Share on facebook

Người Sài Gòn còn ai nghe cải lương?

Có thể bạn quan tâm

Cách đây 3 ngày, báo chí truyền thông cũng như facebook đưa tin nghệ sĩ cải lương Vũ Linh đã qua đời ở tuổi 65 sau nhiều năm chống chọi với bạo bệnh. Tôi chưa bao giờ là fan của cải lương nhưng là một người Sài Gòn thế hệ 8x, tôi phải thừa nhận rằng cải lương để lại một ký ức khá sâu sắc trong tuổi thơ của tôi vì tôi đã từng sống qua thời hoàng kim của sân khấu cải lương ở Sài Gòn. Bài viết này trích trong cuốn sách “Sài Gòn 8x-Quen mà lạ” tôi viết trong thời gian cách ly mùa dịch covid năm 2021. Xin chia sẻ cho mọi người đọc như một lời phân ưu với cố nghệ sĩ Vũ Linh và dành tặng cho những người yêu mến nghệ thuật cải lương Sài Gòn.

Ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, “cải lương” không phải là một danh từ chỉ một loại hình nghệ thuật sân khấu mà là một tính từ dùng để chỉ một điều gì đó sến súa, giả tạo hay ủy mị một cách không cần thiết. Thậm chí một số bạn trẻ Sài Gòn thuộc gen Z còn có thể không biết cải lương là gì vì ở Sài Gòn ngày nay còn mấy ai nghe cải lương qua băng cassette hoặc coi cải lương bằng băng video. Thời buổi ngày nay, nếu có anh chàng nào mua cặp vé cải lương rủ người yêu đi xem dịp cuối tuần thì anh chàng đó đúng là “hàng độc” trong mắt mọi người. Nhưng nếu đi ngược về quá khứ cách đây ba mươi mấy năm về trước, cặp vé xem đoàn Trần Hữu Trang hay Sài Gòn 1 diễn tuồng “Tô Ánh Nguyệt” ở rạp Thủ Đô mà chàng để dành tiền lương công nhân ít ỏi mua mời nàng đi xem đôi khi lại là cặp vé …vô vòng chung kết trong giải thi đấu giành được trái tim nàng. Chỉ có 30 năm thôi mà cải lương, từ một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng của Sài Gòn, đã gần như rơi vào quên lãng bởi những thế hệ người Sài Gòn trẻ.

Trước khi phim truyền hình nhiều tập và vô số các gameshow chiếm lĩnh các kênh truyền hình thì cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu của người miền nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Một trong những đặc trưng của các khu xóm lao động nghèo Sài Gòn những năm thập niên 1980 hay 1990 là tiếng hát cải lương được phát ra từ cái máy radio cassette cọc cạch nghe buồn não nuột trong những đêm mưa lạnh lẽo hoặc những buổi trưa vắng. Thời đó, dường như mấy xóm như vậy kiểu gì cũng có một ông thợ mộc hay ông thợ cắt tóc dạo là thầy đờn vọng cổ nghiệp dư với cây đàn guitar phím lõm cũ kỹ treo trên vách bên cạnh những tấm poster Lệ Thủy Minh Vương hay Ngọc Huyền Kim Tử Long cắt ra từ báo Sân Khấu. Và dĩ nhiên, căn nhà đó thường là nơi tụ tập mỗi đêm sau một ngày mưu sinh vất vả của dân “biết ca vọng cổ” và khán giả trong trong xóm để làm vài câu vọng cổ giải sầu để tạm quên đi cái cơ cực của cái sự đời. Cũng có những đêm mưa dầm, hàng xóm không ai tới, người nghệ sĩ cô đơn vẫn theo lệ ôm đàn cất tiếng ca lạc lõng chơi vơi hòa cùng tiếng mưa rả rích bên ngoài. Vọng cổ đã buồn tha thiết nhưng tiếng ca vọng cổ phát ra trong ngôi nhà cấp 4 hiu hắt ánh đèn vàng leo lét của xóm nghèo đêm mưa còn thê lương lạnh lẽo hơn.

