Mối liên hệ giữa tư duy lý tính và cảm tỉnh đối với sự phát triển xã hội.
Có thể thấy được sự phát triển của một đất nước gắn liền với cách sống của người dân. Ở những nước càng phát triển thì người dân càng ít sống bằng cảm tính và ngược lại, ở các quốc gia lạc hậu, người dân lại càng thiếu sự tách bach giữa lý trí và tình cảm mà hành động theo cảm tính. Tuy không thể nói rằng ở các nước phát triển, con người ai cũng sống lý trí mạnh nhưng có thể thấy rõ một điều, những người có lối sống cảm tính thiếu logic phần lớn đều thuộc tầng lớp có thu nhập và địa vị thấp trong xã hội. Còn những người thuộc tầng lớp từ trung lưu trở lên hầu hết có cách sống khá khoa học nhưng không kém phần nhân văn. Điều này chứng minh một điều rằng, một cuộc sống văn minh, tiến bộ và hiện đại thường không dung nạp cho lối sống tùy tiện và thiếu khoa học.
Người Việt Nam khi đến sống ở Mỹ hoặc các nước châu Âu thường có cảm giác con người ở các nước này rất lạnh lùng như những con robot chứ không thân thiện như ở quê nhà. Chúng ta hay đưa ra những nhìn nhận khá chủ quan và có phần sai lệch như con cái bên Mỹ bất hiếu, cha mẹ đánh nó là lập tức nó gọi điện thoại báo cảnh sát ngay. Và tới khi cha mẹ già thì con cái gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão chờ chết chứ không phụng dưỡng. Vợ chồng bên đó thích thì sống với nhau không thích thì bỏ nhau chẳng có tình nghĩa gì hết. Những lời nói như thế lan truyền khá rộng chưa kể là được thêm mắm dặm muối từ những người sống ở Mỹ về kể cho bà con ở Việt Nam nghe khiến người Việt hình dung trong đầu người Mỹ là một dân tộc không hề có tình cảm và đạo nghĩa và từ đó càng tin rằng những gì thuộc về truyền thống đạo lý Á Đông là tốt đẹp hơn văn minh phương Tây. Sự suy nghĩ nông cạn ấy xuất phát từ cảm tính: thấy cái gì không giống mình trước giờ vẫn tin vẫn làm thì tẩy chay hoặc lên án bất chấp tình lý bên trong. Những người phê phán những điều đó không hề chịu tìm hiểu sâu rằng: trẻ con ở các nước tiên tiến được giáo dục về quyền con người và cách bảo vệ mình từ bé và cha mẹ cũng được giáo dục là không dùng vũ lực để đánh con. Nếu cha mẹ vi phạm luật và xâm phạm tới quyền an toàn thân thể của con mình, việc đứa con gọi điện thoại cho cảnh sát để được bảo vệ không có gì là trái đạo đức cả. Cũng như nếu người Việt Nam hiểu được rằng người già ở nhà một mình cô quạnh trong khi con cái phải tất bật đi làm, đó là chưa kể việc những người bị bệnh, sức khỏe yếu không tự chăm sóc được cho bản thân mình có thể té ngã hoặc bị thương thì việc đưa họ vào những viện dưỡng lão với điều kiện y tế chăm sóc sức khỏe thích hợp và có những người bạn già để tâm sự mới là điều nên làm. Vợ chồng không thể hòa hợp thì chia tay trong văn minh vẫn tốt hơn mà sống ràng buộc nhau bằng đạo nghĩa trong khi cả hai cùng phải chịu đựng nhau cả quãng đời còn lại. Tất cả những điều kể trên đều đã được các nhà xã hội học ở các nước tiên tiến nghiên cứu kĩ lưỡng, đưa vào thử nghiệm, nhận được ý kiến phản biện rồi mới được áp dụng đại trà. Do đó chúng phải được xét trên góc độ cả tình lẫn lý và thì mới có thể thấy được sự đúng đắn và hợp lý, còn nếu chỉ dựa trên cảm tính thông thường, tất nhiên sẽ bị lên án.
