1. Mục đích của nhà trường không hướng tới kiến thức mà hướng tới thành tích: Thật vậy, chương trình giáo dục hiện nay không hướng học sinh tới việc thu thập kiến thức mà chỉ hướng tới việc học sinh đạt được điểm cao ở các môn và đích đến cuối mỗi năm học là danh hiệu học sinh giỏi. Vì thế học sinh bị nhồi nhét ép học và điểm số được nâng khống để đạt chỉ tiêu học sinh giỏi mà nhà trường đề ra. Thậm chí là có những trường hợp năm nào học sinh cũng đạt học sinh giỏi nhưng chưa đọc viết thông thạo. Điều này khiến cho học sinh đi học nhưng không quan tâm đến mình học được cái gì mà chỉ quan tâm tới việc mình được bao nhiêu điểm, có được học sinh giỏi không để làm vừa lòng thầy cô và cha mẹ. Và dĩ nhiên, khi không quan tâm tới kiến thức thì làm sao có thể đòi hỏi các em chịu tự mình đi tìm kiến thức từ bên ngoài để học hỏi nếu kiến thức đó không thể quy đổi thành điểm số.
2. Thời gian học chính khóa và ngoại khóa quá nhiều: Cũng như cơ bắp, đầu óc cần phải nghỉ ngơi sau một ngày vận động mệt mỏi. Với thời khóa biểu học chính khóa, ngoại khóa, phụ đạo, năng khiếu dày đặc của một học sinh ngày nay, việc đòi hỏi các em về nhà háo hức đi tìm sách để đọc sau một ngày ngập trong chữ nghĩa và sách vở là điều không thể, nếu không muốn nói là hết sức hoang đường. Với lối học nhồi nhét chữ như ngày nay, việc căm ghét sách vở và chữ nghĩa là điều dễ hiểu ở các bạn trẻ. Không ai lại có thể yêu thích những thứ ngày đêm hành hạ mình trừ những kẻ bị chứng khổ dâm.
3. Học sinh không được phát biểu cảm nghĩ của mình khi học môn văn: Có bao giờ giáo viên môn Giảng Văn ở Việt Nam khuyến khích học sinh trong lớp thuyết trình về cuốn sách về mình yêu thích thay vì bắt buộc các em học những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà các em không thể cảm thụ được? Có bao giờ học sinh được phát biểu cảm nghĩ chân thật về những tác phẩm các em học trong sách nếu chúng trái ý thầy cô? Vì sao những bài tập làm văn viết theo suy nghĩ của học sinh đều không thể nào có điểm cao bằng việc chép lại một bài văn mẫu để nộp? Mục đích của việc học văn học là gì nếu không phải là để nuôi dưỡng cảm xúc và học cách suy nghĩ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đối với một tác phẩm hoặc một nhân vật văn học, chuyện mỗi người có góc nhìn khác nhau là chuyện hết sức bình thường. Nếu không được suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của bản thân mình thì việc học văn học sẽ trở nên vô nghĩa. Đừng hỏi tại sao phần lớn học sinh ngày nay rất ghét môn Văn, môn học vốn dĩ rất cần thiết để làm đẹp tâm hồn con người nhưng đã bị dạy hoàn toàn sai cách khiến nó trở thành một gánh nặng.
4. Việc học thuộc lòng giết chết ham muốn đọc sách: Việc học thuộc lòng một lượng kiến thức lớn ngay cả khi người học không thích, không hiểu và không cảm thấy cần thiết sẽ khiến cho đầu óc bị sử dụng quá sức đến mức mệt mỏi và không còn khả năng cảm thụ, phân tích hay phản biện những thông tin được tiếp nhận. Và như một phản xạ có điều kiện, não bộ sẽ chọn cách học thuộc lòng thay vì đọc hiểu và chỉ làm điều đó với một mục đích duy nhất là đi thi lấy điểm. Về lâu về dài, khi việc học thuộc lòng không còn là điều bắt buộc, não bộ của chúng ta sẽ không có nhu cầu đọc, hiểu, cảm nhận, và chắt lọc thông tin mà sẽ tự động đóng cửa trước kiến thức. Việc học thuộc lòng tất cả các môn để lấy điểm suốt 12 năm phổ thông và 4 năm đại học đã góp phần trong nhỏ giết chết tư duy phản biện và phân tích của não bộ, hai điều quan trọng trong việc đọc hiểu.