Từ ngày Việt Nam mở cửa với nền kinh tế thị trường khiến cho hàng hóa lưu thông trở lại và những sản phẩm như máy cassette, tivi màu, tủ lạnh và đầu máy video không còn là những mặt hàng “xa xỉ” (người miền Nam gọi là “xa xí phẩm” chứ không gọi là “xa xỉ”) như trước mà đã trở nên những món đồ gia dụng đối với những gia đình có thu nhập ổn định. Chỉ khoảng 2 năm sau khi nhà tôi mua đầu máy video thì gần như những nhà xung quanh nhà tôi cũng đều có đầu máy xem phim và đó cũng là lúc các dịch vụ cho thuê băng video ở Sài Gòn bắt đầu mọc ra như nấm để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Đối với dịch vụ cho thuê băng video thì tôi biết khá rõ vì lúc trước nhà tôi từng cho người ta thuê mặt bằng kinh doanh thuê băng video và khoảng vài năm sau thì chính mẹ tôi cũng mở một tiệm cho thuê băng video tại số 150/5 Cô Bắc, Phú Nhuận (ngôi nhà này hiện tại là trụ sở của trung tâm BHV English của tôi).
Các dịch vụ thuê băng video ở Sài Gòn thời đó cho dù khác nhau về quy mô lớn nhỏ nhưng trên cơ bản là có cách bày trí giống nhau bao gồm, một tủ kính hình chữ L để vừa để đựng băng vừa làm quầy để ngăn người cho thuê băng và người đến thuê băng và một chiếc tủ kính cao dựa tường bên trong quầy có thể chứa hàng trăm cuốn băng video để tiện lấy đưa cho khách. Những bộ phim mới ra trong tuần sẽ được ghi bằng bút lông trên tấm bảng trắng treo trước cửa tiệm để quảng cáo cho người thuê. Những cửa hàng thuê băng video quy mô lớn thậm chí treo đến 3-4 tấm bảng như thế, một bảng ghi phim lẻ Mỹ và Hong Kong, một bảng ghi phim bộ TVB hay Đài Loan còn một bảng để ghi phim Việt Nam, cải lương và các chương trình Thúy Nga Paris By Night mới.
Để thu hút khách đến thuê băng, các dịch vụ còn treo những poster phim mới và dán hình những diễn viên Hong Kong nổi tiếng thời bấy giờ như Lưu Đức Hoa, Thành Long, Lê Minh, Châu Hải My… trên cửa kính tủ. Tiệm nào có vốn liếng chút đỉnh thì để luôn một bộ combo đầu máy và TV để thử phim trực tiếp cho khách khi khách có yêu cầu. Thông thường mỗi dịch vụ sẽ có một nhân viên ngồi quầy nhưng vào giờ cao điểm có thể có từ 2-3 nhân viên mới đủ lấy băng và ghi băng cho khách. Ngoài ra mỗi dịch vụ còn có một nhân viên chạy vòng ngoài, tức là đi lấy phim mới từ các đầu nậu về cung cấp cho cửa hàng. Nhưng đó chỉ mới là bề nổi vì bất cứ nhà nào làm dịch vụ cho thuê băng video đều có “mật thất” mà người bên ngoài ít khi để ý tới.
Để hiểu tại sao các dịch vụ thuê băng video đều phải có “mật thất” và công dụng của “mật thất” ấy là gì, trước tiên phải nói đến cơ chế quản lý máy móc kém linh hoạt của Sở Văn Hóa & Thông Tin đối với các dịch vụ thuê băng video ở Sài Gòn trong thập niên 1990. Thời đó, các dịch vụ thuê băng video phải xin giấy phép của Sở Văn Hóa & Thông Tin mới được hoạt động kinh doanh và trên lý thuyết, chỉ có những phim được dán tem kiểm duyệt của Sở (dân trong nghề gọi là “phim trong luồng”) thì mới được cho thuê. Tuy nhiên nếu chỉ cho thuê những “phim trong luồng” này thì chắc chắn rằng dịch vụ cho thuê băng video đó sẽ đóng cửa sớm do…ế khách vì phim được cấp phép thường là những phim từ nhiều năm trước và nội dung phải “sạch sẽ” có nghĩa là không có các cảnh đánh đấm hoặc tươi mát. Đó là lý do tại sao các dịch vụ cho thuê băng video thời đó luôn có một “phòng chứa bí mật” để chứa hàng trăm thậm chí là hàng ngàn cuốn phim “ngoài luồng” đủ thể loại từ phim hình sự Mỹ, xã hội đen Hong Kong, phim ma, kinh dị, các chương trình ca nhạc hải ngoại như Asia, Paris By Night…cho tới cả phim “cấm trẻ em” chỉ cho khách “ruột” thuê mà thôi. Căn “mật thất” này thường được đặt sâu trong nhà hoặc ở tầng cao nhất của căn nhà để tránh sự kiểm tra đột xuất của đội công an văn hóa mỗi lần có đợt “truy quét văn hóa phẩm đồi trụy” của Sở. Nếu bị công an văn hóa phát hiện, toàn bộ số băng video “ngoài luồng” này sẽ bị tịch thu và dịch vụ sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí có thể bị tước giấy phép kinh doanh. Nhưng trên thực tế, chuyện này hiếm khi xảy ra vì các dịch vụ thuê băng video đều có mối quan hệ “cửa sau” với công an văn hóa nên những đợt truy quét này đều được báo trước để các dịch vụ biết mà né hoặc nếu có phạt thì cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ” mà thôi.
