Share on facebook

Chương 7: Hình ảnh người Việt Nam trong mắt người nước ngoài thực sự như thế nào? (P1)

Có thể bạn quan tâm

Từ ngày đất nước mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài, người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới nhất là từ các nước phương Tây đến Việt Nam ngày càng đông, nhất là ở các thành phố lớn như Sài Gòn hoặc Hà Nội. Ngược lại, các bạn trẻ Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội để ra nước ngoài du lịch, du học và làm việc. Việc tiếp xúc với lối sống hiện đại văn minh của các nước tiên tiến cũng dễ dàng hơn rất nhiều qua phim ảnh, âm nhạc và mạng internet. Tuy nhiên trừ những trường hợp đã từng học ở các trường quốc tế hoặc đi du học về, phần lớn các bạn trẻ Việt Nam vẫn không đủ tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, kể cả đối với bạn bè đồng trang lứa. Sự dè dặt này bắt nguồn từ mâu thuẫn sùng ngoại và bài ngoại khá cực đoan trong tư duy của nhiều người Việt.

I. Mâu thuẫn sùng ngoại và bài ngoại của người Việt: vừa cực đoan vừa phiến diện

Người Việt Nam sùng ngoại nhất là đối với phương Tây, điều này rất hiển nhiên và bắt nguồn từ sự tự ti yếu kém về mọi mặt so với các nước phương Tây: thể trạng, thể lực, văn minh, khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị xã hội. Chính vì vậy đại đa số người Việt đều có hai mặc định tâm lý khi nghĩ về người nước ngoài: người nước ngoài chắc chắn sẽ giỏi hơn người Việt Nam về mọi mặt và chúng ta không bao giờ bằng được họ. Nhiều bạn trẻ có trình độ học thức khá cao khi chém gió với bạn bè thì rất hùng hổ nhưng khi đứng trước một anh chàng Tây cùng tuổi thì mất tự tin thấy rõ. Vài năm trước khi chờ chuyến bay về Sài Gòn từ phi trường Narita, Nhật, tôi đã chứng kiến một anh chàng Việt Nam mặc vest giống một nhân viên cấp quản lý của một công ty cố gắng bắt chuyện với một người đàn ông cao tuổi người Thuỵ Điển bằng thứ tiếng Anh bồi và bằng cách thức của …một người bán hàng rong trên phố Tây Bùi Viện đang chèo kéo khách. Ông già Thuỵ Điển đang ngồi đọc sách có vẻ khó chịu trước sự đường đột làm phiền của anh chàng kia nhưng vì phép lịch sự ông cũng trả lời vài câu chiếu lệ. Tôi nghe anh kia hỏi ông đến Việt Nam du lịch hay công tác và ông già bảo rằng ông không đến Việt Nam mà chỉ quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất để đi Campuchia. Không biết anh chàng kia cố tình không hiểu hay trình độ tiếng Anh quá kém nên không hiểu mà vẫn cứ lải nhải “Vietnam is very beautiful, welcome to Vietnam” như một con vẹt. Anh ta còn móc danh thiếp của mình trịnh trọng đưa lên bằng hai tay với một nụ cười nịnh nọt trơ trẽn. Dường như chịu hết nổi, ông già gằn giọng thật to: “Leave me alone” (hãy để tôi yên) rồi xách vali đứng dậy bỏ đi để lại anh chàng người Việt kia ngẩng người trước bao nhiêu cặp mắt của hành khách khác. Trong lòng tôi dâng lên một nỗi xấu hổ vô cùng.