Cũng như nhiều đứa trẻ Sài Gòn thế hệ 8x, tuổi thơ của tôi gắn liền với những cuốn băng cải lương cassette cũng như những tuồng cải lương được chiếu trong chương trình Sân Khấu trên tivi tối thứ bảy hàng tuần. Từ nhỏ, tôi đã nghe và thuộc rất nhiều tuồng cải lương nổi tiếng “Nửa đời hương phấn”, “Sân khấu về khuya”, “Bên cầu dệt lụa”, “Tình sử Dương Quý Phi”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Pha lê và cát bụi” … qua những cuộn băng cassette. Có những tuồng như Kim Vân Kiều, tôi nghe đi nghe lại đến thuộc lòng từng câu hát, từng đoạn thoại. Nhưng nghe cải lương thì không thể nào sướng bằng xem cải lương vì khi xem cải lương trên tivi (mặc dù thời đó chỉ có tivi trắng đen), tôi không phải tưởng tượng ra dung mạo, trang phục của các nhân vật cũng như điệu bộ, hành động của diễn viên như thế nào như khi nghe qua băng cassette. Có hai tuồng cải lương mà tôi còn nhớ rất rõ đó là tuồng “Nàng Xê đa” (chuyển thể cải lương từ sử thi Mahabharata nổi tiếng của Ấn Độ) vì có thần khỉ Hanuman huy động đội quân khỉ xây cầu chiến đấu với vua quỷ và tuồng Tiếng Trống Mê Linh với bài “Trong giây phút chia tay/tim còn ghi lời thề” bất hủ. Tuy nhiên một vở tuồng cải lương thường quá dài đối với một đứa trẻ nên hiếm khi nào tôi có đủ sức thức coi đến hết tuồng mà thường ngủ gật giữa tuồng. Có nhiều lúc trong khi ngủ gục, tôi mơ luôn cả kết cục của tuồng cải lương và hôm sau tỉnh dậy đinh ninh rằng mình đã xem hết tuồng.

Thời bao cấp, những đoàn cải lương ở Sài Gòn trước năm 1975 được quốc hữu hóa và các nghệ sĩ cải lương vô đoàn ăn lương theo biên chế nhà nước. Tôi nhớ lúc đó Sài Gòn có các đoàn cải lương Trần Hữu Trang, đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, đoàn 28/4 (hay được gọi là đoàn “hai tám tư”), đoàn Hương Mùa Thu và đoàn Huỳnh Long chuyên trị tuồng cổ hay diễn ở nhiều rạp hát lớn ở Sài Gòn trong đó gần nhà tôi nhất là rạp hát Tân Định. Chính bản thân tôi cũng từng được bà ngoại dẫn đi xem cải lương ở rạp Tân Định mỗi khi rạp có hát tuồng cổ lịch sử hoặc tuồng Hồ Quảng. Thời đó rạp Tân Định có diễn nhiều tuồng lịch sử Việt Nam rất hay như “Tô Hiến Thành xử án”, “Bức ngôn đồ Đại Việt” hay “Bão táp Nguyên Phong”. Nhờ coi tuồng cổ mà tôi bắt đầu thích và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam từ khi còn rất nhỏ.