Ngoài “mật thất” chứa băng video ngoài luồng, các dịch vụ cho thuê video còn có một phòng khác để đầu máy để sang băng video ra cho thuê. Để có đủ phim mới phục vụ người xem, các dịch vụ thuê video nhỏ phải đi thuê những phim mới nhất (gọi là băng F1) từ các dịch vụ “đầu nậu” lớn hơn và sau đó mua băng trắng để sang lại thành nhiều một hoặc nhiều bản sao (gọi là băng F2, F3) để cho thuê. Kỹ thuật này khá đơn giản vì chỉ cần hai đầu máy video nối với nhau và nối với một chiếc tivi là có thể sao chép rất ra băng F2 và F3 làm của riêng để cho mướn. Lúc đầu các dịch vụ cho thuê băng video mua băng VHS trắng theo thùng để về chép lại băng F2 nhưng sau một thời gian để tiết kiệm chi phí, họ thường dùng những phim cũ không còn ăn khách nữa để chép chồng phim mới lên. Sau khi chép xong, tựa phim cũ ở mặt trước của băng sẽ bị xé đi để dán lên một miếng giấy keo khác có ghi tựa phim mới. Một cuốn băng video có thể sử dụng để chép chồng nội dung mới lên được khoảng 4-5 lần và mỗi lần như vậy chất lượng cả hình và tiếng phim đều bị giảm đi một phần do lớp từ bị mòn nên sau một thời gian chép đi chép lại, những cuốn băng video này phải mang đi bỏ vì băng sẽ bị nhão hoặc bị răng cưa không thể tiếp tục sử dụng. Vì nhà tôi cho thuê băng video nên những công việc sao chép băng hay xử lý những vấn đề kỹ thuật như chùi đầu từ của đầu máy, cắt những đoạn băng bị dập để cắt bỏ sau đó dùng băng keo trong nối lại hoặc nếu băng bị rối thì sẽ phải dùng tuốc vít mở cả hộp băng ra để quấn lại băng vào trục, tôi đều khá thành thạo.
