Có một bạn học viên thường nhắn tin hỏi bài tôi hoặc nhờ tôi tư vấn. Tính tôi trước giờ vẫn là sẽ trả lời ngay các tin nhắn nếu có thể chứ không để lâu mới trả lời vì nhiều khi có những tin nhắn nếu không trả lời ngay sẽ bị đẩy xuống dưới nếu có nhiều người nhắn tin sau. Và lần nào trả lời tôi cũng đều giải thích đàng hoàng để đảm bảo bạn đó hiểu chứ không trả lời qua loa. Nhưng chưa bao giờ tôi nhận được lời cảm ơn từ bạn ấy. Sau vài lần như thế, tôi quyết định không trả lời tin nhắn nữa. Tôi không nhắn tin trách vì đối với một người đã tốt nghiệp đại học, chuyện cảm ơn là một phép lịch sự tối thiểu, chẳng lẽ phải dạy lại từ đầu?
Trong hàng vạn câu nói, “cảm ơn” và “xin lỗi” là hai câu nói có sức mạnh thần kỳ nếu chúng xuất phát từ tấm lòng của người nói. Khi tôi dạy tiếng Anh giao tiếp cho các học viên của mình, tôi luôn nhấn mạnh rằng bạn tuyệt đối không nên phát âm sai các câu: “Thank you very much! I really appreciate it.” hay “I apologize for…” và cụm từ “Excuse me” vì thử hỏi một người học tiếng Anh bao nhiêu năm mà những câu căn bản còn phát âm sai thì thật sự rất khó chịu. Hơn nữa, khi bạn nói “cảm ơn” và “xin lỗi” mà nói một cách tùy tiện, chỉ có vài chữ mà cũng sai thì rõ ràng bạn không thực sự cảm thấy biết ơn hoặc hối lỗi mà chỉ nói qua loa cho có như một thủ tục. Tôi cũng phân biệt rõ khi nào cần nói đầy đủ “Thank you very much” và khi nào chỉ cần nói ngắn gọn “Thanks (a lot)!”. Dạy giao tiếp không chỉ là dạy vài mẫu câu để học thuộc đối phó mà còn phải dạy luôn văn hóa ứng xử trong giao tiếp.
Ngay trong tiếng Việt, nếu bạn muốn nói cảm ơn thì hãy nói cho đàng hoàng nghiêm túc. Đừng nói hoặc nhắn tin kiểu teen: “cám mơn” hoặc “mơn” hoặc “ty” đặc biệt đối với người lớn tuổi hơn mình hoặc người mới quen. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng của bạn đối với người đó hoặc bạn không thực sự cảm kích sự giúp đỡ của họ. Đừng cho đó là chuyện nhỏ hay bạn bè bạn ai cũng làm như thế có sao đâu. Những chuyện cần nghiêm túc và tử tế thì cho dù là chuyện nhỏ nhất bạn cũng phải làm cho đàng hoàng tử tế vì nó thể hiện tư cách của bạn. Muốn nói lời cảm ơn thì hãy nói rõ ràng và luôn kèm theo từ xưng hô: “Con cảm ơn cô/chú/bác” hoặc “Anh/em cảm ơn anh/chị” tùy theo sự tương quan về vai vế.
Trong thời gian sống ở Mỹ, tôi học được thói quen tốt là luôn cảm ơn ngay cả đối với những việc nhỏ nhất mà người khác làm cho mình. Văn hóa phương Tây có một điểm hay mà chúng ta nên học là những câu “cảm ơn” hoặc “xin lỗi” là những câu cửa miệng và không phân biệt tuổi tác, địa vị hoặc quan hệ thân sơ. Tôi thấy cha mẹ cảm ơn con cái, vợ chồng cảm ơn nhau, người lớn cảm ơn trẻ nhỏ, người có địa vị cao vào nhà hàng cảm ơn người phục vụ bàn một cách rất tự nhiên. Ở Việt Nam điều này còn khá hiếm vì văn hóa “biết ơn” dường như chỉ có một chiều: người nhỏ phải biết ơn người lớn, con cái biết ơn cha mẹ, học trò biết ơn thầy cô…Có bao nhiêu người chồng biết ơn vợ sau cơn vượt cạn sinh tử để sinh cho mình một đứa con? Có bao giờ bạn nghĩ mình phải biết ơn con cái mình vì không có con cái, chúng ta không bao giờ có được niềm hạnh phúc được làm cha mẹ và cũng sẽ không biết cách làm cha mẹ, một điều mà chẳng có trường lớp nào dạy cho ta. Con cái lớn lên một tuổi là chúng ta lại học được nhiều điều mới và cũng là cơ hội để chúng ta có thể sống lại một lần nữa tuổi thơ của chính mình. Học trò biết ơn thầy cô vì đã truyền đạt kiến thức cho mình nhưng thầy cô cũng cần biết ơn học trò vì học trò chính là thước đo chuẩn xác nhất về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Sếp phải biết ơn nhân viên đã tận tụy với mình vì cho dù có giỏi cách mấy, một người sếp cũng không thể ba đầu sáu tay làm hết mọi việc được. Vợ tôi luôn nói với tôi rằng chúng ta nên biết ơn những bạn đã chọn học tại BHV English và đã theo chúng ta qua nhiều năm vì họ tin tưởng và yêu thương mình mới gắn bó như thế trong khi bên ngoài có rất nhiều trung tâm khác để lựa chọn. Tuy nhiên khi tôi chia sẻ với một số người về việc cha mẹ nên biết ơn con cái, thầy cô nên biết ơn học trò, nhiều người cười khẩy hoặc tỏ thái độ phản đối vì cho rằng điều này “trái với tôn ti trật tự”. Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn nếu họ cho rằng lòng biết ơn cũng cần phải có “tôn ti trật tự” và không có chuyện người trên phải biết ơn người dưới.
