thân mình thì đó cũng là lúc mình giải được nhiều phiền não khiến mình đau khổ.
4. Lạy Phật không phải là để cầu xin mà là một cách thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với một bậc thầy minh triết đã soi đường dẫn lối cho mình thoát khỏi u mê. Đây là điều mà trước giờ tôi chưa nghe vị sư nào nói khi giảng pháp mà chỉ toàn nghe là cầu trời khẩn Phật để được phù hộ.
Tôi nghĩ ngày sẽ càng có nhiều người nghe và chia sẻ những pháp thoại của thầy Pháp Hòa hơn trong cộng đồng Phật tử. Tuy nhiên, điều mà tôi băn khoăn là trong hàng triệu người nghe mỗi ngày, chia sẻ mỗi ngày và gật gù khen hay đó, có bao nhiêu người thực sự hiểu và sửa mình để sống tốt hơn. Bản chất con người là vị kỷ luôn cho mình là đúng, khi gặp sai lầm sẽ luôn tìm mọi lý do để bao biện cho sai lầm của mình. Con người thích nghe lời khuyên nhưng không thích sửa đổi vì nghe lời khuyên thì dễ còn sửa thì cực khó. Con người rất thích tìm những bậc minh sư, thích nghe những lời triết lý trên lý thuyết nhưng rất sợ thực hành vì thực hành vừa tốn công tốn sức, vừa phải kiên trì nhẫn nại mà kết quả thì đâu thể ngày một ngày hai mà có được. Hàng triệu Phật tử đi nghe thuyết pháp, hàng triệu con chiên đi nhà thờ mỗi chủ nhật, có bao nhiêu người thực sự sống thiện lương và từ bi bác ái hay vẫn sân si và đầy chấp niệm. Hàng triệu người nghiện sách self-help nhưng có mấy ai nhờ đọc sách đó mà thành công. Tựu trung, con người thích nghe những lời minh triết nhưng bản thân họ muốn một giải pháp tức thời, không tốn công tốn sức và được sự phù hộ của một đấng siêu nhiên nào đó khi gặp khó khăn. Đó là lý do tại sao người đi chùa cầu Phật thì nhiều nhưng người tự tu bằng cách sửa mình thì cực kỳ ít.
Nhận ra sai lầm của bản thân đã khó, sửa chữa sai lầm càng khó hơn vì nó cần sự quyết tâm và kiên trì. Đi dạy gần 20 năm, tôi nhận ra một điều, cho dù tôi có tận tâm chỉ dạy cho học trò mình tới đâu, có tìm cách giảng bài dễ hiểu tới đâu và có được học trò yêu thích tới đâu thì thành công của người học vẫn nằm ở chỗ người đó có chịu cố gắng làm theo những gì tôi dạy hay không. Những người chịu làm đúng làm tốt những gì tôi dạy thật sự rất ít nhưng điều rõ ràng là họ có nhiều tiến bộ vượt bậc so với lúc đầu. Những người khen tôi dạy hay, dễ hiểu, dạy có tâm rất nhiều nhưng điều đáng nói là họ khen là khen vậy, còn bản thân họ thì không có bao nhiêu tiến bộ vì họ không đủ nỗ lực và kiên trì để sửa những lỗi sai của mình mà luôn dễ dãi với bản thân. Tôi luôn nói với học trò tôi chỉ cần mỗi ngày bạn chịu khó để ý mình sai gì mà sửa một chút, một tháng bạn sửa được khá nhiều, một năm bạn sẽ tiến bộ vượt bậc. Vậy mà có mấy ai làm theo? Học tập có trách nhiệm, làm việc có trách nhiệm cũng chính là tu rồi.
Bản thân tôi cũng không phải tài giỏi gì vì tôi cũng nhiều lần nản chí, nhiều lần cố gắng rồi lại thiếu động lực phấn đấu mà buông xuôi để trở về con số không. Nhưng tôi hiểu rõ giá trị của sự cố gắng vì nếu bạn thực sự cố gắng, chắc chắn bạn sẽ được kết quả xứng đáng với công sức bạn bỏ ra, thậm chí còn hơn thế nữa. Trong hai năm nay, tôi cố gắng đi tập thể dục đều đặn và kiểm soát chế độ ăn uống của mình và kết quả là tôi đã giảm được 30kg, điều mà trước giờ tôi không dám mơ tới. Nếu trước đây không lâu, tôi không nghĩ rằng mình có thể bỏ được thói quen ăn ngọt hoặc ăn nhiều cơm thì bây giờ tôi hoàn toàn có thế ăn nhiều bữa liên tục mà không cần cơm và gần như loại bỏ đường ra khỏi khẩu phần của mình. Lúc đầu tất nhiên rất cực và rất mệt nhưng một khi đã quen thì mọi chuyện sẽ trở nên bình thường. Chín mươi chín phần trăm những người bỏ cuộc và thất bại đều đầu hàng ngay từ bước đầu chứ không phải ở giữa đường hoặc cuối đường.
Tôi hi vọng những người nghe và thích pháp thoại của thầy Pháp Hòa có thể sửa được mình để thực sự tu chứ không chỉ nghe để gật gù tán thưởng rằng thầy nói hay quá nhưng mình thì vẫn là mình. Điều quan trọng nhất của “tu” chính là “sửa” chứ không phải là chỉ nghe suông và càng không phải quỳ lạy cúng bái thắp nhang. Bất kể việc gì bạn làm mà chịu để ý để sửa cho tốt hơn thì đều là tu vậy.
Tu là sửa
Trong chùa không có Phật
Phật có ở trong lòng
Con nghe lời Phật dạy
Từ tiếng gọi lương tâm
Phật không phân chay mặn
Tu nào phải tụng kinh
Phật dạy: tu là sửa
Sửa chính bản thân mình
A di đà niệm mãi
Chấp niệm vẫn không mòn
Đừng cúi đầu quỳ lại
Khi si hận vẫn còn.
Đừng cầu trời khẩn Phật
Mà hãy tự hỏi lòng
Vì lẽ: tu là sửa
Sống đúng với lương tâm.