Trong khi đó người Âu Mỹ đến Việt Nam sẽ cảm thấy rất khó hiểu khi người Việt Nam mỗi lần kẹt xe thay vì kiên nhẫn chạy theo đúng dòng xe quy định để từ từ thoát thì lại nháo nhào chạy ngược chạy xuôi đi ngược chiều hoặc leo cả lên lề để tình trạng kẹt xe càng thêm trầm trọng. Họ thường hay thắc mắc tại sao người Việt Nam có thể chạy xe gắn máy mà không có mũ bảo hiểm trong khi mặt mũi thì lúc nào cũng nhất thiết phải bịt kín. Họ không hiểu rằng tại sao việc hít khói bụi ngoài đường một ngày lại có thể nguy hiểm hơn là khả năng có thể bị chấn thương sọ não nếu bị đụng xe ngã đập đầu xuống đất. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi mặc dù sống ở Việt Nam khá lâu năm, có vợ người Việt vẫn rất khó chấp nhận chuyện gia chủ gắp thức ăn vào chén của khách trong buổi tiệc hoặc ép nhau uống chí chết mới thôi. Nếu như tang lễ ở những nước tiến bộ được thực hiện hết sức riêng tư, nhanh gọn và đơn giản thì ở Việt Nam, đám ma được tổ chức rùm beng, tốn kém ảnh hưởng đến nhiều người không liên quan từ lúc khâm liệm cho tới khi hạ huyệt. Những cái gọi là phong tục đó nếu dùng lăng kính khoa học để suy xét thì cực kì phi logic và phản khoa học. Trong khi đó chúng ta vẫn vô tư làm những hành động như thế vì ông bà cha mẹ chúng ta đều làm thế mà ít khi nào suy xét đến tính hợp lý của nó. Đó chính là lối sống cảm tính.
Một dân tộc muốn chuyển từ thói quen hành động theo cảm tính sang việc hành động theo đúng tình đúng lý cần có dược sự khai trí đúng đắn. Các nước văn minh phương Tây cũng đã từng trải qua hàng nghìn năm đêm trường Trung Cổ hoàn toàn không được ánh sáng của lý trí và khoa học soi rọi. Đó là thời đại con người châu Âu sẵn sàng vì một lời hô hào của giáo hội mà lập những đoàn thập tự chinh gồm những nông dân nghèo đói chưa bao giờ cầm vũ khí đi sang tận Jerusalem để đánh nhau với người Hồi giáo. Đó cũng là thời hàng nghìn người bị kết tội phù thủy, bị tra tấn dã man rồi bị treo cổ, chặt đầu hoặc thiêu sống chỉ vì một lời vu cáo thiếu căn cứ hoặc vì một dấu hiệu lạ trên cơ thể. Nhưng rất may mắn là châu Âu đã có thời Phục Hưng khi những giá trị triết học biện chứng của Hi Lạp và La Mã cổ đại được phục hồi và con người bắt đầu biết quan tâm đến sự thật hơn là giáo điều. Tiếp đến là kỷ nguyên Khai Sáng với sự phát triển của khoa học và triết học khiến con người thoát khỏi những suy nghĩ vô căn cứ và hành động theo cảm tính vì để thuyết phục được người khác, bạn buộc phải có luận điểm, căn cứ và dẫn chứng cụ thể. Khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, máy móc dần thay thế cho sức lao động tay chân hoặc súc vật, nhà máy thay cho đồng ruộng và thành thị thay cho làng mạc, con người buộc phải thay đổi cách tư duy để có thể phù hợp với sự tiến bộ của điều kiện khách quan. Việc chế tạo máy móc và điều hành máy móc đều đòi hỏi độ chính xác cao và thao tác chuản từng li từng tí chứ không thể làm bừa làm ẩu. Làm việc trong nhà máy, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn lao động nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến năng suất làm việc của cả một ê kíp làm việc chung. Lối sống công nghiệp và thành thị buộc con người bỏ đi cái thói quen sinh hoạt đầy cảm tính kiểu nông thôn mà tôn trọng pháp luật và tuân theo những quy chuẩn xã hội nhất định để vừa đảm bảo quyền lợi của bản thân vừa không xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng.