Sau đây là 10 trường hợp bạn nên kèm theo một lời “cảm ơn” lịch sự kèm theo một nụ cười thân thiện vì cử chỉ nhỏ nhặt này sẽ đem lại niềm vui cho người nhận, truyền cho họ năng lượng tích cực giúp giảm bớt những cực nhọc mệt mỏi và giúp bạn nâng cao giá trị bản thân mình.
1. Hãy cảm ơn người shipper đội nắng đội mưa đến giao hàng cho bạn và đừng chờ lấy lại vài ngàn tiền thối từ họ.
2. Hãy cảm ơn người tài xế taxi hay người chạy Grab đã đón bạn đúng giờ và đưa bạn đến nơi an toàn.
3. Hãy cảm ơn người bán hàng rong cho dù bạn chỉ mua món hàng đáng giá vài ngàn. Giá trị món hàng thấp không có nghĩa là giá trị của người bán cũng thấp hèn.
4. Hãy cảm ơn người phục vụ trong quán ăn hay nhà hàng mỗi lần họ mang lên cho bạn món ăn hoặc nước uống hay dọn dẹp bàn của bạn khi bạn dùng xong món. Trong khi bạn ăn uống thoải mái vui vẻ, họ có thể rất đói hoặc rất mệt nhưng vẫn nở nụ cười và đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
5. Hãy cảm ơn những người công nhân vệ sinh khi bạn trả tiền rác hàng tháng hoặc nếu bạn cần nhờ họ đổ thêm rác, đặc biệt là những món đồ nặng, cồng kềnh hoặc nguy hiểm. Đừng quên biếu họ thêm ít tiền vì đã giúp bạn giải quyết khó khăn. Hãy nghĩ tới những phiền phức mà bạn phải đối mặt nếu không có họ.
6. Hãy cảm ơn người giúp việc nếu bạn nhờ họ làm thêm việc phát sinh. Nếu việc gì bạn có thể làm được thì hãy tự làm. Người giúp việc không phải là người hầu mà bạn có thể tùy tiện sai khiến. Tôi luôn dạy con tôi tự làm những việc mà bé có thể làm được chứ không được ngồi sai cô giúp việc như ông chủ nhỏ.
7. Nếu là người bán hàng, hãy cảm ơn người mua hàng giúp bạn cho dù trực tiếp hay online.
8. Khi mua hàng online, mỗi lần nhận được hàng vừa ý, đóng gói cẩn thận, tôi đều gửi tin nhắn báo nhận được hàng và không quên cảm ơn về món hàng hoặc việc đóng gói. Điều này sẽ khích lệ họ làm tốt hơn trong việc phục vụ khách hàng.
9. Khi bạn hỏi giá một món hàng online, nếu người bán trả lời bạn nhanh chóng và lịch sự thì ngay cả khi không mua, bạn cũng nên cảm ơn một tiếng và hẹn dịp khác.
10. Hãy cảm ơn người giữ xe đã sắp xếp xe bạn đàng hoàng và dắt xe ra cho bạn khi bạn lấy xe, đặc biệt là những người đáng tuổi cha chú mình. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhiều bạn gái ăn mặc trang điểm rất đẹp nhưng leo lên xe đi ngay mà không thèm cảm ơn chú bảo vệ dẫn xe ra giùm mình một tiếng. Trong mắt tôi, đó là những cô gái “xấu”.
Cha mẹ muốn dạy con cái lòng biết ơn, đừng chỉ chăm chăm giáo điều “công cha nghĩa mẹ” như một gánh nặng bắt con cái phải ghi nhớ và báo hiếu. Hãy bắt đầu từ việc biết ơn và cảm ơn những người xung quanh, con cái bạn sẽ tự hiểu và biết ơn những hi sinh bạn dành cho chúng.