Làm việc trong ngành giảng dạy tiếng Anh tôi càng thấy rõ sự sùng ngoại một cách quá đáng của người Việt. Trung tâm ngoại ngữ nào có mấy anh mắt xanh mũi lõ tóc vàng là y như rằng phụ huynh đăng ký cho con em học nườm nượp mà bất chấp anh chàng da trắng tóc vàng đó có bằng cấp giảng dạy hay chỉ là một tay du lịch ba lô không có tí kiến thức sư phạm nào. Thậm chí anh chàng đấy có phải người Anh hay Mỹ không cũng mặc, miễn là người da trắng là được. Lúc trước khi còn làm việc cho những trung tâm ngoại ngữ, tôi đã từng rất bức xúc trước cảnh các cô nhân viên hành chính hoặc giáo viên người Việt nói chuyện với các giáo viên nước ngoài bằng một vẻ sợ sệt và lúng túng thấy rõ mỗi khi phải nhắc nhở hoặc phê bình những giáo viên nước ngoài khi họ tự ý bỏ lớp không báo, không chuẩn bị cho bài giảng, thậm chí dạy sai bài. Mặc kệ, các nhân viên Việt Nam cứ phải nhỏ nhẹ xuống nước năn nỉ chứ không dám thẳng thắn phê bình. Một phần vì tiếng Anh của họ quá yếu để có thể diễn đạt, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là các trung tâm Anh ngữ chiều chuộng những giáo viên nước ngoài bất chấp trình độ chuyên môn vì nhu cầu marketing. Và những anh chàng giáo viên Tây ba lô cứ thế mà được nước làm tới yêu sách mè nheo đủ kiểu.

Nhiều người Việt ra nước ngoài du lịch được một hai lần thì xem như mình đã lên được tới thiên đường, cái gì cũng ca ngợi tâng bốc một cách thái quá. Những người đã từng sống và làm việc ở nước ngoài một thời gian thì khi về nước thì hay tỏ vẻ ra cái gì ở Việt Nam cũng xấu cũng tệ, cái này không quen, cái nọ không quen vì sống ở bên kia quen rồi. Thậm chí một số bạn còn rất trẻ, sau vài năm du học về bỗng dưng…quên tiếng Việt nói cái gì cũng phải chêm tiếng Anh vào mới chịu. Tôi sống ở Mỹ sáu năm và cũng đã đi nhiều nước, làm việc với rất nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới nhưng tôi vẫn nói và viết tiếng Việt một cách thông thạo và không bao giờ chen vài từ tiếng Anh vào câu tiếng Việt để tỏ vẻ sành điệu.

Bên cạnh cảm giác vừa sợ hãi và sùng ngoại vô lý, tâm lý người Việt luôn tồn tại một sự coi thường hoặc ganh ghét ngấm ngầm đối với người phương Tây và luôn muốn tìm cách để chơi gác hoặc gian lận bất cứ khi nào có thể. Đó là phức hợp tâm lý của một nước nhược tiểu đối với một cường quốc, của một kẻ nhà nghèo luôn ganh tỵ với sự giàu có của một người thành đạt nên bề ngoài thì tỏ vẻ cung kính nhưng bên trong luôn tìm cách lừa nó một cú cho bõ ghét và coi đó là thắng lợi của mình. Tại sao lại coi thường người phương Tây? Đó là vì Người Việt Nam ngày nay được giáo dục một niềm tự hào dân tộc rất ảo: Việt Nam là dân tộc duy nhất đánh thắng hai tên thực dân đế quốc sừng sỏ nhất thế giới là Pháp và Mỹ. Nhưng tại sao lại ganh ghét? Vì trên thực tế đất nước chúng ta nếu so sánh với các nước phương Tây lạc hậu và thua kém về mọi mặt từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật đến cả cách ứng xử văn minh lịch sự. Để lý giải cho sự yếu kém này, nhiều người đã đổ thừa các yếu tố như chiến tranh kéo dài và sự cấm vận của Mỹ gần 2 thập niên. Và chính vì thế, người Việt chúng ta dùng thói khôn lỏi gỡ gạc cho sự thua kém và sợ hãi bằng cách nói thách, tự ý nâng giá chặt chém, cố ý chở khách đi đường vòng để tính thêm tiền…và tự hào rằng mình lừa được thằng Tây.