Một yếu tố nữa quyết định lối sống của con người là lý trí hay cảm tính là sự công bằng và dân chủ của pháp luật. Xã hội càng thượng tôn pháp luật thì con người càng hiểu rằng nếu mình hành động đúng pháp luật, có tình có lý thì mình sẽ không bị thiệt thòi vì pháp luật công bằng sẽ xét đúng người đúng tội. Trong khi đó, nếu pháp luật không nghiêm minh và công bằng, con người sẽ có khuynh hướng manh động và cảm tính vì họ không tin rằng pháp luật sẽ giúp họ giải quyết vấn đề. Một vụ va chạm giao thông không nghiêm trọng lắm ở Việt Nam cũng có thể gây ra xô xát hoặc thậm chí là án mạng chết người là vì sao? Nếu con người có lòng tin vào sự công chính liêm minh của pháp luật, họ đã không nhảy xổ vào đánh nhau để bảo vệ lẽ phải của mình một cách đầy bản năng như vậy. Trong tiềm thức của người Việt, pháp luật chưa bao giờ đứng về phía người yếu hoặc người nghèo mà nó là công cụ của giai cấp thống trị để đàn áp và kìm kẹp người dân. Đối với người Việt, phép vua còn thua lệ làng và dính tới pháp luật là dính tới phiền phức “chưa được vạ thì má đã sưng” hay “vô phúc đáo tụng đình”. Kiện tụng là chuyện hết sức vô ích kiểu “con kiến mày kiện củ khoai”. Vì thế, nếu gặp vấn đề nhỏ, người Việt sẽ cố gắng tìm cách thu xếp bên ngoài và nếu không giải quyết ổn thỏa được thì sẽ lăn xả vào ăn thua đủ với nhau hơn là trải qua cả một quá trình tố tụng vừa rắc rối mệt mỏi vừa không được lợi lộc gì.
Chúng ta cần phải làm gì để hạn chế thói quen sống cảm tính?
Như đã nói ở trên, con người phải biết cân bằng cảm xúc và lý trí thì mới có thể tiến bộ và văn minh được. Lối sống cảm tính đã quá lỗi thời và không phù hợp để bắt kịp nhịp sống hiện đại nữa. Càng sống cảm tính thì càng tụt hậu yếu kém và dễ bị lợi dụng. Tiếc rằng người Việt chúng ta đa số đều sống theo cảm tính từ suy nghĩ tới hành động. Để dần dần từ bỏ lối sống cảm tính, các bạn trẻ nên thử luyện tập những điều sau:
1. Nhìn một vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau trước khi rút ra kết luận về nó. Đừng kết luận vội vã khi chưa hiểu thấu đáo vấn đề.
2. Tập đưa ra ý kiến độc lập. Tránh a dua hùa theo số đông.
3. Tập nghe nhiều hơn nói. Suy nghĩ kĩ trước khi mở miệng. Hạn chế sa đà vào những tranh cãi vô bổ với những người không đưa ra được lý lẽ thuyết phục và chủ yếu là chửi bới mạt sát lẫn nhau.
4. Hạn chế và dần dần loại bỏ những loại văn hóa phẩm đánh vào những cảm xúc hời hợt dễ dãi và phi thực tế như các chương trình hài nhảm, truyện ngôn tình, phim truyền hình nhiều tập…
4. Làm quen và tập cho mình thói quen đọc sách để mở mang kiến thức, nhất là những sách có giá trị: sách khoa học, tâm lý, triết học và những tác phẩm văn học cổ điển.
5. Tìm hiểu và có cái nhìn đúng đắn về những nền văn hóa khác nhau. Đừng kì thị những gì không giống mình và nhất là khi mình hiểu biết quá ít về nó.
6. Quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề trong xã hội. Người không quan tâm hay hiểu biết về xã hội mình đang sống là người dốt nát bất kể người đó có học vị gì.
7. Tập cách suy nghĩ theo logic: nhân quả giải pháp. Khi một vấn đề xảy ra, tập thói quen đặt câu hỏi tại sao điều này lại xảy ra? Nó ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến những việc khác xung quanh như thế nào? Cách giải quyết nào cho vấn đề là hợp lý nhất?
8. Tập cách suy nghĩ phản biện: gạt bỏ và phản bác lại những luận điểm, giải thích thiếu logic hoặc phi thực tế bằng những câu trả lời logic và thuyết phục.
9. Nếu có sẵn trong đầu định kiến/thành kiến về một điều gì đó mà không rõ lý do, hãy tìm hiểu kĩ về nó. Đôi khi định kiến ban đầu của bạn về vấn đề đó là hoàn toàn sai lệch.
10. Hạn chế những chuyện ăn uống nhậu nhẹt vô bổ với những người không đáng. Dành thời gian trò chuyện với cha mẹ, vợ con hoặc những người bạn thực sự.
11. Hãy kiên nhẫn trong việc dạy con. Đừng dùng đòn roi hoặc dạy con phục tùng vì sợ hãi mà hãy dùng lý lẽ để giải thích cho con biết chúng sai ở đâu.
12. Hãy quan tâm hơn tới cảm xúc và quyền lợi của người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác trước khi có hành động hoặc lời nói gây tổn thương cho người đó.