Những năm giữa thập niên 1990, dịch vụ cho thuê băng video ở Sài Gòn hoạt động mạnh đến mức nhiều khi trên một đoạn đường ngắn hay một con hẻm nhỏ có đến 3-4 tiệm video cùng mở cạnh tranh lẫn nhau. Buổi sáng các tiệm tương đối vắng khách vì người lớn thì đi làm còn học sinh thì đi học nhưng từ giờ tan tầm cho đến tối khuya thì bắt đầu đông hẳn lên vì ai nấy đi làm về cũng tranh thủ ghé qua mướn vài cuốn phim về xem giải trí vào buổi tối. Hầu như loại phim nào cũng có khán giả riêng của nó. Thanh niên và đàn ông thì khoái xem phim xã hội đen Hong Kong hay phim hình sự Mỹ và dĩ nhiên là phim “con heo” hay phim “chăn nuôi” (cách gọi phim có nhiều cảnh nóng thời đó). Các cô các bà thì mê phim tình cảm Đài Loan chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao với cặp đôi Lưu Tuyết Hoa, Tần Hán đóng như Dòng Sông Ly Biệt hay Xóm Vắng. Trẻ em thì thích xem hoạt hình Doremon, Thủy Thủ Mặt Trăng, Năm Anh Em Siêu Nhân hay Hiệp Sĩ Lợn Boorin còn ông già bà lão thì thích coi cải lương Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long. Nhưng thể loại phim được ưa thích nhất là những series phim truyền hình nhiều tập của TVB như Mối Hận Kim Bình, Lò Võ Thiếu Lâm hay Hồ Sơ Trinh Sát vì chúng phù hợp với thị hiếu của cả gia đình, ai coi cũng thích. Khi bộ phim truyền hình Đài Loan Bao Thanh Thiên ra mắt, hình ảnh “ông mập mặt đen có nửa cái lon sữa bò in trên trán” trở thành một cơn sốt đánh bại hết tất cả những trai đẹp thời đó như Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành… Tiệm video nhà tôi ngày trước không phải là tiệm lớn nhưng mỗi ngày cũng cho thuê được ít nhất trên trăm đầu băng. Những dịp lễ tết thì con số này có thể tăng lên đến 200 thậm chí 300. Thời đó máy vi tính chưa phổ biến nên việc ghi lại tên người thuê, địa chỉ và tựa phim đều được nhân viên cho thuê băng ghi bằng bút vào một cuốn số lớn có đánh số thứ tự theo từng ngày. Những tiệm lớn thì làm nhiều cuốn sổ riêng cho từng loại phim như phim lẻ Mỹ, phim lẻ Hong Kong, phim bộ Hong Kong, phim cải lương, ca nhạc… để dễ quản lý. Lắm lúc vì khách quá đông, việc ghi nhầm hay ghi sót là không thể tránh khỏi.
Làm nghề cho thuê băng video thời đó tuy thu nhập khá giả nhưng cũng vẫn có một số khó khăn nhất định mà phổ biến nhất là việc mất băng. Có nhiều nguyên nhân gây mất băng video: Người ngồi quầy không cẩn thận hoặc do quá bận vì đông khách sẽ rất dễ bị những kẻ giả vờ làm khách thuê băng đến ăn cắp (thời đó chưa có camera giám sát như bây giờ). Người thuê băng cũng có thể làm hư hoặc làm mất băng mà không đền. Một tình trạng nữa cũng khá phổ biến là người thuê muốn giữ băng làm của riêng nên cố tình không trả hoặc bảo là làm mất. Nhiều người cố tình dùng địa chỉ nhà giả hoặc nhờ người quen thuê băng giùm để trộm băng. Hoặc cũng có thể do những cửa hàng thuê băng khác cạnh tranh chơi xấu cho người đến thuê băng tiệm đối thủ rồi lặn mất tăm. Thời gian đầu khi băng video còn khan hiếm, người thuê băng phải đặt cọc số tiền tương đương với giá trị cuốn băng và không được thuê quá 3 băng mỗi lần và chỉ được giữ băng không quá 2 ngày. Có nơi không lấy tiền cọc mà sẽ giữ lại chứng minh nhân dân của khách hàng. Nhưng sau này khi các dịch vụ mọc ra như nấm, vì để cạnh tranh nên những thủ tục rườm rà ấy dần dần đều bị bỏ hết nhất là đối với khách quen hoặc người trong xóm. Vì vậy tình trạng mất băng video cũng trở nên phổ biến hơn. Khổ nhất là những bộ phim nhiều tập đang lên cơn sốt mà bị lấy mất vài tập khiến khách không chờ được kéo qua tiệm khác thuê và cứ vài lần như thế thì sẽ mất khách. Nạn mất xe khi có đông khách vào lựa băng cũng là một vấn đề đau đầu đối với những dịch vụ không có người trông xe. Vì thế, không ít cửa hàng cho thuê băng video đã phải dẹp tiệm trong vòng chưa tới một năm nếu không biết cách quản lý cho tốt.
Sang đến những năm đầu thập niên 2000, băng video tuy vẫn còn khá phổ biến nhưng dần mất đi vị trí thống trị của nó khi đĩa VCD và sau này là đĩa DVD bắt đầu phổ biến. Với ưu điểm gọn nhẹ không chiếm nhiều chỗ chứa, hình ảnh và âm thanh sắc nét hơn hẳn băng từ và đặc biệt là dễ bảo quản hơn, đĩa DVD đã trở thành lựa chọn của giới yêu phim của thiên niên kỷ mới. Và khi giá mua một đĩa DVD lậu chỉ cao hơn giá thuê băng video một chút thì các dịch vụ video vốn từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn ở thập niên 1990 chính thức cáo chung.