Hãy xem gương người Nhật sau thế chiến thứ hai. Người Nhật sau khi bị hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki đáng lẽ phải căm thù người Mỹ lắm. Nhưng họ hiểu được sự yếu kém của mình và biến nỗi nhục thành động lực để họ phấn đấu không ngừng mà có được vị thế ngày hôm nay. Đó là vì họ không kỳ thị hay bài xích người Mỹ bằng tinh thần dân tộc cực đoan mà cố gắng học hỏi những cái hay cái tốt của Mỹ để vươn lên. Việt Nam ta suốt ngày hát mãi điệp khúc “chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới” để che giấu mặc cảm chiến thắng rồi mà ta vẫn nghèo nàn lạc hậu. Để không bị người phương Tây xem thường, người Nhật quyết tâm học tập những lối sống văn minh tiến bộ Tây Âu và từ bỏ những phong tục tập quán cổ hủ của họ thời phong kiến. Việt Nam mơ một cuộc sống dân chủ và văn minh phương Tây nhưng không ai dám quyết tâm thay đổi và luôn viện dẫn truyền thống dân tộc và bề dày lịch sử mấy ngàn năm để bao biện cho sự cổ hủ về tư tưởng của mình.

Khi ra nước ngoài, người Việt tự làm xấu hình ảnh của dân tộc bằng những hành động như tìm cơ hội lách luật, xả rác bừa bãi, ăn cắp vặt, hủy hoại thiên nhiên và danh lam thắng cảnh ở nước bạn như viết bậy vẽ bậy hoặc săn bắn động vật trái phép. Khi bị lên án hoặc chỉ trích, lập tức nhiều bạn trẻ dùng những từ ngữ và thái độ hết sức vô giáo dục để phản công như một cách để bảo vệ sĩ diện dân tộc thay vì nhận lỗi và sửa lỗi. Hoặc đơn giản hơn chỉ cần thua một trận bóng đá do đội bạn chơi xấu hoặc trọng tài không công bằng thì y như rằng các bạn trẻ lại không tiếc lời nhục mạ chửi rủa đối phương vừa phi thể thao vừa vô văn hóa.

II. Khách du lịch ba lô nghĩ gì khi đến Việt Nam?

Vậy thì ngược lại, người nước ngoài khi đến sống ở Việt Nam và tiếp xúc với người Việt Nam có nhận xét gì về đất nước và con người Việt Nam? Đây là một câu hỏi khá nhạy cảm và đụng chạm rất nhiều tới tinh thần dân tộc. Đừng nghĩ rằng người nước ngoài ai sang Việt Nam cũng phải yêu mến đất nước này hoặc ngưỡng mộ truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam như chúng ta vẫn thường ngộ nhận. Khi bạn hỏi những người nước ngoài bạn mới quen về Việt Nam, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời xã giao đãi bôi kiểu “Việt Nam đẹp lắm” hay “người Việt Nam rất thân thiện và hiếu khách”, hoặc “Món ăn Việt Nam thật tuyệt, tôi thích phở và chả giò”. Những người bạn nước ngoài của tôi lúc đầu cũng nói với tôi những lời như vậy. Nhưng sau một thời gian chơi với nhau đủ thân để “cut the crap” (nói thẳng nói thật), họ sẽ cho bạn biết những suy nghĩ thẳng thắn của họ về đất nước và con người Việt Nam.

Rất nhiều người Việt có một tư tưởng khá ấu trĩ là người nước ngoài đến Việt Nam là vì yêu Việt Nam, vì đất nước Việt Nam anh hùng, con người Việt Nam thân thiện… qua những clip phỏng vấn du khách Tây trên truyền hình trong một quán bia vỉa hè giữa trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam tham gia hay giữa không khí tấp nập ngày lễ hội xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ. Liệu những chàng Tây ba lô đang đứng trước máy quay phim và quan trọng hơn nữa giữa một rừng người Việt dám thực sự mở miệng nhận xét những gì họ muốn nói không? Đặt trường hợp bạn đến một quốc gia xa lạ, bị phóng viên chĩa máy quay vào mặt hỏi về cảm nghĩ về con người và đất nước đó bạn sẽ trả lời thế nào? Thứ hai, nếu họ nói thật, bạn nghĩ rằng những lời nói thật lòng có được phát sóng cho dân Việt Nam xem hay sẽ bị kiểm duyệt trước khi lên sóng? Nếu bạn đang tin và tự hào vì những lời khen ngợi thảo mai ấy mà tưởng rằng Việt Nam tuyệt vời trong mắt người nước ngoài lắm thì bạn quá ngây thơ rồi đấy.