Những ngôi sao sáng của làng cải lương Sài Gòn thập niên 1980 như NSƯT Bạch Tuyết, Phượng Liên (cô Phượng Liên hình như đến thập niên 1990 thì sang nước ngoài định cư), Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Diệp Lang, cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền-Thanh Kim Huệ, Thanh Tòng, Thanh Sang… thời đó nổi tiếng không kém những ngôi sao V-pop hoặc những hotboy và hotgirl ngày nay. Những giọng ca vàng của thế hệ trước như các cố nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Tám Vân, bà Bảy Nam (mẹ của nghệ sĩ Kim Cương)… tuy đã bước sang tuổi ngũ tuần lục tuần nhưng vẫn còn rất được yêu mến. Thời đó, nếu tính về độ hot của kép thì không ai có thể qua nổi nghệ sĩ Minh Vương và Minh Phụng còn đào thì là nghệ sĩ Bạch Tuyết và Lệ Thủy. Nhưng tôi thì thích giọng ca của nam nghệ sĩ Thành Được với những vai diễn như Từ Hải trong tuồng Kim Vân Kiều, Hai Thành trong Đời Cô Lựu (ông vượt biên sang Pháp sau năm 1975 không lâu) và nghệ sĩ Thanh Sang vì giọng hai ông nghe ấm và sang rất nam tính chứ không …nhão như chú Minh Vương hay điệu như chú Thanh Tòng. Một nghệ sĩ cải lương nữa mà tôi rất thích là NSƯT Diệp Lang mặc dù ông chuyên đóng vai ác vì ông diễn như không diễn, đóng vai ác nhưng không cần phải lên gân.

Thời đó Hội sân khấu có xuất bản tạp chí Sân khấu chuyên về cải lương mà nhà tôi vẫn thường mua và tôi vẫn hay đọc ké. Trong báo tôi thích đọc nhất là mục “cải lương bằng hình” với nội dung tóm tắt kèm những hình ảnh của một vở tuồng cải lương được chụp lại từ buổi diễn và sắp xếp trong khuôn khổ hai trang báo theo kiểu truyện tranh. Nhờ mục “cải lương bằng hình” mà tôi biết trước được nội dung của khá nhiều những vở cải lương sắp được chiếu trên tivi hoặc sắp được diễn ở rạp.

Không biết có phải vì lúc nhỏ tôi nghe và xem cải lương nhiều quá hay không mà tôi có những suy nghĩ già trước tuổi. Tôi vốn có trí nhớ tốt lại rất hay để ý những gì diễn ra xung quanh mình nên những chuyện nhân tình thế thái, yêu ghét thù hận trong các vở tuồng cải lương mà thường thì những đứa trẻ chưa tới tuổi vào lớp 1 như tôi thời đó ít quan tâm, tôi đều nhớ rất rõ và thường suy nghĩ về chúng. Ba tôi thấy vậy sợ tôi con trai mà đa sầu đa cảm sẽ yếu đuối nên cấm tôi không được xem hoặc nghe cải lương nữa. Nhưng làm sao cấm được khi lúc đó cả nhà chỉ có một cái máy cassette hay một cái tivi để giải trí, người lớn nghe gì, xem gì thì con nít cũng theo đó mà “hưởng xái” một cách chủ động hoặc bị động. Cũng may là tôi lớn lên đủ đa sầu đa cảm để trở thành một nghệ sĩ nhưng không yếu đuối và ủy mị đến mức không còn là một người đàn ông “chuẩn man” như ba tôi đã từng lo lắng.

Bước sang thập niên 1990, tôi lúc này là một cậu thiếu niên và không còn mê cải lương nữa. Một phần là vì ở tuổi đó tôi có nhiều thứ khác để quan tâm và tìm hiểu như kịch nói, âm nhạc và điện ảnh hơn là những tuồng cải lương bắt đầu lỗi thời. Đối với một cậu thanh niên ham khám phá như tôi, cải lương có tiết tấu chậm hơn nhiều so với phim điện ảnh và nội dung lại thường khá đơn giản không sâu sắc như kịch nói. Tôi cũng không thích cảm xúc của những nhân vật trong cải lương đều được cường điệu hóa mà không có những khoảng lặng cần thiết để khán giả có thể lắng đọng và suy nghĩ. Thỉnh thoảng tôi vẫn xem một số vở cải lương phát trên truyền hình nhưng không còn hào hứng nữa. Tiết mục mà tôi mong chờ trên chương trình “Sân khấu” tối thứ bảy là những vở kịch nói với dàn diễn viên Thành Lộc, Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Minh Nhí… hơn là những vở cải lương như trước kia.

Cải lương ở Sài Gòn trong thập niên 1990 tuy có sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, nhạc trẻ cũng như phải đối đầu với sự “xâm lược” của phim Hong Kong, phim Mỹ qua các cuộn băng video, dù không còn giữ thế độc tôn như trong thập niên 1980 nhưng vẫn chưa thể gọi là mất đi ánh hào quang của mình. Đó là thời của thế hệ những ngôi sao cải lương mới như nghệ sĩ Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Linh Tâm, Cẩm Thu…với độ hot không kém những tên tuổi Minh Vương, Lệ Thủy… của thập niên trước. Và cũng có thể coi đây là thế hệ tâm huyết cuối cùng của cải lương Sài Gòn với sự nghiêm túc đầu tư cho từng vai diễn cũng như lòng yêu nghề sẵn sàng sống chết với nghiệp cầm ca. Mặc dù các sân khấu cải lương ở Sài Gòn trong những năm 1990 dần chuyển hướng sang kinh doanh rạp chiếu phim hoặc giải thể vì không trụ nổi, những ngôi sao cải lương giai đoạn này vẫn xuất hiện đều đặn trên chương trình Sân Khấu tối thứ bảy và đặc biệt rất đắt show ở các tỉnh miền Tây, nơi sự xuất hiện của họ là những sự kiện đình đám không kém gì những ngôi sao Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn ngày nay. Hễ đoàn nào mời được cặp Vũ Linh-Tài Linh hay Ngọc Huyền-Kim Tử Long về tỉnh hát thì coi như bầu sô theo ngôn ngữ của người miền Tây là “đếm tiền tới gãy tay” còn chuyện diễn viên cải lương đi mỗi lần đi hát tỉnh mua được cả cây vàng là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Thập niên 1990 cũng chứng kiến sự giải thể của các đoàn cải lương nhà nước vì cơ chế bao cấp đã quá lỗi thời không còn bắt kịp xu thế của nền kinh tế thị trường. Điều này khiến cho những nghệ sĩ cải lương thuộc hàng sao được tháo cũi sổ lồng tự do phát triển nhưng ngược lại khiến cho những nghệ sĩ lớn tuổi hết thời hoặc những nghệ sĩ không tên tuổi trở nên chật vật trong cuộc mưu sinh. Nhiều người do không đủ thanh sắc để trụ lại với nghề đã giải nghệ làm những công việc khác hoặc đầu quân cho những đoàn cải lương tỉnh ít tiếng tăm rồi dần rơi vào quên lãng trong cuộc sống nghèo nàn chật vật. Giai đoạn này cũng là giai đoạn phim video nở rộ nên cải lương cũng phát triển theo hướng phát hành những tuồng cải lương qua băng video để bắt kịp với xu thế mới của thị hiếu. Điều này khiến cho cải lương trở nên phổ biến hơn, nghệ sĩ cải lương kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tiếc thay lại góp phần giết chết nghệ thuật cải lương chân chính.