Vậy phần lớn những chàng Tây ba lô, vâng tôi nhắc lại là phần lớn chứ không phải tất cả, đến Việt Nam, Lào, Campuchia và thậm chí Thái Lan vì cái gì? Vì bề dày truyền thống lịch sử ngàn năm ư? Điều đó chẳng quan trọng đối với họ vì họ mù tịt về lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam hay sang Thái Lan chơi có phải vì lịch sử Thái hay vì hoàng gia Thái hay để ăn chơi mua sắm trên đất Thái? Chắc bạn cũng có câu trả lời rồi. Có bạn lại nghĩ rằng người phương Tây thích du lịch Việt Nam vì phong cảnh Việt Nam quá đẹp? Điều này vừa đúng lại vừa sai. Tôi không phủ nhận đất nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng đến mức choáng ngợp vì sự kì vĩ của thiên nhiên thì chưa đến mức đó. Trên thế giới vẫn còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ hơn thế nhiều. Đó là chưa kể đến lối khai thác du lịch hết sức tồi tệ ở Việt Nam khiến tài nguyên dần dần bị cạn kiệt và những mánh khóe làm tiền khiến du khách cảm thấy bị lừa gạt.

Người nước ngoài đến Việt Nam hay các nước kém phát triển khác vì giá cả rẻ, không cần quá nhiều tiền vẫn có thể ăn chơi thoải mái, du lịch thả ga và sinh hoạt phí đều rất dễ chịu. Các bạn có biết giá nhà trọ, bia bọt và gái mại dâm ở Việt Nam so với túi tiền của dân Tây là quá rẻ không? Hơn nữa, khi hết tiền tiêu, họ có thể tìm một trung tâm tiếng Anh nào đấy để xin dạy học và rất dễ dàng được chấp nhận bất kể trình độ và chuyên môn nhưng với mức lương cao hơn hẳn giáo viên bản xứ. Đó là những thứ mà dân Tây ba lô không thể tìm được khi đến du lịch ở những nước phát triển. Điều thứ hai khiến nhiều người nước ngoài đến Việt Nam là do quản lý lỏng lẻo và pháp luật không nghiêm minh như nước của họ. Những nước kém phát triển trong đó có Việt Nam là thiên đường của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, ấu dâm của bọn biến thái phương Tây. Những người nước ngoài ở lại đủ lâu ở Việt Nam sẽ tìm cách thích nghi với những thứ tồi tệ như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm lạng lách, nhậu nhẹt, say xỉn quỵt tiền và gây chuyện đánh nhau, những điều mà nếu họ làm ở đất nước của họ, cái giá phải trả thực sự rất đắt.

Bên cạnh những đặc quyền đặc lợi không đáng có ở Việt Nam, ngược lại, người nước ngoài cũng gặp rất nhiều những trò ma mãnh và phiền phức khi ở Việt Nam. Đi ngoài đường không cẩn thận sẽ bị giật đồ mất sạch hết tiền bạc giấy tờ. Đi mua gì cũng sợ bị chặt chém hoặc lừa gạt. Đi dạo ngoài đường thì bị chèo kéo đánh giày mua kẹo cao su hoặc bưu thiếp. Rồi thì ăn xin bám theo làm phiền. Đường phố thì xe đông như mắc cửi chạy bất chấp luật giao thông. Người Việt Nam thì không thân thiện như họ nghĩ, và nếu có thân thiện thì chắc chắn đằng sau sự thân thiện là một âm mưu trục lợi nào đấy. Rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ trở lại cũng vì những điều này. Đó là chưa kể những hình ảnh xấu xí khi đi bão bóng đá, những status chửi rủa mạt sát những trọng tài cầu thủ mà người Việt Nam cho là chơi chèn ép đội tuyển Việt Nam. Nếu bạn là du khách đến một nước đầy những điều xấu xí như thế, bạn có suy nghĩ thế nào? Cứ thật lòng mà trả lời nhé! (còn tiếp)

BHV English IELTS Team

Tags

Có thể bạn quan tâm