Lúc đầu, các đoàn video cải lương sử dụng lại kịch bản của những vở cải lương kinh điển của những thập niên trước như “Lá sầu riêng” hay “Nửa đời hương phấn” để dàn dựng lại và quay thành phim video với dàn diễn viên gồm những ngôi sao mới. Những đoàn cải lương tuồng cổ thì đầu tư phục trang thật lộng lẫy và đạo cụ hoành tráng để dựng những vở cải lương Hồ Quảng như “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ” hay “Xử án Phi Giao” với bối cảnh ngoài trời quay ở một khu du lịch nào đó thay vì quay trên sân khấu truyền thống. Nhưng đến khi các vở tuồng kinh điển đã được tận dụng hết nhưng nhu cầu về video cải lương lại đang ở trên đỉnh cao về thương mại, những hãng phim làm video cải lương bắt đầu đi vào con đường hi sinh nghệ thuật để kiếm lợi nhuận theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Khi phim bộ Hong Kong và Đài Loan lên ngôi, các vở cải lương ăn theo “Tây Du Ký”, “Bao Thanh Thiên” hay “Hoàn Châu cách cách” cũng lần lượt ra đời với trang phục gần như bắt chước các bộ phim này 100%. Và khi hết cái để ăn theo, trào lưu video cải lương bắt đầu rơi vào trạng thái thiếu kịch bản mới cũng như thiếu thế hệ diễn viên mới kế thừa. Nội dung của những tuồng cải lương video thời đó rơi vào lối mòn khai thác những đề tài lạc hậu và nhàm chán như tình yêu không môn đăng hộ đối, những chuyện tình tay ba ghen tuông đẫm nước mắt, chuyện những cô gái nghèo vì hoàn cảnh mà lỡ bước sa chân đi vào con đường bán phấn buôn hương hay cường hào ác bá ỷ giàu hiếp nghèo với bối cảnh miền Tây nam bộ thời còn tá điền và địa chủ. Không có thời gian để đầu tư cho diễn xuất của mình vì suốt ngày phải chạy sô quay video, các nghệ sĩ cải lương càng lúc càng mờ nhạt với những vai diễn đơn điệu nhàm chán. Khán giả bắt đầu ngán ngẩm với cảnh cưa sừng làm nghé của những cô đào đã ngấp nghé U40 đóng giả làm gái quê e ấp hay những anh bơm môi bơm má cất giọng eo éo ta thán về kiếp nghèo của mình. Lớp khán giả trẻ tuổi quen với phim điện ảnh và phim truyền hình không ai mặn mà với lối diễn cường điệu rất “cải lương” của cải lương. Đã vậy do việc quay và dàn dựng diễn ra cấp tốc, những tuồng cải lương video mắc phải vô số lỗi hậu kỳ cẩu thả khiến cho chất lượng càng lúc càng tệ. Một trong những lỗi kinh điển của các video cải lương thời kỳ này là lỗi hình và tiếng không khớp với nhau nên hầu hết các băng video cải lương thường gặp tình trạng miệng nhép một đường mà tiếng đi một nẻo. Không có gì buồn cười hơn là khi nhìn thấy diễn viên đang gân cổ khoa tay múa chân lên nói nhưng lại không có tiếng phát ra hoặc câu thoại của nữ lại rơi vào miệng của diễn viên nam. Đến khoảng cuối những năm thập niên 1990, kịch nói Sài Gòn lên ngôi với các sân khấu 5B Võ Văn Tần hay Idecaf đường Thái Văn Lung khiến cải lương không còn được người Sài Gòn ưa chuộng nữa và đến đầu những năm thập niên 200x thì gần như biến mất hẳn khỏi thị trường giải trí, đặc biệt là khi đĩa DVD trở thành phương tiện nghe nhìn thay thế cho băng video.

Ngày nay giới mê cải lương ở Sài Gòn trẻ nhất cũng phải thuộc hàng U50 và thay vì xem cải lương thì họ xem phim truyền hình nhiều tập và theo dõi các live show thực tế về bolero. Còn giới trẻ U30 thì hầu như không còn biết đến loại hình nghệ thuật cải lương đã từng một thời làm mưa làm gió ở Sài Gòn trước khi họ ra đời. Có lần do tò mò, tôi lên youtube gõ thử tên một số tuồng cải lương kinh điển thì thấy hầu hết đều được tải lên youtube nhưng số lượng người xem không nhiều. Những xóm nhỏ Sài Gòn cũng không còn tiếng hát cải lương phát ra những chiếc máy cassette cũ loa rè nghe buồn não nuột. Sài Gòn ngày nay, có còn ai nghe cải lương?!!

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm